Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tương lai của thị trường chứng khoán Việt Nam
Quách Mạnh Hào - 20/02/2015 15:03
 
Nhận được thư mời viết bài cho ĐTCK tết này, tôi quả thực không biết lựa chọn đề tài gì vì có quá nhiều thứ có thể nói. Quyết định trở lại con đường dạy học và làm việc tại nước Anh đã làm tôi rời xa TTCK Việt Nam và cách nhìn thị trường của tôi cũng thay đổi nhiều.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Một tầm vóc mới với nhiều động lực
Thông tư 36 không tạo cú sốc thị trường
Tập trung "xây gốc" cho thị trường chứng khoán
Chọn mua cổ phiếu nào vào những ngày cuối năm?

Tôi băn khoăn nhiều hơn về những gì liên quan tới tương lai dài hạn của nền kinh tế và của thị trường, thay vì những chiến lược mua gì bán gì ngày mai…

Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln - Vương quốc Anh

Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln - Vương quốc Anh

Từ câu chuyện nước Anh…

Trở lại nước Anh sau gần 7 năm, cuộc sống dường như không có nhiều thay đổi. Từ giá cả các mặt hàng ở siêu thị, cho tới những con phố và nếp sống thường nhật, tôi cảm nhận dường như mới chỉ hôm qua. Với mức tăng trưởng GDP bình quân năm chỉ khoảng 1,5% trong hơn 10 năm qua, mức lương trung bình của một người đi làm, vì vậy, cũng không có quá nhiều thay đổi. Mức lạm phát bình quân trong thời gian đó vào khoảng 1,5%/năm (cao nhất là giai đoạn 2010-2012 khoảng 3%, trước đó và hiện tại chỉ quanh mức 1,0-1,5%), làm cho những người nước ngoài như tôi không cảm thấy bị hụt hẫng. Thậm chí, các mặt hàng thực phẩm đồ uống, tôi có cảm giác chúng còn rẻ hơn so với 7 năm trước.

Cũng trong khoảng thời gian đó, tại Việt Nam, tăng trưởng GDP khoảng 5,5-6,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ở một thống kê khác, chỉ số giá cả đã leo thang quá nhiều, mà theo ước tính, có lẽ mức giá cả bình quân đã tăng gấp 3 lần. Nếu nhìn về những con số tăng trưởng, Việt Nam đã thay đổi chóng mặt. Nhìn vào cơ sở hạ tầng, những con phố mới, những đô thị mới mọc lên khắp nơi, cả đất nước là một công trường sản xuất. Chất lượng cuộc sống thực sự được cải thiện như thế nào và với đối tượng nào, có lẽ chúng ta đều tự có câu trả lời.

Khi ở Việt Nam, tôi gặp nhiều người, tiếp xúc với nhiều người nước ngoài. Ở đâu tôi cũng nhận được những lời khen về tăng trưởng kinh tế, về TTCK ấn tượng và tiềm năng. Từ đó trong tôi có suy nghĩ rằng, người ta biết và ấn tượng về Việt Nam như vậy là đương nhiên, vì báo chí luôn ghi nhận lời khen từ những người nước ngoài. Khi trở lại nước Anh, khi tôi nói rằng, tôi đến từ Việt Nam, một số người Anh mà tôi gặp thậm chí còn hỏi Việt Nam ở đâu…

Khi tôi hào hứng kể chuyện về sự thay đổi của kinh tế Việt Nam và cơ hội tại TTCK Việt Nam, các sinh viên đại học của tôi phần lớn tỏ ra thích thú, bởi mức tăng trưởng ấn tượng mà tôi có thể kể với họ trong 15 năm của thị trường này. Nhưng khi tôi nói với họ về quy mô DN, về giá trị giao dịch thì phần lớn họ đều rất ngạc nhiên là tại sao các DN niêm yết lại có quy mô nhỏ đến như vậy. Ngay cả các dự án được huy động vốn thông qua một kênh mới trực tuyến, gọi là tài trợ đám đông dành cho các ý tưởng khởi nghiệp tại Anh, cũng có thể huy động vốn ở mức tương đương với một đợt phát hành quy mô vừa của DN niêm yết trên TTCK Việt Nam. Hoặc một công ty quản lý đầu tư tại London có hẹn gặp tôi để bàn chuyện hợp tác, trong đầu tôi nghĩ rằng, họ muốn đi vào thị trường Việt Nam, nhưng bất ngờ là họ nói rằng, liệu có cơ hội nào để người Việt Nam đầu tư vào TTCK tại Anh hay không.

Nói những điều trên, tôi tự hỏi, điều tôi vẫn thường xuyên đọc qua báo chí tại quê nhà về sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam trong con mắt người nước ngoài có quá phiến diện, khi không biết thế giới đang nghĩ gì, biết gì về thị trường mình? Có thể nhận xét của tôi mang tính chủ quan, nhưng phần lớn người nước ngoài và thậm chí giới đầu tư nước ngoài không quan tâm tới TTCK Việt Nam nhiều như chúng ta vẫn nghĩ. Có chăng chỉ là số ít những người đã biết tới Việt Nam, nhưng tỷ lệ này rõ ràng là quá nhỏ bé so với phần đông thế giới.

Tham dự Hội nghị đầu tư toàn cầu tại Thụy Sỹ năm 2014, UBCK đánh giá, phát triển bền vững đang trở thành tiêu chuẩn, mục tiêu của nhiều thị trường, nhưng tại Việt Nam, mới có ít DN quan tâm 

… đến tham vọng thị trường mới nổi

Xét trên khía cạnh quản trị, một quốc gia cũng na ná một DN, hình ảnh quốc gia cũng giống như hình ảnh của một DN và rõ ràng, để thúc đẩy sự hiểu biết, điều quan trọng là chiến lược tiếp thị quốc gia ra thị trường quốc tế phải được thực hiện một cách bài bản và thường xuyên. Một bài học mà tôi không bao giờ quên khi một đối tác kinh nghiệm nói với tôi rằng, dù ở vị trí nào thì công việc của chúng ta đều là bán hàng và để bán hàng thì điều đầu tiên và quan trọng nhất phải là giáo dục để người dùng hiểu về sản phẩm mà mình đang bán. Thông tin không rõ, không thường xuyên thì sẽ không thể bán hàng tốt.

Tôi nhớ lại quãng thời gian làm việc cùng người Nhật khi quảng bá TTCK Việt Nam. Họ thậm chí chỉ ra cho tôi những điểm cần nói, những nơi cần đi chi tiết hơn cả điều tôi có thể nghĩ. Sự thay đổi nhận thức cần chi tiết và cần thiết tại những nơi gần với người dân hơn là những khách sạn sang trọng, nơi họ dành cho nhau những mỹ từ ngoại giao. Chúng ta vẫn nghĩ rằng, những nhà quản lý quỹ hào nhoáng xuất hiện tại các khách sạn sang trọng chính là người quyết định, nhưng sự thực thì họ đang cầm tiền của những nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người có thể thay đổi cuộc chơi thông qua quyết định về tiền của họ bỏ vào các quỹ đầu tư.

Gần đây, chúng ta nói tới mong muốn TTCK Việt Nam được xếp hạng vào nhóm các thị trường mới nổi (emerging market) - đó rõ ràng là một mong muốn tốt đẹp và có lợi cho cả nền kinh tế và TTCK. Nhưng nếu chúng ta không có một chiến lược bài bản, mà chỉ dựa trên mong muốn chính trị thì khó có thể đạt được điều này, dù là mất thời gian dài. Nhìn các quốc gia hàng đầu trong nhóm BRIC - cũng là các thị trường mới nổi - để thấy rằng, khoảng cách của chúng ta còn khá xa. Hoặc nhìn gần hơn các nước quanh ta như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines - những nước nằm trong nhóm các thị trường mới nổi của hầu hết các tổ chức cung cấp chỉ số đầu tư - sẽ thấy, vươn tới tầm của họ cũng là điều chúng ta phải thực sự nỗ lực mới đạt được.

Lợi ích của việc trở thành thị trường mới nổi có lẽ không cần bàn cãi, bởi bản thân việc được xếp vào nhóm đó cũng đồng nghĩa với “chất lượng” đầu tư cao hơn trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài, qua đó, dòng vốn nước ngoài vào sẽ được cải thiện. Nhìn vào hai quốc gia mới được xếp vào nhóm thị trường mới nổi là Qatar hay UAE, chỉ số chứng khoán của họ đã tăng khoảng 40% sau khi được xếp hạng và dòng vốn nước ngoài đổ vào thêm lên tới vài tỷ USD (UAE là 1,35 tỷ và UAE là 2,3 tỷ USD tăng thêm) sau vài tháng. Chúng ta mong muốn điều đó như thế nào nếu biết rằng, cả năm 2014, nhà đầu tư ngoại rót ròng khoảng trên 200 triệu USD vào TTCK Việt Nam.

Trong con mắt giới đầu tư nước ngoài, mức trần sở hữu 49% đang là một rào cản, trong điều kiện vốn hóa thị trường hiện nay chỉ vào khoảng 50 tỷ USD so với trung bình vốn hóa của các thị trường mới nổi là 550 tỷ USD. Giá trị giao dịch bình quân tại thị trường Việt Nam năm 2014 vào khoảng trên dưới 100 triệu USD/ngày, chỉ bằng chưa đến 1/5 so với trung bình của thị trường Indonesia, hoặc chưa bằng 1/8 tại Singapore… Năm 2014, nhà đầu tư ngoại rót ròng vào Indonesia là 4,2 tỷ USD, vào Philippines là 1,3 tỷ USD - những nước chúng ta dễ cảm nhận do sự gần gũi về khoảng cách.

Qatar và UAE có chiến lược 7 năm và họ mất 5 năm để đạt được mục đích. Việt Nam năm 2014 khởi động chiến dịch nhằm được xếp hạng thị trường mới nổi tại MSCI và rõ ràng, chúng ta không thể nóng vội. Việc nâng tỷ lệ sở hữu ngoại tại các công ty cổ phần đại chúng từ 49% lên 60% hay bao nhiêu nữa, cần song hành với một chiến lược dài hạn, thay đổi quản trị DN để thích nghi với sự gia tăng tham gia của yếu tố nước ngoài, hơn là chỉ quan tâm đến con số. Hoặc việc hợp nhất 2 Sở Giao dịch chứng khoán liệu có phải là giải pháp để tăng mức vốn hóa hay mức giao dịch bình quân thị trường nói chung?

Nếu chịu khó đọc những quan điểm của người nước ngoài về nỗ lực của Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rằng, còn quá nhiều điều đáng suy nghĩ. Khó có thể biết báo cáo tài chính DN Việt Nam là thật hay giả, hoặc khó có thể biết tiền của nhà đầu tư được sử dụng như thế nào, hay việc làm giá cổ phiếu tại Việt Nam có vẻ dễ dàng…, là những điều họ thường bình luận. Những điều này không lạ gì với người Việt Nam, vì chúng ta từ lâu quen với quyết định dựa trên những thông tin không thật, nhưng lại là yếu tố rủi ro then chốt để nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư. Vài tháng trước, tại nước Anh có trường hợp TESCO báo cáo thu nhập quá 200 triệu bảng so với thực tế. Và sự trả giá là thoái vốn của các nhà đầu tư, giá trị DN sụt giảm mạnh và sự ra đi của hàng ngũ lãnh đạo.

Thay lời kết

Vài dòng tản mạn chắp vá những suy nghĩ của tôi về TTCK Việt Nam, nhưng với những gắn bó và thực tâm mong muốn TTCK Việt Nam trở thành hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài, tôi nghĩ rằng, chiến lược quan trọng nhất cần thực hiện là cổ phần hóa và niêm yết sớm các DNNN song hành với quá trình cải thiện chất lượng quản trị DN.

Tôi cảm thấy phấn khởi với việc UBCK, Sở GDCK Hà Nội và TP. HCM gần đây đề cập nhiều tới việc nhận thức về vai trò của chất lượng quản trị DN. Mặc dù con đường phía trước còn dài và tôi hy vọng họ không bỏ cuộc, những thay đổi trong suy nghĩ của họ sẽ mang lại thay đổi tại TTCK Việt Nam trong 5 năm tới. Nếu như bài học thành công của UAE hay Qatar có thể để tham khảo, thì TTCK Việt Nam sau 5 năm, tức là đến năm 2020, có thể tăng trưởng bằng lần cả về chỉ số lẫn vốn hóa. Tôi hy vọng, khi đó TTCK sẽ vượt mức điểm cao nhất lịch sử và vốn hóa có thể vượt quá 100 tỷ USD. Đó sẽ là phần thưởng xứng đáng cho hàng loạt khó khăn nêu trên, mà những người làm thị trường phải có sự bền bỉ để vượt qua.

Xúc tiến đầu tư cho thị trường chứng khoán

Năm 2014, câu chuyện nâng hạng TTCK Việt Nam được đặt ra như một mục tiêu dài hạn, sau 14 năm hoạt động của thị trường. 

Chứng khoán tháng Giêng thường tăng hay giảm?

Thị trường chứng khoán đã chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài 9 ngày. Ngoài câu chuyện sắm Tết, chơi Tết ở đâu và như thế nào..., thì có lẽ, giới đầu tư chứng khoán cũng quan tâm tới xu hướng thị trường thế nào sau kỳ nghỉ Tết. Cùng Đầu tư Chứng khoán điểm lại lịch sử diễn biến thị trường sau kỳ nghỉ Tết trong 5 năm qua để tìm quy luật của thị trường, qua đó có thể phần nào dự đoán xu hướng của năm nay.

Công bố 10 sự kiện thị trường chứng khoán 2014

() Ngày 25/12, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán vừa công bố 10 sự kiện tiêu biểu trong năm được dư luận quan tâm.  

Chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ?

Nói chứng khoán Việt Nam hiện tại rẻ hay đắt là khó, bởi nếu so với giai đoạn đỉnh cao 2006 - 2007 thì nhiều cổ phiếu đã giảm đi nhiều lần, nhưng nếu chỉ so với cách đây 1 năm thì nhiều mã cổ phiếu hiện đã tăng bình quân 30% đến 40%, thậm chí nhiều mã tăng hơn 100%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư