Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Trước mắt chưa điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2020
Nguyễn Lê - 12/06/2020 21:23
 
Chính phủ đề nghị Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 không căn cứ vào các chỉ tiêu.
.
Hai ngày thảo luận toàn thể của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, sẽ bắt đầu từ sáng 13/6 (Ảnh QK)

Trước thềm hai ngày thảo luận toàn thể của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, bắt đầu từ sáng 13/6, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội tờ trình về một số  nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khắc phục tác động  của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Phấn đấu đạt mức cao nhất

Tại đây, Chính phủ trình Quốc hội trước mắt chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2020 theo Nghị quyết số 85/2019/QH14 ngày 11/11/2019 của Quốc hội. Đồng thời, cho phép không căn cứ vào các chỉ tiêu này mà dựa trên tình hình thực tiễn trước những tác động, ảnh hưởng lớn của đại dịch và nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để đánh giá kết quả thực hiện năm 2020.

Chính phủ sẽ chủ động chỉ đạo, điều hành các chính sách tiền tệ, tài khoá, thương mại, đầu tư và các chính sách khác để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống, nhất là đối với người lao động, đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020.

Chủ động điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách 

Với dự toán NSNN năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội cho phép chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, trong đó có thu NSNN, bội chi NSNN và nợ công cho phù hợp tình hình thực tiễn, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP.

Cụ thể, trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 4,5% , thu NSNN dự kiến giảm khoảng 163 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương (NSTW) giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương (NSĐP) giảm khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi, quản lý chặt chẽ sử dụng dự phòng NSNN, các địa phương sắp xếp, cắt giảm các nhiệm vụ chi, sử dụng các nguồn lực hợp pháp để bảo đảm cân đối NSĐP , bội chi NSNN không quá 309,8 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 4,73% GDP, tăng 75 nghìn tỷ đồng so với dự toán đầu năm; nợ công khoảng 55,5% GDP.

Trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 3,6% , thu NSNN dự kiến giảm khoảng 190 nghìn tỷ đồng, trong đó NSTW giảm khoảng 115 nghìn tỷ đồng, NSĐP giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Theo nguyên tắc như trên, bội chi NSNN không quá 324,8 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 5,02% GDP, tăng 90 nghìn tỷ đồng so với dự toán; nợ công khoảng 56,4% GDP.

Chính phủ cũng trình Quốc hội xem xét, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn NSTW năm 2020 đã được Quốc hội quyết định là 220 nghìn tỷ đồng. Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2021.

Trước mắt chưa điều chỉnh lương

Nghị quyết số 86/2019/QH14 về dự toán NSNN năm 2020 quy định: "thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/ tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01/7/2020".

Nhằm chia sẻ những khó khăn chung của người dân và doanh nghiệp, thực hiện Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội trước mắt chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020; đồng thời thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công cùng với thời điểm điều chỉnh tăng lương cơ sở mới.

Giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

Hiện tại mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế).

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ trực tiếp đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn Nghị quyết quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng đến hết ngày 31/12/2020 là 2.100 đồng/lít (giảm 30%). Kể từ ngày 01/01/2021, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

Theo Chính phủ, quy định mức thuế bảo vệ môi trường nêu trên ước tính làm giảm thu NSNN khoảng 87,3 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, trong khi việc hạn chế nhập cảnh được dự báo vẫn phải kéo dài thời gian thực hiện.

Tờ trình của Chính phủ còn có nội dung đáng chú ý về ưu đãi thuế để thu hút đầu tư, Báo Đầu tư sẽ đề cập kỹ hơn trong bài viết sau. 

Điều chỉnh chỉ tiêu GDP để chủ động trong điều hành
Chính phủ dự kiến điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế, trong đó có giảm mức tăng GDP để chủ động trong điều hành. Uỷ ban Thường vụ Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư