Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tư duy cố hữu níu chân doanh nghiệp Việt
Khánh An - 13/10/2013 19:52
 
Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Kangaroo, một trong 100 doanh nhân tiêu biểu năm 2013 vừa được vinh danh cho rằng, tư duy cố hữu đang làm khó nhiều doanh nhân trong lựa chọn con đường phát triển.

Ông Nguyễn Thành Phương,
Tổng giám đốc Tập đoàn Kangaroo

Có thể nói rằng, là doanh nhân tiêu biểu năm nay khó khăn hơn những năm trước không, thưa ông?

Tiêu chí lựa chọn doanh nhân tiêu biểu là tiêu chí chung, được Hội đồng bình xét. Tuy nhiên mỗi thời điểm, phụ thuộc vào đặc điểm tình hình nền kinh tế, có những doanh nghiệp đi lên, có những doanh nghiệp thụt lùi.

Với nền kinh tế như hiện nay, việc giữ vững được vị thế của doanh nghiệp trên thị trường đã là một thách thức, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của không chỉ cá nhân người lãnh đạo mà cả tập thể doanh nghiệp.

Riêng với tôi, giải thưởng này là sự ghi nhận của đối với những đóng góp của cả doanh nghiệp với xã hội.

Có áp lực gì khi trở thành doanh nhân tiêu biểu không, thưa ông?

Tôi không cho đó là áp lực, mà là sự thôi thúc ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc góp phần phát triển nền kinh tế.

Trong giai đoạn hiện tại, theo ông yếu tố nào quyết định sự vững vàng của các doanh nhân?

Sự nhạy bén và dám mạo hiểm. Trong bối cảnh kinh tế thay đổi hàng ngày như hiện nay thì những tư duy cố hữu sẽ rất khó trụ vững và phát triển và cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại.

Đây là thế mạnh hay điểm yếu của doanh nhân Việt Nam, thưa ông?

Rất tiếc, đa phần là điểm yếu.Thứ nhất, về việc thiếu tính sáng tạo và khả năng dám mạo hiểm. Khá nhiều doanh nghiệp đang lún sâu vào “cạnh tranh”, ít tìm một định hướng khác.

Thực tế, cạnh tranh chỉ làm chậm quá trình phát triển chứ không mang lại các kỳ tích như chúng ta mong đợi. Không sáng tạo, không mạo hiểm thì khó lòng thoát ra khỏi “ao làng” mà vươn ra biển lớn được. Hơn thế, tâm lý nặng về so sánh và e dè khiến doanh nghiệp Việt mất đi sự mạo hiểm.

Thứ hai, hạn chế trong khả năng ứng biến khá rõ. Về lý thuyết, doanh nghiệp muốn phát triển cần phải có những định hướng chiến lược dài hơi, 5 năm, 10 năm.

Nhưng trên thực tế, sau một đêm nền kinh tế đã có những bước chuyển mà bạn không thể ngờ tới, buộc doanh nghiệp phải có điều chỉnh trong ngắn hạn để thích nghi với tình hình thực tế mà vẫn đạt được mục tiêu trong dài hạn. Mà với các doanh nghiệp Việt, khả năng này còn khá hạn chế.

Trong số đó, điểm yếu nhất là…?

Có thể nói điểm yếu và thiếu nhất hiện nay của doanh nghiệp Việt là vấn đề thương hiệu. Ý thức về việc đầu tư xây dựng thương hiệu trong doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã định hình khá rõ, nhưng tôi cảm giác vẫn loay hoay và thiếu định hướng, cách thức triển khai. Đa số đều học tập, đôi khi là rập khuôn, cách xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp đã thành công vào doanh nghiệp của mình.

Theo tôi, đây là cách “tự sát” nhanh nhất bởi khi doanh nhân không tạo ra được bản sắc cho doanh nghiệp của mình, không ai nhớ đến bạn cả.

Đang có lo ngại về thế hệ doanh nhân trẻ chưa đủ tầm và lực để tiếp nhận và phát triển sự nghiệp kinh doanh của thế hệ trước?

Thế giới có những người thành công từ khi còn rất trẻ, còn trẻ hơn chúng ta ngồi đây và khởi nghiệp chỉ với số vốn rất ít ỏi.

Trong thế giới phẳng như hiện nay, không còn khái niệm khoảng cách già hay trẻ, kinh nghiệm hay lực mà thành công đến bởi tư duy mới, dám nghĩ dám làm. Kinh doanh ngày nay không phải là cạnh tranh như “hai con dê qua cầu” mà là tìm ra những yếu tố mới, con đường đi riêng để vượt lên trước.

Nữ doanh nhân và quyền lực mềm
Môi trường kinh doanh từng bị thống lĩnh bởi phái mạnh trong một thời gian dài, đã dần trở nên đa sắc hơn nhờ những tài năng kinh doanh đậm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư