Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tự nâng cấp để có thể chơi lớn với EVFTA
Thế Hoàng - 04/07/2019 10:28
 
Với việc ký kết EVFTA và EVIPA, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cấp mình để tạo sức cạnh tranh đủ lớn trong cuộc chơi thương mại với EU.
Với EVFTA, May Phong Phú kỳ vọng tăng thị phần và doanh thu gấp 2 - 5 lần so với hiện nay.
Với EVFTA, May Phong Phú kỳ vọng tăng thị phần và doanh thu gấp 2 - 5 lần so với hiện nay.

Áp lực cạnh tranh

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, 2 thỏa thuận quan trọng mà Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa ký kết, gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA), sẽ tạo ra áp lực buộc doanh nghiệp Việt phải tự nâng cấp mình, tạo ra sức cạnh tranh đủ lớn trong cuộc chơi thương mại với các nước thành viên EU.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng không có nghĩa là sẽ bị hàng hóa châu Âu lấn lướt, bởi tính bổ sung trong thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU tương đối lớn. Đây là lợi thế để các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam tập trung nâng cấp đúng trọng tâm để vừa có lợi thế xuất khẩu, vừa tạo được tính cạnh trạnh ở thị trường trong nước.

Doanh nghiệp Việt có cơ hội tăng xuất khẩu vào EU, nhưng đổi lại, hàng hóa châu Âu cũng thuận lợi vào Việt Nam, tạo ra cạnh tranh quốc tế ngay tại thị trường trong nước.

Ông Lộc phân tích, thách thức là có, nhưng không quá nghiêm trọng và doanh nghiệp Việt Nam có thể thay đổi để thích ứng với cuộc chơi thương mại toàn cầu. Bằng chứng là, chúng ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, nên phải chấp nhận cạnh tranh ngay trên sân nhà bằng cách thay đổi và vươn mình.

Ông Lộc đã đưa ra một số lưu ý với doanh nghiệp Việt.

Trước hết, phải làm thế nào để vượt qua được thách thức nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ, khi nhiều ngành sản xuất đang nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, ASEAN.

Thứ hai, rào cản từ thị trường EU khá cao, vệ sinh dịch tễ rất nghiêm ngặt, nên trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các doanh nghiệp châu Âu để chuyển đổi tiêu chuẩn sản xuất, sớm thích ứng với điều kiện nhập khẩu ngặt nghèo của EU.

Thứ ba, một vấn đề được cho là trở ngại lớn với các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí tuân thủ để triển khai sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của EU cũng rất lớn.

“Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, bởi một mình doanh nghiệp sẽ khó vượt qua được, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Lộc nhận định.

Điều cốt tử là doanh nghiệp phải hiểu được đầy đủ các cam kết trong Hiệp định để vận dụng, để cơ cấu lại mặt hàng, thị trường và đối tác.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có những lưu ý với doanh nghiệp trong nước ngay tại Đối thoại về EVFTA và EVIPA vào sáng 1/7. “Dung lượng của thị trường EU rất lớn để doanh nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa khai thác. EVFTA còn giúp Việt Nam có thể tăng chuỗi giá trị, đặc biệt là chuỗi giá trị nông sản, tăng lợi ích của từng mắt xích trong chuỗi sản xuất để có thể phát triển ngành bền vững”, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết.

Doanh nghiệp chuẩn bị cho EVFTA

Nhiều doanh nghiệp Việt đã lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi để đón bắt cơ hội từ thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực.

Tổng công ty cổ phần Phong Phú đặt mục tiêu cán mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, dự ánh chiến lược là xây dựng chuỗi sản xuất khép kín sợi - dệt - nhuộm - may để tăng năng lực sản xuất.

“Trước khi có EVFTA, hàng hóa Phong Phú như vải, sợi, khăn bông, sản phẩm may mặc thời trang... đã có mặt tại EU. Với cơ hội lần này, Phong Phú đặt kỳ vọng tăng thị phần và doanh thu gấp 2 - 5 lần hiện nay”, lãnh đạo Phong Phú nói.

Tổng công ty cổ phần May Sông Hồng cũng kỳ vọng lớn vào thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực.

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng cho biết, Tổng công ty có sẵn lợi thế về các mặt hàng quần áo dệt kim và chăn, ga, gối, đệm có thể sử dụng vải xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang EU, nên nắm bắt được cơ hội giảm thuế từ EVFTA.

“Sông Hồng có khả năng liên kết, hợp tác để tạo nguồn cung cấp ổn định về chất lượng và giá thành cho khách hàng châu Âu. Tuy nhiên, đây sẽ là một quá trình cần đầu tư nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu thị trường và khách hàng”, ông Bùi Việt Quang xác nhận.

Mốc 3,3 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng dệt may sang EU trong năm 2018 chắc chắn sẽ bị bỏ xa trong thời gian tới, khi EVFTA có hiệu lực.

Với quy mô xuất khẩu gần 5 tỷ USD mặt hàng giày dép sang EU mỗi năm, ngành da giày Việt Nam đã mong mỏi EVFTA được ký kết từ lâu. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, EVFTA đi vào thực thi sẽ tạo nền tảng cạnh tranh rất tốt cho giày dép xuất khẩu Việt Nam vào thị trường EU.

EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD (trong đó, xuất khẩu 41,9 tỷ USD, nhập khẩu 13,9 tỷ USD).

Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Nguồn: Bộ Công thương
[Infographic] Những nội dung chính của Hiệp định EVFTA và IPA
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư