-
Đánh giá về chống tiêu cực còn “mờ nhạt” -
Trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khôi phục sản xuất sau bão -
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới -
Xuất cấp lương thực, vật tư, hóa chất khử khuẩn cho địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 3 -
Thi công từ mờ sáng tới nửa đêm để sớm cấp điện trở lại tại Quảng Ninh -
Hỗ trợ khẩn cấp 150 tỷ đồng cho tỉnh Lào Cai khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3
GS-TS. Đại sứ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao. |
Gần đây, trường phái hay khái niệm “ngoại giao cây tre Việt Nam” được nhắc đến nhiều. Từng làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Ukraine, Ba Lan, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Liên bang Nga, ông nghĩ sao về điều này?
Cây tre có đặc thù là gốc rất chắc, bám rễ rất chặt. Hình tượng gốc tre bám rễ chặt vào lòng đất được ví như tiềm lực, thực lực của đất nước, là tư tưởng, văn hóa truyền thống hòa hiếu ngàn đời của người Việt. Thân cây tre thể hiện lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong mọi mối quan hệ bang giao, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, là trước hết, muốn vậy, thân phải gắn vào gốc rất vững chắc. Ngọn cây tre phải uyển chuyển để giữ thân tre đứng vững bất chấp gió bão.
Ngoại giao Việt Nam lấy hình ảnh cây tre “uyển chuyển đồng thời phải sâu rễ, bền gốc” không sai, nhưng theo tôi, chưa thể hiện được trường phái ngoại giao Việt Nam. Ở Việt Nam, khái niệm “ngoại giao cây tre” thực ra chủ yếu do báo chí và một số nhà ngoại giao nói đến cho gần gũi, dễ hiểu. Còn trong giới ngoại giao và tư tưởng đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thì ngoại giao Việt Nam kiên định, kiên trì học tập và làm theo tư tưởng, phương pháp, nghệ thuật và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.
Ngành ngoại giao Việt Nam ra đời cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 9/1945) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chủ Tịch không chỉ khai sinh, đặt nền móng, đào tạo và phát triển ngành ngoại giao, mà chính Người đã xây dựng tư tưởng, phương pháp, nghệ thuật cho ngoại giao Việt Nam, đó là trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.
Cả đời cống hiến cho công tác ngoại giao, ông có thể khái quát trường phái, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh?
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh nói một cách ngắn gọn nhất là đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết; độc lập tự chủ, đoàn kết và hợp tác quốc tế; thêm bạn bớt thù, chính sách đối ngoại rộng mở; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; coi trọng và ứng xử khôn khéo với các nước lớn; coi trọng quan hệ bang giao các nước láng giềng; và coi ngoại giao là một mặt trận.
Nói vắn tắt thì như thế, nhưng để hiểu về tư tưởng, trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh, các nhà khoa học, ngoại giao còn phải mất rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, tìm hiểu, khảo cứu mới hiểu được.
Đơn cử về quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh của dân tộc được ví như cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn. Chiêng chính là sức mạnh tổng hòa của cả dân tộc, muốn dân tộc có sức mạnh thì phải giàu mạnh. Đất nước muốn giàu mạnh phải tự thân, tự cường, đồng thời tăng cường hợp tác với bên ngoài.
Hiện tại, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế với hầu hết các nước trên thế giới, trong đó đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (3 hiệp định đang đàm phán), trong đó có 2 hiệp định thế hệ mới là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam tự hào là một trong những nền kinh tế có quan hệ hợp tác kinh tế rộng khắp hàng đầu thế giới. Kết quả này có được chính là nhờ thực hiện tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.
Ngay từ cuối năm 1946, trong khi lãnh đạo nhân dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, Hồ Chủ Tịch đã gửi thư cho lãnh đạo Vương quốc Anh, Liên xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên hợp quốc nêu rõ, Việt Nam thực hiện “chính sách mở cửa và hợp tác” và mời các nhà đầu tư công nghệ nước ngoài vào kinh doanh tại Việt Nam. Tư tưởng của Bác đã đi trước thời đại, công cuộc mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp ngoài mà chúng ta đang thực hiện rất hiệu quả chính là học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bác coi ngoại giao là một mặt trận, ngay từ năm 1942, Bác đã đúc kết trong Nhật ký trong tù (bài thơ Học đánh cờ): “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ. Kiên quyết không ngừng thế tiến công”. Đây là bài học vô giá trong công tác đối ngoại, ngoại giao.
Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. |
Ông có nghĩ rằng, hiếm có nước nào trên thế giới như Việt Nam quan hệ được với tất cả các nước trên thế giới?
Đối ngoại trên thế giới lúc nào cũng có sự phân cực. Quan hệ giữa các nước lớn Hoa Kỳ - Trung Quốc - Liên bang Nga ngày càng phân cực, nên rất nhiều nước “chọn bên”, nhưng Việt Nam chơi với cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga. Chúng ta quan hệ với cả Nga lẫn Ukraine cũng như các nước Đông Âu, dù những nước này đối đầu với Nga. Chúng ta quan hệ với cả Iran, Palestine và thế giới Hồi giáo lẫn Israel, cho dù họ đang đối đầu nhau.
Xây dựng được mối quan hệ đó là do chúng ta thực hiện tư tưởng thêm bạn, bớt thù, thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Tinh thần rộng mở quan hệ đối ngoại được Hồ Chủ Tịch nhấn mạnh trong Tuyên bố 1/1950: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, để cùng bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”.
Sau thời gian dài kháng chiến giải phóng dân tộc và sau đó bị bao vây, cấm vận, cuối cùng, chúng ta đã thực hiện được ý nguyện của Người từ “Việt Nam muốn là bạn”, rồi “sẵn sàng là bạn”, đến “là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Tư tưởng quan trọng nhất trong ngoại giao Hồ Chí Minh là đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết. Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc những khóa gần đây đều khẳng định điều này, thưa ông?
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ ba (tháng 1/1964), Người căn dặn các nhà ngoại giao: “Muốn làm gì cũng cần vì lợi ích dân tộc mà làm”. Đây là tư tưởng nền tảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại và ngoại giao Việt Nam.
Do rất nhiều vấn đề phức tạp trên trường quốc tế, nên trong thời gian khá dài, trong quan hệ đối ngoại, dù mọi hoạt động đều lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, là trước hết, nhưng chúng ta không dám tuyên bố. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh lần đầu tiên được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội Đảng XI (năm 2011) khi chính thức tuyên bố với thế giới: “Lợi ích quốc gia - dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc chính sách đối ngoại Việt Nam”. Nghị quyết Đại hội Đảng XII và XIII tiếp tục khẳng định: “Đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”.
Tư tưởng lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết được thể hiện trong tất cả hoạt động kinh tế, chính trị, đối ngoại của Việt Nam. Cần phải hiểu, Việt Nam đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết, trước hết, nhưng không phải là lợi ích dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, mà luôn quan tâm đến lợi ích của các nước khác, nói rộng hơn là lợi ích của doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam.
Trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thường xuyên nhắc lại câu “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Đây chính là thể hiện quan điểm đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, là trước hết của Hồ Chủ tịch.
Chính nhờ thực hiện tư tưởng đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, là trước hết, hài hòa với lợi ích của các nước khác, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài, nên Việt Nam mới được các nước nể trọng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, tiềm lực kinh tế lớn mạnh. Sức mạnh của cả dân tộc được nâng lên tầm cao mới, nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Chính trường quốc tế ngày càng phức tạp, các nước lớn nổi lên. Thưa ông, trong tư tưởng ngoại giao với các nước lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy những gì?
Bác dạy, phải coi trọng và ứng xử khôn khéo với các nước lớn. Trong quan hệ với nước lớn, Người luôn nhắc nhở những người làm công tác đối ngoại phải “dàn xếp cho đại sự thành tiểu sự và tiểu sự thành vô sự”. Lịch sử ngành ngoại giao đã ghi lại bài học vô giá về cách ứng xử với các nước lớn của Bác.
Đó là trước khi ông Xuân Thủy, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường sang Paris để đàm phán với Hoa Kỳ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào năm 1968, Bác đã dặn dò, Hoa Kỳ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc đàm phán, thương lượng là thất bại rồi, vì thế không được làm Hoa Kỳ mất mặt. Phải tế nhị, khôn khéo, lúc cương, lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả… Chiến tranh sẽ còn kéo dài, đàm phán phải kiên trì, không được nóng ruột.
Chính nhờ thực hiện lời dạy của Bác trong quan hệ với nước lớn, nên chúng ta đặt được mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hoa Kỳ, trong khi Trung Quốc và Hoa Kỳ, Liên bang Nga và Hoa Kỳ đang đối đầu nhau trên nhiều mặt trận. Còn Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới, tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học, công nghệ ngày một lớn mạnh - cũng là một cực tiềm tàng của thế giới.
Trên thế giới, không có quốc gia nào đồng thời đặt được mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả 4 cường quốc, chưa kể những cường quốc về kinh tế, khoa học, kỹ thuật là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, như Việt Nam. Thành công này của công tác đối ngoại trên cơ sở sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc và cư xử khôn khéo trong ngoại giao với các nước lớn theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng tốt đẹp. Nhưng vào tháng 11/2024, Hoa Kỳ tổ chức bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới. Ông nhìn nhận thế nào về mối quan hệ giữa hai nước khi Hoa Kỳ có chính phủ mới?
Hoa Kỳ là cường quốc kinh tế, quân sự, khoa học, kỹ thuật... đứng đầu thế giới, là một cường quốc trong hầu hết các lĩnh vực. Kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao (năm 1995), quan hệ trong mọi lĩnh vực giữa 2 cựu thù ngày càng tốt đẹp, cho dù đảng Dân chủ hay Cộng hòa nắm quyền.
Trong những lần bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ các nhiệm kỳ trước, Việt Nam còn băn khoăn về việc có thể Hoa Kỳ thay đổi chính sách đối ngoại khi Chính phủ mới được thành lập sau bầu cử. Nhưng lần bầu cử này hoàn toàn yên tâm, vì dù ông Donald Trump, hay bà Kamala Harris trở thành vị Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, thì mối quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ vẫn càng ngày càng tốt đẹp, vì cả 2 vị ứng cử viên Tổng thống này đều rất có thiện cảm với Việt Nam.
Hơn 3 năm trước, vào tháng 8/2021, Phó tổng thống Hoa Kỳ, bà Kamala Harris đã có chuyến công du Việt Nam. Trong các cuộc gặp song phương với các lãnh đạo Việt Nam, bà Harris tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ về ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng.
Trong khi đó, ứng viên Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã có 2 lần thăm Việt Nam (tháng 11/2017 và tháng 2/2019) trên cương vị Tổng thống Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Trong các chuyến thăm Việt Nam, ông Donald Trump đều đánh giá cao sự phát triển năng động và vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam, tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện (đã được Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo Việt Nam nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023) phát triển thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ông Donald Trump cũng đã nhất trí với lãnh đạo Việt Nam về việc hai nước cần tăng cường phát triển quan hệ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Như vậy, cho dù ông Donald Trump hay bà Kamala Harris “tiếp quản” Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2024, thì quan hệ giữa hai nước vẫn càng ngày càng tốt đẹp.
Trung Quốc không chỉ là nước lớn, mà còn là láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”. Thưa ông, quan hệ Việt -Trung ngày càng đơm hoa kết trái?
Trung Quốc không chỉ là nước lớn, láng giềng có chung hơn 1.400 km đường biên giới trên bộ và hàng ngàn km trên biển, có chung thể chế chính trị và có quá trình gắn bó tương tác sâu sắc về văn hóa và lịch sử. Quan hệ giữa hai quốc gia cùng chung hệ tư tưởng đã được lãnh đạo hai nước khái quát rất cô đọng: “Sơn thủy tương liên. Lý tưởng tương thông. Văn hóa tương đồng. Vận mệnh tương quan”. Nghĩa là sông núi gắn liền, cùng chung lý tưởng, hòa nhập văn hóa, có chung định mệnh hay “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam vô cùng lớn. Sau một thời quan hệ hai nước gián đoạn, năm 1991 bình thường hóa trở lại và từ đó đến nay, quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực đều phát triển rất tốt đẹp.
Như tôi đã nói, trường phái, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng quan hệ bang giao các nước láng giềng, bởi người ta có thể thay đổi bạn thù, song không ai thay đổi được láng giềng. Trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, thì quan hệ với Trung Quốc chiếm vị trí trung tâm trong những mối quan tâm đối ngoại của Hồ Chí Minh. Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng chặt chẽ, khăng khít được minh chứng rất rõ thông qua các chuyến thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tổ chức đoàn thể hai nước.
Lễ tân trong ngoại giao thể hiện mối quan hệ giữa hai nước. Khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào tháng 11/2022 và mới đây là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã tiếp tiệc trà. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng mời tiệc trà. Đây là những sự kiện đặc biệt quan trọng trong lễ tân ngoại giao của hai nước, vì chỉ dành cho những vị khách đặc biệt, cho mối quan hệ đặc biệt.
Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã cùng lãnh đạo Việt Nam nhìn lại quá trình phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước, nhất trí cho rằng, tình hữu nghị truyền thống vừa là đồng chí, vừa là anh em do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông, cùng các nhà lãnh đạo tiền bối đích thân gây dựng và dày công vun đắp là tài sản quý báu của nhân dân hai nước, cần không ngừng kế thừa và phát huy.
Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, việc củng cố và phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Khó có thể nói hết quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu đoàn đại biểu đại diện cho Đảng, Nhà nước và các đoàn thể Trung Quốc đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh viếng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào chiều 20/7/2024 - đúng một ngày khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, đã nói lên tất cả.
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 55 Ngày thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Người đã viết, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, việc đầu tiên Người làm là đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý. Kế đó, Người sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu.
Về đối ngoại, Di chúc chỉ viết rất ngắn gọn, nhưng đã lột tả được tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là không chỉ đi thăm, cảm ơn các nước anh em, mà cả các nước bầu bạn khắp năm châu.
-
Trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khôi phục sản xuất sau bão -
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới -
Sau bão số 3, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương thiệt hại hơn 36.000 tỷ đồng -
Xuất cấp lương thực, vật tư, hóa chất khử khuẩn cho địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 3
-
Thủ tướng là Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế -
Thi công từ mờ sáng tới nửa đêm để sớm cấp điện trở lại tại Quảng Ninh -
Phác thảo bức tranh kinh tế năm 2025 -
Thủ tướng: 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn khắc phục hậu quả siêu bão số 3 -
Hỗ trợ khẩn cấp 150 tỷ đồng cho tỉnh Lào Cai khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 -
5 nhóm giải pháp để khắc phục hậu quả bão số 3, khôi phục sản xuất - kinh doanh -
Tỷ giá hết cản đường, chu kỳ nới lỏng bắt đầu, tăng trưởng kinh tế đứng trước cơ hội mới
- Các quỹ phòng hộ lạc quan về Microsoft Corporation
- Doanh nghiệp tạo giá trị: Không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn dẫn dắt tương lai bền vững
- C.P. Việt Nam tiếp tục trồng rừng bền vững tại Đồng Nai năm 2024
- Intech Group chung tay hỗ trợ đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả lũ lụt
- UNICEF Việt Nam chung tay khắc phục thiệt hại bão lũ
- Nhựa Tiền Phong chung tay ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3