Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tư vấn “giở võ” hạ nhà thầu
Ngọc Tuấn - 01/08/2016 07:33
 
Một nhà thầu ví von rằng, vào cuộc đấu thầu rát bỏng hơn võ đài, bởi “đấu sĩ” (các nhà thầu) dù có vận dụng hết bí kíp của mình cũng chưa đủ giành phần thắng, mà nhiều khi còn phải vận não nhận diện và hóa giải những “ngón đòn” được tư vấn đấu thầu gài độ.

“Võ hiểm” trong hồ sơ mời thầu

Hồ sơ mời thầu (HSMT) là tài liệu thể hiện các yêu cầu gói thầu, là căn cứ pháp lý để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT). HSMT còn là cơ sở để xét chọn nhà thầu. Vậy mà thời gian gần đây, thay vì làm đúng luật để tổ chức đấu thầu công bằng, minh bạch, thì không ít đơn vị tư vấn đã dùng “võ hiểm” khi cài cắm yêu cầu phi lý, không theo quy định, hoặc các điều kiện ngoài lề mà trong pháp luật đấu thầu không quy định vào HSMT để làm khó các ứng thầu.

HSMT gói thầu cung cấp, lắp đặt thang máy, điều hòa không khí thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Trụ sở Cơ quan đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ tại miền Trung - Tây Nguyên là một ví dụ. HSMT được Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành theo Quyết định 134/QĐ-VP, được phát hành ngày 22/7/2016. Theo đó, hạng mục thang máy, HSMT này yêu cầu cung cấp 2 bộ thang máy chở khách có phòng máy mã hiệu Zexia, thương hiệu Fujitec (Nhật Bản) hoặc tương đương; xuất xứ Hàn Quốc (hoặc tương đương).

Khuyết tật trong hồ sơ mời thầu khiến cho Dự án Bệnh viện chuyên khao Sản Long An bị chậm tiến độ. Ảnh: Ngọc Tuấn
Khuyết tật trong hồ sơ mời thầu khiến cho Dự án Bệnh viện chuyên khao Sản Long An bị chậm tiến độ. Ảnh: Ngọc Tuấn

Thoạt nhìn, có vẻ HSMT này đúng luật, xong chiêu thức mà bên tư vấn lập HSMT (Công ty cổ phần Tư vấn đô thị Việt Nam – VINACITY), thực chất là chiêu né luật bằng cụm từ “hoặc tương đương”. 

Cần nói rõ là, tại khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/2014/NĐ – CP (26/6/2014) quy định, HSMT không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalogue của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa, nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalogue đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị HSDT.

Tuy nhiên, thang máy là loại hàng hóa phổ biến, việc mô tả đặc tính kỹ thuật, công nghệ… rất đơn giản, vì vậy, HSMT viện dẫn nhãn hiệu Zexia, thương hiệu Fujitec Nhật Bản, xuất xứ Hàn Quốc là không cần thiết và có chủ ý rõ ràng.

Ngoài ra, HSMT cũng không làm rõ khái niệm tương đương là như thế nào? Luật Đấu thầu quy định tương đương về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng…, nhưng HSMT lại yêu cầu tương đương về thương hiệu, xuất xứ. Việc so sánh giữa các thương hiệu, xuất xứ rất mơ hồ. Rõ ràng là, nhà thầu không thể biết loại thương hiệu nào “tương đương” với mã hiệu được nêu trong HSMT.

Thực trạng tư vấn gài các điều kiện phi lý khi viết HSMT như ví dụ nêu trên không hiếm. Mới đây, HSMT gói thầu số 20 - Cung cấp lắp đặt thang máy dự án Bệnh viện chuyên khoa Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Long An cũng đã xảy ra những chiếc bẫy như vậy.

Trong phần tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt, HSMT yêu cầu vị trí Chỉ huy trưởng phải có tới 11 loại chứng chỉ khác nhau, nhiều chứng chỉ có tính chất “râu ria”; hoặc yêu cầu hãng thang máy phải có chứng nhận là hội viên của Hội đồng công trình xanh Việt Nam. Ngoài ra, hồ sơ này cũng yêu cầu nhà thầu phải có doanh thu trung bình tối thiểu 52 tỷ đồng/năm, nhưng lại yêu cầu 3 hợp đồng kinh nghiệm tương tự, trong đó có ít nhất 1 hợp đồng có giá trị tối thiểu 30 tỷ đồng. Hay hơn là HSMT còn tinh tế cài thêm điều kiện “thiết bị được sản xuất đạt tiêu chuẩn EU, G7 và đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn EN 81” vào trong Mục 42 về điều kiện ký kết hợp đồng. May mắn cho các nhà thầu quan tâm tới gói này là “món võ” tư vấn gài vào HSMT đã được phóng viên Báo Đầu tư phản ánh kịp thời, nên chủ đầu tư cam kết sẽ xem xét để chỉnh sửa ngay những bất cập.

Khó hóa giải… “võ hiểm”?

Như chúng tôi đã thông tin, thực tế chưa có một con số thống kê cụ thể nào về các chiêu thức (thường là sai phạm) nguyên do từ các đơn vị tư vấn đấu thầu, nhưng qua ý kiến của nhiều nhà thầu, tình trạng trên diễn ra khá phổ biến. Chỉ dẫn chứng trong một cuộc kiểm tra đột xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào năm 2015, thì hàng loạt đơn vị tư vấn đấu thầu bị điểm mặt. Vấn đề đặt ra là, bẫy thì có thể phát hiện ra, nhưng hóa giải lại không đơn giản.  

Một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực đấu thầu cho biết, nhiều cuộc đấu thầu không đảm bảo khách quan, minh bạch, có biểu hiện tiêu cực, thậm chí là thông thầu, mà hầu hết sai sót xuất phát từ tư vấn đấu thầu. Trong nhiều trường hợp, tư vấn đã vận dụng sự thông hiểu luật pháp về đấu thầu để thực hiện các hành vi môi giới, dàn xếp với các nhà thầu “sân sau”. Các ứng thầu chỉ có thể đưa ra nghi vấn khi HSMT “bất ngờ xuất hiện các điều khoản chỉ phù hợp với 1 nhà thầu cụ thể nào đó”, chính  những điều kiện oái oăm đó là lý do loại các nhà thầu khác. 

Trong khá nhiều trường hợp, khi bẫy chưa đủ hạ gục những nhà thầu có năng lực trùng hợp ngẫu nhiên với các quy định trái khoáy, các nhà thầu “cứng cổ” này sẽ bị loại trong quá trình chấm thầu bằng các thủ pháp hạn chế thời gian bổ sung hồ sơ, tài liệu, hoặc thô thiển hơn, nhiều nhà thầu đã bị loại bởi những lỗi số học đơn thuần.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, nhà thầu Công ty cổ phần Thanh máy Thiên Nam cho rằng, hầu như không có giải pháp hữu hiệu để hóa giải những chiêu thức tư vấn đặt ra trong HSMT. Ngay cả trong trường hợp nhà thầu phát hiện những bất cập trong HSMT, thì việc kiến nghị với chủ đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhiều khi vẫn bị chủ đầu tư bỏ ngoài tai, hoặc được giải quyết qua quýt khiến cho kiến nghị của nhà thầu thường đi vào ngõ cụt.  

“Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan quản lý nhà nước được phân cấp tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhà thầu. Bên cạnh đó, phải nêu cao trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo đứng đầu địa phương về tính thượng tôn pháp luật, không can thiệt bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu”, một chuyên viên thuộc Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.

Cần “siết” quản lý hoạt động tư vấn đấu thầu
Không ít chủ đầu tư, người chịu trách nhiệm trực tiếp từng đồng vốn ngân sách trong đấu thầu dự án, chỉ là “tay mơ” về pháp luật...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư