Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Trung Quốc trốn tránh sự phi lý của đường lưỡi bò như thế nào?
LS Lê Nết - 17/05/2014 15:09
 
Ở bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu diễn tiến vụ việc Philppines kiện Trung Quốc về "đường lưỡi bò", dưới góc nhìn của trọng tài quốc tế. Bài viết này sẽ phân tích các trường hợp mà vụ kiện có thể tiến triển, nếu Hội đồng Trọng tài tuyên bố có thẩm quyền.
TIN LIÊN QUAN
XEM BÀI 1:
Góc nhìn của trọng tài quốc tế về đường lưỡi bò

Trung Quốc thiếu căn cứ pháp lý

Nếu Hội đồng Trọng tài tuyên bố có thẩm quyền thì vụ kiện sẽ được xem xét về nội dung yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, bao trùm các quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratlys). Các quần đảo này đã từng được Đại Nam chiếm đóng (đối với Hoàng Sa), Pháp chiếm đóng (đối với cả hai quần đảo), rồi Nhật chiếm đóng.

Trung Quốc cho rằng, mình có 2000 năm lịch sử gắn liền với Nam Hải (là một phần của đế quốc Trung Hoa), và năm 1947 Trung Hoa Dân Quốc đã in bản đồ bao gồm toàn bộ đường lưỡi bò nói trên, lúc đó (sau khi quân đội Nhật rút) thì các quần đảo đang ở trong tình trạng mà họ coi là terra nullius (đất không người).

  Philippines kiện trung quốc về tuyên bố đường lưỡi bò phu lý  
  Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario (trái) và người đứng đầu Hội đồng tư vấn pháp luật Philippines Francis Jardeleza thông báo về việc nộp hồ sơ kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế  

Phía Philippines cho rằng, lập luận terra nulius là vô căn cứ, và một số đảo phía đông quần đào Trường Sa gần với Philippines hơn và theo UNCLOS thì phải thuộc chủ quyền Philippines.

Ngoài Trung Quốc và Philippines, nhiều quốc gia khác, trong đó thể hiện được nhiều bằng chứng nhất là Việt Nam, cũng tuyên bố chủ quyền đối với 2 quần đảo nói trên.

Trong đơn kiện của mình, Philippines tập trung phân tích sâu sự thiếu căn cứ pháp lý về tuyên bố “đường lưỡi bỏ”.

Thứ nhất, về mặt địa lý, đường lưỡi bò không hề căn cứ vào bất cứ hòn đảo hay mốc tự nhiên nào, cũng không cụ thể về kinh độ, vĩ độ (vào trường hợp đó phải có thoả thuận giữa các quốc gia).

Thứ hai, về mặt lịch sử, đường lưỡi bò không hề phản ánh việc chiếm đóng liên tục, lâu dài và ngay tình của Trung Quốc. Việc tuyên bố thành phố Tam Sa năm 2013 đã gặp sự phản đối của Việt Nam, Philippines và rất nhiều quốc gia khác. Trong khi đó, tuyên bố của Việt Nam về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị San Francisco về phân định chủ quyền các vùng đất mà Nhật Bản xâm chiếm trong Chiến tranh Thế giới thứ II (năm 1951) thì không hề gặp sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào tham dự.

Trung Quốc có ra tuyên cáo phản đối nhưng lại không tham dự họp, như vậy lại càng chứng tỏ Trung Quốc không có danh chính trong vấn đề này.

Thậm chí, trước khi Trung Quốc bắt đầu tuyên bố chính thức về chủ quyền đối với “đường lưỡi bò”, thì họ đã dùng vũ lực xâm lược Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và chiếm đóng một số bãi đá mà Việt Nam và Philippines đã từng tuyên bố chủ quyền hay có quân đội đồn trú năm 1988, vì thế Trung Quốc cũng không thể thuyết phục nổi thế giới rằng mình chiếm hữu ngay tình và không có tranh chấp.

Ngoài ra, cách xác định vị trí đường lưỡi bò theo vị trí “đảo” của Trung Quốc cũng không thuyết phục. Philippines cho rằng “các bãi đá đó không phải là đảo và vì vậy chỉ có thể là thềm lục địa của một quốc gia khác (Philippines) hay biển quốc tế”. Theo Điều 121 UNCLOS, đảo phải tự nổi lên khỏi mặt nước khi thuỷ triều lên. Mong muốn của Philippines là hội đồng trọng tài sẽ kết luận: “đường lưỡi bò” không có bất kỳ một cơ sở pháp lý nào theo UNCLOS và vì vậy vô giá trị.

Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ phản bác các lập luận về nội dung của Philippines như thế nào, nhưng theo các học giả quốc tế bình luận, thì tự bản thân Trung Quốc cũng biết lập luận về “đường lưỡi bò” của mình không có cơ sở pháp lý, và đó có thể là một trong những lý do mà họ từ chối không tham gia vụ kiện.

Ảnh hưởng của vụ kiện với các bên liên quan

Việc Trung Quốc từ chối không tham gia vụ kiện không phải là một giải pháp đúng đắn của chính phủ Trung Quốc. Chính Trung Quốc đã ký công ước UNCLOS, trong đó có nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thì bằng cách phản đối thẩm quyền như vậy, tự bản thân Trung Quốc đã thừa nhận vi phạm chính thoả thuận (công ước) mà mình đã ký.

Nếu Trung Quốc cho rằng hội đồng trọng tài không có thẩm quyền thì nên yêu cầu mở phiên xử về thẩm quyền và đường hoàng ra phiên xử tranh cãi, tôn trọng quyết định về thẩm quyền của hội đồng trọng tài. Không đến dự phiên xử là coi thường hội đồng trọng tài (mà không cần cho họ cơ hội để họ tự quyết xem họ có thẩm quyền hay không), là tự cho mình đứng trên cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.

Chưa kể, Philippines có thể cho cả thế giới thấy rằng mình có thiện chí giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, trong khi Trung Quốc bỏ cuộc ngay từ đầu, coi như mời hội đồng kết luận rằng Trung Quốc đuối lý.

Một điểm thú vị là chỉ có Trung Quốc bảo lưu điều khoản trọng tài tại UNCLOS, còn Philippines không bảo lưu. Vậy nếu Philippines có tranh chấp với Trung Quốc thì quyền khởi kiện của Philippines cũng không bị ảnh hưởng, thẩm quyền của hội đồng (ít nhất là đối với Philippines) vẫn tồn tại.

Câu hỏi đặt ra với toàn thể thế giới là: ngoại trừ Trung Quốc (đã từ chối không tuân thủ phán quyết), các quốc gia khác có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của hội đồng trọng tài không? Nếu câu trả lời là có, thì Trung Quốc đã tự cô lập mình và không bao giờ được quốc tế công nhận chủ quyền đối với “đường lưỡi bò”.

Hơn nữa, dù có bảo lưu hay không thì Trung Quốc cũng là thành viên của UNCLOS và như vậy có nghĩa vụ tuân thủ UNCLOS. Nếu hội đồng trọng tài tuyên bố rằng Trung Quốc vi phạm UNCLOS thì chẳng lẽ vì điều khoản bảo lưu đó mà có thế kết luận Trung Quốc không vi phạm công ước quốc tế?

Sau cùng, nếu Trung Quốc không tham gia vu kiện, thì cũng sẽ không thể trình bày quan điểm và chứng cứ của mình đến hội đồng trọng tài, và vì vậy hội đồng không thể xem xét được quyền lợi của Trung Quốc theo "đường lưỡi bò” (nếu có). Là một nước lớn, lẽ ra Trung Quốc nên thể hiện quan điểm “cây ngay không sợ chết đứng”, sẵn sàng thuê luật sư và đấu lý với Philippines về quan điểm của mình, hơn là bỏ cuộc ngay từ đầu.

Đối với Việt Nam, cho dù hiện nay chưa tham gia vào vụ kiện, song từ quan điểm về trọng tài quốc tế, Việt Nam nên cử quan sát viên (vì tố tụng trọng tài UNCLOS là công khai), đồng thời nghiên cứu kỹ các hồ sơ mà Philippines trình nộp.

Thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, Việt Nam sẽ học hỏi được thêm kinh nghiệm từ các luật sư quốc tế đang hỗ trợ Philippines cũng như các đồng nghiệp Philippines, để đến lượt mình đứng ra bảo vệ quyền lợi của đất nước tại các trung tâm trọng tài quốc tế.

Giới luật quốc tế đánh giá, vụ kiện cho dù kết thúc như thế nào, sẽ trở thành một bước ngoăt trong quá trình giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Như đã phân tích ở trên, việc hội đồng trọng tài tuyên bố đường lưỡi bò không có giá trị pháp lý là có thể dự đoán được nếu hội đồng trọng tài tuyên bố mình có thẩm quyền giải quyết tranh chấp vụ kiện này. 

Điều mấu chốt là hội đồng trọng tài tuyên bố mình có thẩm quyền giải quyết vụ kiện hay không.

  TRung quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển việt nam  
  Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và dùng nhiều tàu, máy bay ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam (ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam)  

Và dù có hay không, Trung Quốc có dùng lại bài đưa ra bảo lưu hay không, thì việc đưa vụ viêc cùng các chứng cứ công khai cho cộng đồng pháp lý quốc tế biết vẫn tốt hơn là chỉ tuyên bố đơn phương rằng mình có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đối với các quần đảo nói trên. 

Ngoài ra, sẽ có một hướng nghiên cứu mới đặt ra, là làm thế nào để khởi kiện Trung Quốc theo UNCLOS, liên quan đến đường lưỡi bò và các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng mà không vi phạm vào các bảo lưu của Trung Quốc.

Tạm thời chưa bàn đến kết quả của các phán quyết trọng tài, nhưng theo hướng nào, thì các phán quyết vẫn có một giá trị quan trọng, đó là cho thấy ai đúng ai sai về mặt pháp lý.

Theo ngạn ngữ của người Anh “time is on the right side”, thì không sớm thì muộn, phía chính nghĩa sẽ thắng. Có thể với phán quyết của trọng tài quốc tế, một bộ phận người dân Trung Quốc hiện vẫn tự cho mình là đúng sẽ nhận thấy họ đang sai, đang phi lý với tuyên bố về đường lưỡi bò của chính phủ.

Chính phủ Trung Quốc cũng không còn mạnh miệng khi tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò, và khi đó họ càng tuyên bố thì họ càng bị cô lập mà thôi. Để có thể coi là đối thủ đang lên và đối trọng với Hoa Kỳ - quốc gia có đồng minh khắp châu Á, Trung Quốc không thể sống mà thiếu bạn bè.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm về pháp lý thuần tuý. Trong khi đó, để khởi kiện hay không còn cân nhắc vấn đề về ngoại giao, chính trị, thế và lực cũng như nhiều vấn đề khác. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng, điểm tựa của tất cả các vấn đề còn lại là địa vị pháp lý.

Nắm chắc khả năng pháp lý sẽ làm tăng sự tự tin của quốc gia trong việc ứng xử với các nước láng giềng, và giải quyết các tranh chấp bằng pháp lý. Đồng thời, đó cũng là một hành động cụ thể hóa các tuyên bố phản đối, tăng tính thuyết phục và tranh thủ sự đồng tình của cả thế giới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư