Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 07 năm 2025,
Trung tâm công nghiệp văn hóa Hà Nội có thêm chính sách ưu đãi
Linh Nguyễn - 11/07/2025 07:23
 
Thực hiện Luật Thủ đô 2024, HĐND TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về tổ chức, hoạt động và cơ chế ưu đãi đầu tư cho trung tâm công nghiệp văn hóa nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa Thủ đô.

Tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, nhằm triển khai thực hiện khoản 7 Điều 21 của Luật Thủ đô 2024.

Tạo không gian văn hóa mở, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo

Nghị quyết đặt nền móng pháp lý cho việc thành lập và vận hành các trung tâm công nghiệp văn hóa, đồng thời ban hành nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển hệ sinh thái sáng tạo tại Hà Nội.

Theo quy định, trung tâm công nghiệp văn hóa là tổ chức do cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp hoặc cá nhân đầu tư thành lập, có địa điểm hoạt động rõ ràng, với ranh giới địa lý xác định, chuyên cung cấp hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sản phẩm văn hóa và phát triển hệ sinh thái công nghiệp văn hóa.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các trung tâm này phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển sáng tạo, phát huy giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc Hà Nội, đồng thời thúc đẩy đa dạng hóa và bình đẳng văn hóa.

Đáng chú ý, Nghị quyết cho phép triển khai thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Việc thử nghiệm được thực hiện trong phạm vi không gian, thời gian và đối tượng nhất định, nhằm đánh giá tính khả thi và tác động thực tiễn trước khi nhân rộng.

Đoàn Chủ tọa điều hành phiên làm việc tại Kỳ họp. Ảnh: Phạm Hùng

Quy định cũng yêu cầu trung tâm phải đảm bảo diện tích phù hợp dành cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phụ trợ, không gian làm việc chung, cơ sở ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đồng thời, các trung tâm cần có phương án hỗ trợ nghệ sĩ, nghệ nhân và người thực hành văn hóa trong hoạt động biểu diễn, thiết kế, sáng tác và sản xuất sản phẩm văn hóa.

Nếu trung tâm được xây dựng trên khu vực có di sản văn hóa, phải có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản đi kèm, đảm bảo không gian sáng tạo không xung đột với không gian truyền thống. Các phương án đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và môi trường cũng là tiêu chí bắt buộc trong quá trình triển khai.

Để tạo động lực phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa, Hà Nội đưa ra loạt chính sách ưu đãi hấp dẫn. Theo đó, Thành phố sẽ ưu tiên bố trí quỹ đất, vốn đầu tư phát triển hạ tầng, cải tạo cơ sở hiện hữu để hình thành trung tâm công nghiệp văn hóa, cũng như huy động nguồn lực xã hội tham gia thông qua giao đất, nhượng quyền hoặc cho thuê.

Thành phố cũng khuyến khích chuyển đổi công năng tài sản công thành không gian sáng tạo văn hóa mới, tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận hạ tầng thuận lợi hơn.

Cụ thể, trung tâm công nghiệp văn hóa, cùng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động bên trong, sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo Điều 43 của Luật Thủ đô, gồm miễn hoặc giảm tiền thuê đất, mặt nước; khấu trừ chi phí thuê đất vào tiền thuê công trình (nếu thuê tài sản công); miễn tiền thuê công trình trong tối đa 3 năm đầu, và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo.

Ngoài ra, các chủ thể trong trung tâm công nghiệp văn hóa còn được hỗ trợ kinh phí tham gia chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của Thành phố, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, truyền thông thương hiệu văn hóa, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại kỳ họp, bà Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. Hà Nội cho rằng Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa từ tài nguyên di sản, lực lượng nghệ sỹ sáng tạo đến sức hút du lịch. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của ngành vẫn còn chậm và chưa tương xứng với tiềm lực.

“Việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố và đúng định hướng Luật Thủ đô mới. Đây sẽ là mô hình đột phá, làm cơ sở để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp vào tăng trưởng GRDP Thủ đô theo hướng bền vững”, bà Bình nhấn mạnh.

Ngành công nghiệp văn hóa có thể trở thành động lực kinh tế mềm cho Hà Nội.


Với hành lang pháp lý mới này, Hà Nội đang từng bước hoàn thiện hạ tầng chính sách để trở thành trung tâm sáng tạo văn hóa hàng đầu của khu vực, nơi kết nối giữa di sản và hiện đại, giữa truyền thống và đổi mới sáng tạo.

Việc cho phép thí điểm có kiểm soát những mô hình kinh doanh, sản phẩm, công nghệ mới ngay trong lòng các trung tâm công nghiệp văn hóa là điểm nhấn khác biệt trong Nghị quyết. Những trung tâm này còn là nơi “kiểm nghiệm tương lai”, thử các mô hình kinh tế văn hóa sáng tạo trong môi trường linh hoạt, từ đó rút kinh nghiệm để mở rộng trên toàn hệ thống.

Nếu được đầu tư đúng hướng, ngành công nghiệp văn hóa có thể trở thành động lực kinh tế mềm cho Hà Nội, vừa tạo việc làm, vừa nâng cao vị thế văn hóa quốc gia. Sự vào cuộc chủ động của chính quyền Thành phố thông qua các chính sách cụ thể sẽ giúp khơi thông tiềm năng, lan tỏa giá trị và giữ gìn bản sắc văn hóa Thủ đô trong kỷ nguyên mới.

Ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm
Theo dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có 6 ngành công nghiệp văn hóa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư