Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa có chuyển biến
Nguyễn Lê - 21/10/2023 08:40
 
Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra, theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
.
Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế.

Đây là hạn chế được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội liên tục nêu ra trong nhiều báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.

Tại báo cáo thẩm tra năm nay (vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội), Ủy  ban Tư pháp đánh giá, năm 2023, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, xử lý toàn diện, nghiêm minh, bảo đảm đồng bộ giữa xử lý cán bộ (thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác) với kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, thi hành kỷ luật, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở có nhiều chuyển biến rõ rệt; hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào nề nếp.

Các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm.

Các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can. Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết trong giai đoạn truy tố 743 vụ/1.987 bị can (trong đó án mới 699 vụ/1.920); đã giải quyết 623 vụ/1.614 bị can; Tòa án đã xét xử sơ thẩm 562 vụ/1.207 bị cáo về các tội tham nhũng; tuyên phạt tù chung thân 8 bị cáo, xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 50 bị cáo, tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 170 bị cáo, tù từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 308 bị cáo, tù từ 3 năm trở xuống 365 bị cáo.

Đáng chú ý, việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở cả ở cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh, đồng thời với việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm.

Cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến cán bộ cao cấp ở địa phương như Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó giám đốc sở, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp quận, huyện... (Quảng Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng, Hòa Bình, Thanh Hóa, Cao Bằng...).

Điển hình: Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố đối với Phạm Đình Cự, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Đỗ Duy Vinh, nguyên Giám đốc Sở Tài chính Phú Yên về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra năm 2013. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố đối với Phạm Văn Thành, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Văn Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"...

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, cơ quan chức năng cũng đã quyết liệt đấu tranh, khởi tố đối với các vụ án tham nhũng, tiêu cực, “tham nhũng vặt” có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.

Như các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trung tâm đăng kiểm một số địa phương; vụ án Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên, đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước xảy ra tại Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu- Tổng 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị có liên quan...

 Nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý, nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác PCTN, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng, báo cáo thẩm tra tiếp tục nêu kết quả.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra.

Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu, còn có trường hợp Viện kiểm sát hủy quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; một số vụ án phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn, do hết thời hạn điều tra chưa xác định được hành vi phạm tội, chưa xác định được bị can, chờ kết quả giám định, định giá tài sản ..., làm ảnh hưởng tới tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm, cơ quan thẩm tra nhận xét. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư