Thứ Năm, Ngày 17 tháng 07 năm 2025,
Từ Didi đến DeepSeek, nhà đầu tư nước ngoài đang trở lại thị trường Trung Quốc
Đông Phong - 17/07/2025 12:38
 
Các nhà đầu tư nước ngoài đang quay trở lại thị trường Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI), nhất là những startup đang trong giai đoạn đầu.

Nhà đầu tư xuống tiền nhanh, nhạy bén với biến động vĩ mô

Có một làn sóng phấn khích trong giới đầu tư mạo hiểm Trung Quốc vào những ngày này khi các nhà đầu tư nước ngoài đang bắt đầu quay trở lại với đồng đô la Mỹ.

Trụ sở của công ty khởi nghiệp AI DeepSeek ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Trụ sở của công ty khởi nghiệp AI DeepSeek ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Thành công trên đến từ cú hích đột phá trong lĩnh vực AI của DeepSeek, cùng với thị trường IPO Hồng Kông sôi động trở lại và đang trên đà vượt Phố Wall để trở thành thị trường huy động vốn lớn nhất thế giới trong năm nay. Bên cạnh đó, những tín hiệu hỗ trợ doanh nghiệp của Bắc Kinh trong những tháng gần đây cũng đã góp phần tạo sức hút đầu tư vào thị trường Trung Quốc.

Mức tăng điểm hơn 20% của chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) từ đầu năm đến nay phản ánh sự lạc quan trong ngắn hạn. Một dấu hiệu khác đến từ thông tin các công ty đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đang quay lại huy động vốn bằng đồng đô la Mỹ, sau một thời gian dài vắng bóng khi họ phải tìm đến các nhà đầu tư trong nước với các quỹ huy động vốn bằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc.

BAI Capital có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết họ đã bắt đầu huy động vốn bằng đô la Mỹ cho một quỹ mới trị giá 800 triệu USD vào tháng 2/2025 và dự kiến kết thúc vòng gọi vốn đầu tiên vào tháng 9 tới. Công ty này được hậu thuẫn bởi tập đoàn truyền thông toàn cầu Bertelsmann Group của Đức.

BAI Capital tiết lộ rằng họ nhận thấy "sự quan tâm lớn" của nhà đầu tư đối với quỹ 800 triệu USD và nguồn vốn huy động được sau đó sẽ sử dụng để đầu tư vào các công ty có trụ sở tại Trung Quốc. Cho đến nay, BAI Capital đã đầu tư vào 10 công ty có kế hoạch niêm yết trong vòng một đến hai năm tới.

Tương tự, Future Capital Discovery Fund, một nhà đầu tư ban đầu của công ty khởi nghiệp ô tô điện đang trên đà phát triển Li Auto, cho biết họ đã huy động được kỷ lục 210 triệu USD cho một quỹ đầu tư hàng đầu bằng đô la Mỹ trong nửa cuối năm ngoái.

"Một khi có cơ hội huy động vốn, chúng ta phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội", ông Mingming Huang, đối tác sáng lập tại Future Capital Discovery Fund, cho biết. "Điều này rất khác so với thông lệ lâu nay là huy động đô la Mỹ từ thị trường vài năm một lần", ông Huang lưu ý.

"Giờ đây, chúng ta cần phải rất nhạy bén với các xu hướng vĩ mô, đặc biệt là hướng đi của mối quan hệ giữa các nền kinh tế lớn", đại diện Future Capital Discovery Fund nói thêm.

Future Capital Discovery Fund, với các nhà đầu tư bao gồm các quỹ đầu tư quốc gia và các quỹ tài trợ từ Trung Đông, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Đông Nam Á, đang có kế hoạch triển khai vốn cho các nền tảng AI và phần cứng.

Trong thế giới đầu tư mạo hiểm, một công ty có thể huy động vốn từ một loạt các thành viên góp vốn (LP), bao gồm các quỹ đầu tư quốc gia, quỹ hưu trí, quỹ tài trợ của trường đại học và các văn phòng gia đình. Được trả tiền để quản lý quỹ, nhà đầu tư mạo hiểm sau đó sẽ chọn các công ty khởi nghiệp để hỗ trợ, thu lợi từ các đợt IPO của các công ty khởi nghiệp và khoản lợi sau đó được chia sẻ với các thành viên góp vốn.

Tuy nhiên, vài năm qua là một khoảng thời gian khó khăn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc và các thành viên góp vốn của họ.

Họ trở nên dè dặt sau khi kết quả IPO của nền tảng gọi xe Trung Quốc Didi tại New York (Mỹ) vào tháng 6/2021, bất chấp nhiều cảnh báo từ chính quyền Trung Quốc về vi phạm quyền riêng tư dữ liệu, đã không được chấp thuận bởi các cơ quan quản lý của hai bên.

Sau đó, Trung Quốc đã nâng tiêu chuẩn cho các công ty muốn niêm yết ở nước ngoài, trong khi Washington tăng cường giám sát vốn của Mỹ hướng đến thị trường Trung Quốc. Những động thái chính sách đó đã làm suy giảm hoạt động huy động vốn tại thị trường Trung Quốc đại lục, đặc biệt là đối với các khoản đầu tư xuyên biên giới.

Đáng chú ý, Sequoia Capital China đã tách khỏi công ty mẹ tại Mỹ vào năm 2023 và đổi tên thành HSG. Tương tự, các quỹ đầu tư mạo hiểm khác đã tách ra hoặc tái cấu trúc các chi nhánh tại Trung Quốc bao gồm GGV Capital, sau này đổi tên thành Granite Asia, và Matrix có trụ sở tại California, đã đổi tên hoạt động tại Trung Quốc thành MPCi vào năm ngoái.

Khẩu vị đầu tư đã thay đổi

Hiện tình hình thị trường IPO không giống như những năm trước - thời điểm Didi tiến hành niêm yết tại Mỹ.

Nhà đầu tư mạo hiểm Hope Xu cho biết thay vì cấp vốn cho một công ty đầu tư mạo hiểm, nhiều thành viên góp vốn có trụ sở tại châu Âu, Trung Đông và châu Á thích mua trực tiếp cổ phần sở hữu trong các công ty tư nhân như "gã khổng lồ" internet Trung Quốc ByteDance và Xiaohongshu.

Bà Xu đã rời Source Code Capital vào năm ngoái để thành lập công ty riêng của mình, có tên là Density 590. Công ty này tập trung vào các giao dịch mua bán trực tiếp, được gọi là giao dịch thứ cấp, bao gồm bán tài sản đơn lẻ và cổ phần trong các quỹ.

Mặc dù ByteDance, công ty mẹ TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh, không được niêm yết công khai, nhưng nhu cầu về cổ phiếu này cao đến mức về cơ bản chúng rất dễ thanh khoản hoặc bán trên một sàn giao dịch niêm yết công khai, theo bà Xu. Trong khi các bên bán thường đến từ Mỹ và châu Á, thì bên mua thường đến từ EU, Trung Đông hoặc châu Á.

Cổ phiếu ByteDance là một cơ hội sinh lời lớn. Bà Xu lưu ý rằng định giá của ByteDance đã tăng vọt từ 245 tỷ USD vào đầu năm nay lên 340 tỷ USD do các nhà đầu tư đã bắt đầu chấp nhận sự bất ổn từ nguy cơ ByteDance thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ.

ByteDance đã trở thành một thế lực thầm lặng trong lĩnh vực internet của Trung Quốc. Ngoài sở hữu một ứng dụng phổ biến tương tự TikTok tại Trung Quốc có tên là Douyin - nền tảng đã vượt qua JD.com vào năm ngoái để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai tính theo tổng doanh số, ByteDance cũng đã phát triển một chatbot AI phổ biến có tên là Doubao, cùng với một nền tảng AI có tên là Coze.

Bà Xu cho rằng đối với các khoản đầu tư công nghệ như AI và robot, nguồn lực và vốn cần thiết là rất lớn; cho nên đây là rào cản lớn đối với các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn.

Nhà sáng lập Density 590 cũng cho biết, việc mua cổ phần của một công ty lớn, chẳng hạn như ByteDance, với các dòng sản phẩm đa dạng, về cơ bản giống như mua một quỹ giao dịch hoán đổi danh mục (ETF) AI.

Ngoài ra, Tencent, một tập đoàn công nghệ hàng đầu khác của Trung Quốc, không chỉ phát triển các mô hình và ứng dụng AI của riêng mình mà còn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI. Theo báo cáo thường niên của Tencent, lợi nhuận từ các đối tác kinh doanh và liên doanh đã tăng gần gấp 5 lần trong năm ngoái, từ 5,8 tỷ nhân dân tệ lên 25,2 tỷ nhân dân tệ trong vòng 12 tháng.

Giới đầu tư mạo hiểm Trung Quốc hiện không chỉ tập trung vào riêng thị trường nội địa.

Dựa theo tình hình kinh tế vĩ mô và xu hướng công nghệ hiện nay, BAI Capital cho biết các khoản đầu tư của họ sẽ được chia đều cho các công ty khởi nghiệp trong và ngoài nước. Một nửa số tiền của họ sẽ dành cho các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ra toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ tài chính, giải trí, AI và chuỗi cung ứng, trong khi nửa còn lại sẽ tập trung vào các cơ hội tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và công nghệ tại Trung Quốc.

Kể từ năm 2019, BAI Capital cho biết họ đã đầu tư vào Stori, một ngân hàng kỹ thuật số tại Mexico với 3,6 triệu người dùng thẻ tín dụng và 2,4 triệu người gửi tiền. "Chúng tôi tin rằng thành công của Stori không phải là trường hợp cá biệt", phía BAI Capital khẳng định.

Câu hỏi đặt ra là các quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc cùng các thành viên góp vốn của họ có thể duy trì được xu hướng trên trong bao lâu.

Tuần trước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông tự hào công bố ngày giao dịch bận rộn nhất từ trước đến nay với 6 lượt đánh cồng cho các thương vụ IPO và ra mắt quỹ ETF.

Mới đây nhất, ông James Peng, giám đốc điều hành công ty xe tự lái Trung Quốc Pony AI, đã tiết lộ rằng nhà sáng lập Uber, ông Travis Kalanick, quan tâm đến việc mua lại mảng kinh doanh của công ty này tại Mỹ.

Hạ viện Mỹ truy vấn các khoản đầu tư vào Trung Quốc
Các khoản đầu tư của Mỹ vào khoảng 50 công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen đã vào tầm ngắm của Hạ viện Mỹ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư