Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Trung Trung Bộ sẽ hình thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm cỡ quốc tế
Nhiệt Băng - 02/08/2022 08:36
 
Cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Trung Trung Bộ sẽ phát triển, gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.
Cảng Liên chiểu
Cảng Liên Chiểu hứa hẹn sẽ trở thành "tọa độ" phát triển kinh tế động lực của Đà Nẵng trong thời gian đến, cũng như kết nối các cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng) trở thành "con đường" vận tải biển quốc tế. Ảnh: Nhiệt Băng

Cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Trung Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) với khu vực trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế sẽ phát triển, gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.

Đó là một trong những nội dung quan trọng của Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Cụm kiên kết ngành kinh tế biển ở Trung Trung Bộ sẽ hình thành cảng biển container trung chuyển trong nước, quốc tế và cảng biển du lịch; vận tải biển quốc tế, trong nước và các dịch vụ gắn với cảng biển với trung tâm là khu cảng biển Liên Chiểu - Tiên Sa - Chân Mây; hình thành các khu đô thị cảng biển quốc tế, khu khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực kỹ thuật ngành kinh tế biển, khu thương mại, khu trung tâm giao dịch tài chính quốc tế ở vùng Thành phố Đà Nẵng - Thành phố Huế - Khu kinh tế Chân Mây phát triển là trung tâm dịch vụ cảng biển, khoa học công nghệ, đào tạo, thương mại, tài chính tài quốc tế cao.

Đáng chú ý, khu vực này sẽ hình thành công nghiệp đóng, sửa tàu biển chuyên dụng, công nghiệp cơ khí chính xác, chế tạo máy, thiết bị tự động hóa với trung tâm ở Thành phố Đà Nẵng; công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp hóa dược, hóa phẩm, sản xuất thuốc tập trung ở Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế; công nghiệp thép, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp hóa dầu, hóa chất ở Nam Quảng Nam - Bắc Quảng Ngãi; công nghiệp chế biến thủy sản, khoáng sản ven biển, sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu tập trung tại các khu kinh tế ven biển trong khu vực; công nghiệp khí tập trung ở Quảng Trị - Thừa Thiên Huế; công nghiệp năng lượng tái tạo ở ven biển Quảng Trị, Quảng Ngãi.

Đồng thời, Cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Trung Trung Bộ sẽ phát triển du lịch ven biển và du lịch đảo kết hợp du lịch di sản, di tích văn hóa lịch sử; liên kết, phát triển vùng du lịch ven biển Nam Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở Châu Á Thái Bình dương. Phát triển các trung tâm du lịch đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam); hình thành các khu du lịch quốc tế cao ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) phát triển là trung tâm du lịch có tầm quốc tế…

Xây dựng tỉnh Trà Vinh thành một trọng điểm kinh tế biển
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần phấn đấu xây dựng tỉnh Trà Vinh thực sự là một trọng điểm kinh tế biển, bao gồm cảng biển, khu kinh tế biển, du...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư