Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
TS. Cấn Văn Lực: Vẫn phải tính tới nhập khẩu vàng
Thùy Liên - 16/04/2024 18:44
 
Đánh giá cao động thái đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường của Ngân hàng Nhà nước, song TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, vẫn cần phải nhập khẩu vàng.
TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực.

Ngày mai (17/4), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu vàng trở lại sau 11 năm tạm dừng nghiệp vụ này. Trao đổi với báo chí, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, đấu thầu vàng không phải là chuyện mới. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng, cung ứng gần 70 tấn vàng ra thị trường.

"Tôi cho rằng, lần này, Ngân hàng Nhà nước cũng đang cho vận hành nghiệp vụ này trở lại nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế Việt Nam để qua đó giảm chênh lệch giữa trong nước và quốc tế cũng như chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng của các thương hiệu khác”, ông Lực nói.

Dù vậy, ông Lực cho rằng, cơ quan quản lý vẫn phải cho phép nhập khẩu một lượng vàng nhất định vì nguồn vàng sản xuất trong nước không nhiều. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu là bao nhiêu thì các cơ quan quản lý và các bộ ngành có liên quan sẽ phải tính toán để phù hợp với thời điểm hiện tại. Phải làm sao vừa kiểm soát cung cầu, vừa đảm bảo dự trữ ngoại hối  của Việt Nam, qua đó góp vào ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô.

Theo dự đoán của chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước đã có các phương án can thiệp thị trường vàng, vấn đề còn lại chỉ là triển khai thực hiện. Với các giải pháp can thiệp thời gian tới, thị trường vàng sẽ dần ồn định.

Đấu thầu vàng hiện nay có nhiều điểm khác với bối cảnh năm 2013. Cụ thể, thời điểm đó, tình hình vàng hóa nền kinh tế diễn ra khá cao do Ngân hàng Nhà nước cho phép vay mượn bằng vàng, tức là các ngân hàng có thể huy động, thanh toán và cho vay bằng vàng.  

Sau đó, Nghị định 24/2021/NĐ-CP ra đời và đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh chống vàng hoá. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một vấn đề chưa giải quyết được là quan hệ cung cầu chưa cân bằng. Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần phải sớm lấy lại cân bằng giữa quan hệ cung cầu về vàng và thu hẹp chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới.

Riêng về tỷ giá, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sắp tới, nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh thì Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng can thiệp bằng cách dùng nhiều nguồn lực khác nhau trong đó có việc sử dụng dự trữ ngoại hối.

Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này, như việc phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước để tăng lãi suất liên ngân hàng, qua đó giảm lãi suất USD, VND, qua đó giảm áp lực tỷ giá tương đối đáng kể. 

Liên quan tới đấu thầu vàng, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư, song giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất, đúng thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp.   

“Phải lưu ý rằng, trên thế giới còn mỗi Việt Nam là ngân hàng trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. Hiện nay, vàng miếng SJC không chênh lệch các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, song giá cả lại chênh lệch rất lớn là vô lý. Cần trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp để họ kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác”, ông Nghĩa kiến nghị.

Liên quan đến lo ngại cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến tỷ giá bị ảnh hưởng, chuyên gia này cho rằng, những năm qua, cung vàng trong nước được đáp ứng bởi vàng nhập lậu (do không được nhập khẩu chính thức). Vàng nhập lậu đương nhiên cũng phải sử dụng đến nguồn ngoại tệ trong nước, trong khi nhà nước thất thu thuế.

Mặt khác, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Vì vậy, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng.

Lý giải về nguyên nhân giá vàng thế giới tăng phi mã thời gian qua, ông Nghĩa cho rằng, lý do chính là các ngân hàng trung ương dồn dập mua vào để tăng dự trữ. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước lẽ ra nên tăng mua vàng dự trữ hơn là đưa vàng ra bán đấu thầu.

Ngân hàng Nhà nước sắp đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm, nhìn lại 76 phiên đấu thầu vàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hoàn tất công tác chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trở lại để tăng nguồn cung cho thị trường. Đây là lần đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư