Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 28 tháng 06 năm 2024,
TS. Nguyễn Đình Cung: “Đừng để người đọc phải tìm kiếm sự thật dưới các con chữ”
Khánh An - 21/06/2024 22:11
 
Nếu báo chí chỉ phản ánh thực tiễn, thì sẽ không đủ, mà cần đặt ra những đòi hỏi thay đổi, để phát triển. Đó là sức mạnh và cũng là trách nhiệm của báo chí.
TS. Nguyễn Đình Cung

Những câu hỏi về sự thật

Cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vai trò, vị trí của báo chí trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

vào dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam không bắt đầu bằng câu hỏi của phóng viên như thường lệ. Thông tin các doanh nhân bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế liên tục được đăng tải trên các báo khiến ông cảm thấy không an lòng.

Doanh nghiệp đang rất khó khăn, đang cần được hỗ trợ, động viên, nhưng những thông tin như vậy sẽ khiến họ nản chí. Các phóng viên có hiểu được điều đó không? Nếu không cảm nhận được, đừng đặt câu hỏi tại sao nhiều người không còn đọc báo nữa, nhiều người đi tìm kiếm thông tin trên các mạng xã hội…”, TS. Nguyễn Đình Cung thẳng thắn.

Thưa ông, đó đều là thông tin được các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra, căn cứ theo các quy định của pháp luật…

Đúng là những thông tin này không sai, nhưng nếu chỉ đưa tin thuần túy, không có các ý kiến đánh giá, phản biện, thì thông điệp mà báo chí muốn gửi tới độc giả là gì? Có phải doanh nghiệp là đối tượng cần cảnh giác, cần giám sát, quản lý…? Tôi cũng có cảm giác tương tự khi đọc những dòng thông tin đơn thuần về doanh nghiệp này nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội…

Vậy thì những thông tin về tình trạng doanh nghiệp đóng cửa nhiều hơn thành lập mới, các doanh nghiệp chật vật trong tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, hay những khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ… mà báo chí đưa rất nhiều trong thời gian qua có thực là sự thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ, hay chỉ là phản ánh thông tin nhận được.

Còn nếu xác định rõ, doanh nghiệp là những người đang tạo ra công ăn việc làm, của cải vật chất, cần được đồng hành, hỗ trợ khi gặp khó khăn..., thì sẽ thấy, chế tài tạm hoãn xuất cảnh nếu áp dụng thiếu thận trọng, không xem xét từng trường hợp cụ thể, thì càng làm khó cho doanh nghiệp hơn, thậm chí sẽ chặn con đường phục hồi của doanh nghiệp đang làm ăn với các đối tác nước ngoài.

Tôi tin là người đọc, người nghe sẽ chờ đợi sự thật trên báo chí, những thông tin chính thống, chính xác, nhưng phải là sự thật sống động, chân thực, những câu chuyện, nhân vật có thực, những vấn đề đặt ra được kiến giải và phân tích với mục tiêu tìm kiếm cách thức, giải pháp phù hợp với bối cảnh, tình hình…

Đó là điểm khác biệt với thông tin trên mạng xã hội…

Theo ông, thế nào là “sự thật sống động”?

Thử đặt câu hỏi, tại sao nhiều người đọc, truyền tai thông tin trên mạng xã hội? Đó có phải là thông tin đáng tin cậy không? Có thể không, có thể có! Người đọc tùy theo nhu cầu, trình độ… vẫn có thể tìm kiếm được thông tin họ cần trong lớp lang câu chữ.

Nhưng đây không phải là cách đọc báo, tìm kiếm thông tin trên báo chí. Báo chí đừng để người đọc phải tìm kiếm sự thật dưới các con chữ, mà hãy cùng với độc giả đặt câu hỏi cho các vấn đề, sự kiện. Báo chí không chỉ là thông tin, mà là xây dựng, kiến tạo, là cùng phát triển.

Trở lại thông tin về các doanh nhân bị tạm hoãn xuất cảnh, tôi chờ đợi các câu hỏi đi cùng thông tin này. Ví dụ, cách ứng xử này có công bằng không, khi doanh nghiệp có thể đâu chỉ nợ thuế, mà có thể còn nợ ngân hàng, nợ các đối tác khác... Và, có cách ứng xử nào để vừa thúc doanh nghiệp hoàn tất nghĩa vụ thuế, nhưng không làm tổn hại đến uy tín, hoạt động của doanh nghiệp và cá nhân doanh nhân không? Các cơ quan quản lý có hình dung được tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đến uy tín của doanh nghiệp trên thương trường không? Có thể áp dụng cơ chế ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp), trong đó có ủy quyền về hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế, khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp xuất cảnh không?...

Báo chí có trách nhiệm thúc đẩy các hành động đồng hành thực chất, thông qua bức tranh hiện thực về nền kinh tế, về doanh nghiệp, với những câu chuyện thực, con người thực, doanh nghiệp thực…

Tất nhiên, không phải phóng viên nào cũng có thể đặt ra những câu hỏi mang tính chuyên môn sâu, nhưng đây là yêu cầu, đòi hỏi với người cầm bút - phải trở trành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, chứ không thuần túy là người đưa tin. Sự thật trên báo chí cần phải được đặt trong không gian đa chiều của thông tin, của sự kiện, của bối cảnh và trong trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển chung.

Tôi rất hay đọc được câu “doanh nghiệp đang nhận được sự đồng cảm, hỗ trợ từ hệ thống chính trị, từ các cơ quan quản lý nhà nước đến cộng đồng xã hội”. Nhưng sự đồng cảm này không chỉ là các cam kết, lời phát biểu, mà phải là hành động, cách ứng xử trong xây dựng và thực thi chính sách.

Báo chí có trách nhiệm thúc đẩy các hành động đồng hành thực chất, thông qua bức tranh hiện thực về nền kinh tế, về doanh nghiệp, với những câu chuyện thực, con người thực, doanh nghiệp thực…

Nỗ lực cải cách chưa bao giờ là con đường bằng phẳng

Trong câu chuyện với TS. Nguyễn Đình Cung, sức sống, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam luôn được đặt lên hàng ưu tiên trong các đề xuất chính sách và trong cả đề nghị với thông tin trên báo chí. Đề nghị này, theo ông, càng trở nên cấp thiết khi môi trường kinh doanh đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, niềm tin kinh doanh đang bấp bênh.

“Doanh nghiệp đang có xu hướng duy trì hơn là mở rộng. Thậm chí, họ né các dự án sử dụng vốn nhà nước, những dự án đòi hỏi quy trình, thủ tục phê duyệt của các cấp chính quyền… không chỉ vì tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận công chức, khiến nhiều việc bị đình trệ, mà còn vì lo ngại rủi ro có thể xuất hiện trong 5 - 10 năm nữa. Nỗi sợ kéo dài cả với công chức, doanh nghiệp đang tác động tiêu cực tới các động lực tăng trưởng. Đây là vấn đề mà báo chí không thể, không nên, không được né tránh…”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Báo chí không đứng ngoài, thậm chí đã lên tiếng cảnh báo sớm về tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận công chức. Những rào cản trong môi trường kinh doanh, những khó khăn của doanh nghiệp do thực thi cơ chế, chính sách… cũng luôn là đề tài nóng trên báo chí. Nhưng dường như điều này vẫn chưa đủ, ông có nghĩ như vậy không?

Cải cách, đổi mới chưa bao giờ là con đường bằng phẳng, cũng chưa bao giờ là con đường ngắn, nhất là khi các đòi hỏi của thực tiễn dường như đã tới trần, cần sự bứt phá để mở ra giai đoạn phát triển mới.

Bởi vậy, báo chí phản ánh thực tiễn sẽ không đủ, mà cần đặt ra những đòi hỏi thay đổi, để phát triển. Việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế sẽ không chỉ là tháo gỡ, chỉnh sửa, mà phải là đặt nền móng cho nền kinh tế phát triển dựa trên đổi mới, sáng tạo, phát triển xanh, chuyển đổi số. Cũng có nghĩa, những thay đổi thể chế, chính sách về môi trường kinh doanh phải mang tính đột phá, để hỗ trợ doanh nghiệp lớn lên về quy mô, về năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Doanh nghiệp mà chọn ngắn hạn, chọn né tránh, thì không thể có nền kinh tế phát triển bền vững.

Hơn 20 năm trước, khi tham gia xây dựng Luật Doanh nghiệp, cùng khởi xướng và phát triển “cuộc chiến” không ngừng nghỉ với giấy phép con, với hệ thống điều kiện kinh doanh “nhiều không”, như không hợp pháp, không hợp lý, không minh bạch, không tiên đoán được…, ông cũng đã chia sẻ mong muốn báo chí đồng hành trong công cuộc mở rộng quyền kinh doanh của doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường…

Hiện tại, có những đòi hỏi về cơ chế đặc thù, khá tương đồng với “tư duy vượt rào” những năm đầu của công cuộc Đổi mới cách đây gần 40 năm. Rõ ràng, thể chế hiện nay không đủ để giải quyết được những vấn đề phát triển đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, biến động lớn. Ngay cả cơ chế đặc thù cũng mới chỉ chạm được đến các vướng mắc, chưa giúp giải quyết triệt để.

 Ví dụ, TP.HCM và Hà Nội cách các tỉnh trong vùng phát triển không xa, nhưng giao thông kết nối đang là điểm nghẽn. Để mở không gian phát triển cho vùng, cần đầu tư hệ thống giao thông đô thị hiện đại, gồm cả chạy ngầm, trên cao và tốc độ cao… Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, vốn không phải là vấn đề đáng lo ngại, họ cần cơ chế phù hợp. Ngay cả đề xuất mô hình quỹ đầu tư vùng cũng phải cân nhắc cơ chế hoạt động, phải vận hành theo cơ chế thị trường và phải quản trị theo thông lệ quốc tế…

Vấn đề là thoát khỏi tư duy quản lý nhà nước theo kiểu xin - cho, Nhà nước quản lý theo cơ chế thị trường, theo mục tiêu, thay vì quy trình, thì doanh nghiệp, chủ đầu tư sẽ có cách huy động vốn, huy động nguồn lực công nghệ, con người để thực hiện…

Trong quá trình này, ông chờ đợi điều gì ở báo chí?

Những diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chặng đường 40 năm đổi mới đất nước, diễn đàn về những sandbox (thử nghiệm) thể chế, các cơ chế đặc thù thực sự, theo nghĩa vượt lên, chứ không chỉ thí điểm trong không gian chính sách, tư duy quản lý hiện hành.

Tôi tin, các diễn đàn này sẽ thu hút sự quan tâm, tham gia không chỉ của các thế hệ chuyên gia kinh tế, mà cả các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp.

Khi tôi đọc được thông tin, Tập đoàn Hòa Phát nói có thể sản xuất thép để làm đường ray cao tốc, FPT có thể đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn…, thì cũng có nghĩa là, họ đang chờ đợi những không gian an toàn, thuận lợi cho các thử nghiệm đổi mới, sáng tạo. Nhu cầu kết nối doanh nghiệp - Nhà nước - viện nghiên cứu đang nổi lên, nhưng cơ chế, chính sách khác biệt giữa các chủ thế đang là rào cản… Thậm chí, trong bối cảnh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, thì việc đề xuất một sandbox thử nghiệm ngoài thể chế sẽ không dễ dàng…

Những đòi hỏi thay đổi đang diễn ra ở cả diện rộng, ở cả chiều sâu, ở tư duy và cách thức xây dựng chính sách, cách thức thực thi và cả ý thức kỷ luật. Sẽ có những va chạm về tư duy, nhưng đây là những vấn đề báo chí cần chủ động khởi xướng, tham gia để tìm kiếm con đường phát triển mới. Tôi tin là, dù việc khó thế nào, chỉ cần đưa ra để thảo luận, trao đổi rộng khắp, giải pháp sẽ xuất hiện.

Đó chính là sức mạnh của báo chí và cũng là trách nhiệm của báo chí.

TS. Nguyễn Đình Cung: “Chúng ta mở cửa chậm hơn thế giới là gay go”
Trạng thái chờ đợi, tâm lý có chỉ đạo mới làm đang cản trở tốc độ tăng trưởng của Việt Nam lúc này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư