Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 12 năm 2024,
Trung Quốc thảo luận mục tiêu tăng trưởng và các biện pháp kích thích kinh tế
Đông Phong - 09/12/2024 16:24
 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác đang chuẩn bị cho hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên, được cho là sẽ diễn ra vào tuần này, trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Dự đoán mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5%"

Mặc dù ngày chính thức cho hội nghị kéo dài hai ngày vẫn chưa được công bố, nhưng Bloomberg đưa tin rằng cuộc họp kín sẽ được tổ chức từ ngày 11-12/12. Thông thường, hội nghị thường niên này diễn ra sau cuộc họp cấp cao của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong cả hai cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc sẽ xem xét hiệu quả kinh tế và việc thực hiện chính sách trong năm hiện tại, đồng thời đặt ra các ưu tiên cho năm tiếp theo, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho biết.

Cũng theo Goldman Sachs, chính quyền trung ương Trung Quốc cũng sẽ thảo luận về mục tiêu tăng trưởng và ngân sách cho năm 2025, một phần là để hướng dẫn các chính quyền địa phương đặt ra mục tiêu của riêng họ trước kỳ họp Quốc hội thường kỳ vào đầu năm tới.

Mặc dù các con số cụ thể sẽ không được công bố cho đến tháng 3, nhưng nhiều nhà phân tích dự đoán Bắc Kinh sẽ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP của năm tới ở mức "khoảng 5%" - giống như năm nay - nếu không muốn nói là thấp hơn một chút.

Thông tin mới nhất được đài CNBC cập nhật cách đây ít phút, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hôm nay 9/12 đã cam kết các biện pháp tài khóa "chủ động hơn" và chính sách tiền tệ "vừa phải" nới lỏng hơn trong năm tới để thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Bộ Chính trị cho biết họ sẽ ổn định thị trường bất động sảnchứng khoán đồng thời tăng cường điều chỉnh "phản chu kỳ phi truyền thống", đài CNBC dẫn thông báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie cho rằng: "Nếu dựa theo quá khứ, các nhà hoạch định chính sách có thể giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ở mức khoảng 5% hoặc hạ xuống còn 4,5-5%". Đồng thời, ông Hu lưu ý rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chưa bao giờ hạ mục tiêu quá 0,5 điểm phần trăm trong quá khứ.

Còn theo Lynn Song, chuyên gia kinh tế trưởng tại ING, chính phủ Trung Quốc hiếm khi không đạt được mục tiêu tăng trưởng, chỉ có hai trường hợp ngoại lệ là tăng trưởng không đạt mục tiêu đáng kể vào năm 1990 và 2022.

Kỳ vọng có thêm các biện pháp kích thích

Mặc dù Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay là "khoảng 5%", nhưng nền kinh tế này vẫn đang phải đối mặt với một số vấn đề dài hạn hơn, bao gồm suy thoái bất động sản kéo dài, tiêu dùng trong nước ảm đạm và căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ, nhất là sau khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025.

Các quan chức Trung Quốc đã liên tiếp công bố các biện pháp kích thích kinh tế kể từ cuối tháng 9 năm nay, bao gồm một số đợt cắt giảm lãi suất, nới lỏng các quy định mua bất động sản và hỗ trợ thanh khoản cho thị trường chứng khoán.

Dữ liệu gần đây cho thấy các biện pháp kích thích đó đã phát huy tác dụng thúc đẩy một số lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp cho áp lực giảm phát dai dẳng.

Theo dữ liệu được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 9/12, lạm phát tiêu dùng tháng 11 của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng và không đạt kỳ vọng do chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, các nhà phân tích được Reuters thăm dò đã kỳ vọng lạm phát bán lẻ sẽ tăng nhẹ lên 0,5% vào tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 0,3% vào tháng 10.

Lạm phát lõi của Trung Quốc (không bao gồm giá hai mặt hàng biến động mạnh như thực phẩm và nhiên liệu) đã tăng 0,3% trong tháng 11 so với mức tăng 0,2% vào tháng 10.

Chỉ số giá sản xuất hoặc lạm phát bán buôn của Trung Quốc trong tháng 11 đã đánh dấu tháng sụt giảm thứ 26. Chỉ số giá sản xuất tháng 11 đã giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức giảm ước tính 2,8% theo cuộc thăm dò của Reuters.

Thực chất, sự suy giảm tiêu dùng dai dẳng của Trung Quốc bắt nguồn từ suy thoái bất động sản trong nước và mối liên hệ sâu sắc của ngành này vớt tình hình tài chính của chính quyền địa phương.

Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc đã công bố gói 1.400 tỷ USD để xoa dịu cuộc khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương.

Các nhà kinh tế tại Morgan Stanley cho rằng chính quyền Trung Quốc cần mở rộng hơn nữa quy mô của chương trình hoán đổi nợ, vì nợ của các công cụ tài chính của chính quyền địa phương đã lên tới gần một nửa GDP của nước này.

Theo Morgan Stanley, Bắc Kinh dự kiến​sẽ nới rộng thâm hụt tài chính thêm 1,4 điểm phần trăm, điều này sẽ cho phép chính quyền trung ương vay nhiều hơn để củng cố nền kinh tế.

Ngay cả khi thâm hụt tài chính nới rộng lên 3,8% vào tháng 10/2023 với việc phát hành trái phiếu đặc biệt, các nhà chức trách Trung Quốc vào tháng 3 đã quay trở lại mục tiêu thâm hụt là 3%.

Những trở ngại ngày càng tăng

Trước các mức thuế quan bổ sung, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể xem xét các gói tài chính lớn hơn vào năm tới "theo nhiều giai đoạn" khi họ theo dõi và phản ứng với chính sách của Mỹ dưới thời ông Donald Trump, theo các nhà kinh tế từ ông Barclays.

Theo đài CNBC, Tổng thống đắc cử Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng 1/2025, đã tuyên bố sẽ áp dụng thêm 10% thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trừ khi Bắc Kinh hành động nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng buôn bán chất gây nghiện cao fentanyl. Ông Trump cũng đã đe dọa sẽ áp thuế quan vượt quá 60% đối với hàng hóa Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử của mình.

Các nhà kinh tế của Barclays cho biết, mối đe dọa thuế quan mới nhất có thể là một "chiến thuật để đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán", đồng thời dự đoán rằng ông Trum sau đó sẽ chỉ áp dụng mức thuế bổ sung 30%. Tuy nhiên, điều đó vẫn có thể tạo ra lực cản lên tới 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của Trung Quốc, Barclays nói thêm.

"Một chính sách bazooka (chính phủ bơm lượng tiền khủng vào nền kinh tế - BTV) có thể được đư ra nếu thuế quan của ông Trump ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu của Trung Quốc", nhà kinh tế trưởng Larry Hu từ Macquarie cho biết, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ phải kích thích nhu cầu trong nước để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Cũng theo ông Hu, các lĩnh vực như xuất khẩu và sản xuất chế tạo không còn có thể thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 4% đến 5% trong thập kỷ tới, bởi "chúng đơn giản là trở nên quá lớn để thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn" còn xuất khẩu phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn từ căng thẳng thương mại.

Trung Quốc cần thúc đẩy tiêu dùng để trở thành động lực tăng trưởng chính, bằng cách giải quyết tình trạng thất nghiệp và tăng thu nhập lao động, cũng như làm tốt hơn những điều này cho các nhóm lao động thu nhập thấp. "Mục tiêu hợp lý là tiêu dùng hộ gia đình đạt 50% GDP", ông Hu nhấn mạnh.

Trung Quốc vẫn là "lựa chọn hàng đầu"

Trái phiếu chính phủ Trung Quốc đã tăng mạnh khi thị trường nhận diện lãi suất sẽ được cắt giảm thêm và nền tảng kinh tế yếu kém. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc gần đây đã giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý 2% và đánh dấu mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn đợt tăng giá trái phiếu khi thị trường xuất hiện bi quan về nền kinh tế và thiếu các lựa chọn đầu tư hấp dẫn.

"Thị trường vẫn đang kỳ vọng một số hỗ trợ kích thích tài khóa vào đầu năm tới", ông Edmund Goh, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản abrdn cho biết. Mặc dù có một số dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ trên thị trường bất động sản Trung Quốc, nhưng "chúng tôi không thấy bất kỳ sự cải thiện nào về dữ liệu kinh tế trong nước trong vài tháng qua", ông Goh nhận xét.

Trên thị trường cổ phiếu, ông Barry Gill, Giám đốc đầu tư tại UBS Asset Management khẳng định Trung Quốc vẫn là "lựa chọn hàng đầu" của ông với mức định giá rẻ và "có tiềm năng gây bất ngờ cho các nhà đầu tư nhất" trên nhiều mặt trận khi so sánh với các thị trường khác.

Chỉ số chứng khoán Trung Quốc CSI 300 đã giảm 0,5% trong ngày 9/12 sau khi tăng 1,3% vào thứ Sáu tuần trước lên mức cao nhất trong hai tuần, bởi lẽ các nhà giao dịch kỳ vọng Bắc Kinh sẽ bàn thảo các biện pháp kích thích kinh tế tiếp theo tại cuộc họp chính sách tuần này.

"Một phản ứng kích thích quyết liệt hơn và sự thay đổi đối với thị trường trong 12-18 tháng tới có thể nằm trong tầm ngắm", các nhà quản lý tài sản của định chế tài chính lâu đời UBS cho hay.

Trung Quốc: PMI sản xuất tháng 11/2024 lập mức đỉnh mới trong vòng 7 tháng
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Trung Quốc trong tháng 11/2024 vẫn bùng nổ tháng thứ hai liên tiếp, lập mức cao mới trong 7...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư