Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Từ Kharkov đến Hà Nội: Nối dài những chuyến bay nghĩa tình
Hạnh Nguyên - 15/03/2022 11:50
 
“Ngàn dặm nghĩa đồng bào” - ấy cũng là cách mà những người Việt trở về từ Ukraine trong 2 chuyến bay VN58 và VN68 nhắc đi nhắc lại.

Và cũng chính thứ tình cảm thiêng liêng ấy đã giúp hơn 4.500 kiều bào bị ảnh hưởng bởi những bất ổn chính trị tại Ukraine bình an sơ tán sang các nước lân cận.

Chị Đỗ Thị Hoài Thu (người ôm hoa) và chồng tại sân bay.

Những ngày không thể quên của người Việt Nam tại Ukraine

Đúng 9 giờ 30 phút ngày 13/3, chuyến bay mang số hiệu VN58 xuất phát từ Warsaw (Ba Lan) đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, đưa gần 300 kiều bào Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị bất ổn ở Ukraine về nước.

Đây cũng là chuyến bay đầu tiên được triển khai ngay sau lễ ký kết hợp tác đồng hành hỗ trợ vận chuyển công dân Việt Nam và thành viên gia đình rời khỏi khu vực nguy hiểm ở Ukraine giữa Tập đoàn Sun Group và Vietnam Airlines nhằm hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo hộ công dân.

Có mặt trên chuyến bay nghĩa tình này đa phần đều là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền và hoàn cảnh khó khăn.

Không giấu nổi nỗi xúc động, chị Phạm Thị Mến (41 tuổi) trở về từ thành phố Kharkov (Ukraine) đã bật khóc ngay khi vừa đặt chân đến Sân bay Nội Bài. Chị Mến cho biết chị vừa trải qua “những ngày tháng không thể quên” khi toàn bộ tài sản, cơ nghiệp trong suốt hơn 35 năm qua gần như đã đều phải bỏ lại trên đất khách.

“Không còn gì nữa cả. Tôi thực sự không muốn nhắc đến quãng thời gian khủng khiếp ấy nữa. Điều an ủi bây giờ là vẫn bình an và về với quê hương”, chị Mến nói trong nước mắt, hai tay đã run rẩy khi cầm theo chiếc balo đã cũ sờn, bạc phếch.

Người Việt Nam nhường nhà cho đồng bào tại Slovakia.

Ông Phạm Thế Lương (sinh năm 1961) cũng là một “đồng hương” của chị Mến ở thành phố Kharkov. Ngày trở về, hành lý của ông Lương cũng chỉ gói gọn một chiếc túi xách tay chứa vài bộ áo quần cùng một ít tiền Ukraine gói ghém kỹ bên trong. 

“Chúng tôi phải di chuyển liên tục trong nhiều ngày. Tới 5-6 giờ chiều là phải dừng nghỉ, trú ẩn. Hầu hết bà con chỉ kịp mang theo những vật dụng cần thiết tối thiểu lúc ra đi”, người đàn ông 61 tuổi nói.

Đã có hơn 20 năm sinh sống tại Làng Thời Đại tại thành phố Kharkov, chị Đỗ Thị Hoài Thu (46 tuổi) đã từng coi mảnh đất ấy như quê hương thứ 2 của mình. Thế nhưng, những bất ổn chính trị ảnh hưởng khiến 3 mẹ con chị quyết định phải rời bỏ mảnh đất thân thương ấy.

“Ngày 24/2, tại Kharkov bắt đầu có chiến sự. Chúng tôi cố trụ lại nhưng tình hình ngày càng căng thẳng nên tới sáng ngày 4/3, ba mẹ con tôi quyết định phải tìm cách sang Ba Lan sơ tán”, chị Thu nhớ lại.

Nếu như bình thường, hành trình từ Kharkov sang Ba Lan chỉ kéo dài mười mấy tiếng đi tàu thì trong những ngàu chiến sự, con đường ấy như kéo dài ra hơn rất nhiều lần. 3 ngày đêm, chị Thu chỉ biết nắm chặt tay hai cô con gái nhỏ, đứng trên chuyến tàu chật ních hơi người.

Những gian hàng 0 đồng tại biên giới Ukraine giúp đỡ những người Việt Nam trên đường di tản.

Chuyến bay ngàn dặm nghĩa đồng bào

Ngày 7/3, ba mẹ con chị Thu cùng đoàn người sơ tán từ nhiều thành phố khác nhau của Ukraine đã tới được Warsaw (Ba Lan) sau nhiều giờ đừng chờ làm thủ tục trong mưa tuyết và cái lạnh âm 5 độ. Lúc này, mong ước lớn nhất của chị là phải đưa các con về được Việt Nam nhanh chóng nhất.

Ở phía quê nhà, anh Trần Tú, chồng chị cũng như ngồi trên đống lửa. Vốn về nước trước từ năm 2019, khi xung đột tại Ukraine nổ ra, không đêm nào anh có thể ngủ nổi. Do chênh lệch múi giờ nên cứ rạng sáng, anh lại gọi điện sang cho vợ để cập nhật tình hình.

“Sau 2 chuyến bay đầu tiên hôm 8/3 và 11/3, ba mẹ con vẫn chưa về được nên tôi rất lo”, anh Tú chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng này, ông Đàm Văn Tuyến (Hải Dương) cho hay: Phải đến tận chiều 12/3, khi con trai ông từ Warsaw gọi điện về thông báo sẽ được lên chuyến bay ngày 13/3, gia đình ông mới có thể thở phào.

“Cách đây vài hôm, con trai tôi có điện về báo chắc chỉ có 4 mẹ con được lên máy bay. Đến hôm nay, cả nhà lại có cơ hội cùng quay lại Việt Nam trên chuyến bay do Sun Group tài trợ. Chúng tôi thực sự rất mừng và cảm động. Đây thực sự là chuyến bay nghĩa tình”, ông Tuyến tâm sự.

“Ngàn dặm nghĩa đồng bào” - ấy cũng là cách mà những người Việt trở về từ Ukraine trong 2 chuyến bay VN58 và VN68 luôn nói với chúng tôi. Và cũng chính thứ tình cảm thiêng liêng ấy đã giúp hơn 4500 kiều bào bị ảnh hưởng bởi những bất ổn chính trị tại Ukraine bình an sơ tán sang các nước lân cận.

Tình người Việt Nam tại Ukraine.

Phạm Nguyễn Đình Tùng, du học sinh tại Kharkov kể lại: Trong những ngày đầu khi thành phố này có chiến sự, làng Thời Đại nơi Tùng ở cũng rất căng thẳng. Người dân của toàn bộ 3 khu A, B, C của ngôi làng này đều lo lắng. Thế nhưng, trong gian khó, nghĩa tình đồng bào lại sáng lên. Những người đàn ông nhường cho phụ nữ, người già và trẻ em xuống trú ẩn tại hầm mỗi khi bất ổn. Nhà nào có điều kiện thì sẽ sẻ chia thức ăn, nước uống với những trường hợp thiếu thốn.

Từ Kharkov, Lê Hồng Thùy (28 tuổi) vẫn duy trì thói quen cập nhật trạng thái lên trang cá nhân để bạn bè và người thân biết được cuộc sống hiện tại của cô. Những điều bình dị nhỏ bé đã được cô kể lại thế này: "Nhiều gia đình trước đó đã mua thực phẩm dự trữ để bám trụ lại. Tuy nhiên, sau đó họ quyết định đi tị nạn. Họ thường bảo tôi qua lấy đồ đem về ăn. Tôi thường chỉ lấy cho mình một ít, phần còn lại, tôi đem phân phát cho những người khó khăn quanh đây".

Tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “máu chảy ruột mềm” vô giá của dân tộc cũng được khắc họa sâu đậm nơi tuyến đầu, với sự nhập cuộc, “mở rộng vòng tay tương thân, tương ái” của hàng nghìn hàng vạn bà con kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại các quốc gia Đông Âu lân cận. Những thùng quần áo, những kiện chăn – đệm – nhu yếu phẩm, hay từng “miếng cơm hớp nước” đợi sẵn dưới lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, để trao tay bà con trên đường sơ tán, không gì khác, là minh chứng hùng hồn nhất về “nghĩa đồng bào”.

Ở trong nước, yêu cầu bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết hàng đầu. Một tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan đến tình hình Ukraine đã được thành lập do Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh làm tổ trưởng. Những “nhịp cầu hàng không” cũng nhanh chóng được thiết lập, kịp thời vươn đến vùng giao tranh.

Đến lượt mình, các doanh nghiệp lớn cũng không đứng ngoài cuộc. Ngày 10/3, Tập đoàn Sun Group đã ký kết Thỏa thuận hợp tác đồng hành hỗ trợ vận chuyển công dân Việt Nam và thành viên gia đình từ vùng chiến sự Ukraine về nước nhằm chung tay cùng Chính phủ trong quyết tâm bảo hộ công dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.Chỉ 2 ngày sau đó, VN58 và VN68 đã hạ cánh xuống Nội Bài, đưa gần 600 người con xa xứ trở về. 

Những chuyến bay ngàn dặm nghĩa đồng bào vẫn sẽ tiếp tục cất cánh từ Hà Nội cho tới khi hết nhu cầu công dân Việt Nam và thành viên gia đình tại Ukraine trở về nước. Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư