Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tưởng như gác bút giật mình âu lo…
Nguyên Đức - 21/06/2020 16:21
 
Tình yêu, niềm đam mê với nghề đã giúp các nhà báo vượt qua khó khăn, thách thức, thậm chí cả hiểm nguy để theo đuổi những giá trị chân chính của nghề, đưa sự thật đến với công chúng.
Để có được thông tin chân thực nhất về cuộc chiến chống Covid-19, nhiều phóng viên không ngại tác nghiệp trực tiếp tại vùng dịch. Ảnh: Q.V
Để có được thông tin chân thực nhất về cuộc chiến chống Covid-19, nhiều phóng viên không ngại tác nghiệp trực tiếp tại vùng dịch. Ảnh: Q.V

Khó khăn không làm chùn bước chân

Phan Ý Linh (Đài Truyền hình Việt Nam) là một nhà báo trẻ. Cô mới có 4 năm trong nghề. Chẳng biết có phải vì mới vào nghề, nên trái tim cô vẫn luôn đỏ rực tình yêu với nghề hay không, nhưng Ý Linh bảo, cô thật may mắn và tự hào khi được có mặt trong những giờ phút khó khăn của đất nước.

Ấy là Ý Linh nói về những thời khắc Việt Nam phải chống chọi với đại dịch Covid-19 vừa qua. Khi đó, dù nhận thấy những rủi ro không nhỏ, nhưng Ý Linh đã cùng ekip của mình đề nghị với lãnh đạo Đài để được thực hiện bộ phim tài liệu về Covid-19. Được chấp thuận, cả ekip thậm chí phải thuê một căn nhà chung, để ở, để làm việc. Không thể ở nhà, cũng không thể tới cơ quan, bởi hàng ngày, ekip của cô phải tới các điểm dịch phức tạp, ở Bạch Mai, ở Vĩnh Phúc, ở vùng biên Hà Giang… Tất cả đều hiểu rằng, rủi ro nhiễm bệnh có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Họ không muốn đồng nghiệp, người nhà của mình cũng gặp phải những rủi ro ấy.

May mắn, đã không có bất cứ điều bất trắc nào xảy ra. Bộ phim tài liệu về cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam đã hoàn thành, trong sự ngưỡng mộ, tin yêu của đồng nghiệp, của công chúng. Còn với Ý Linh, cô bảo, đơn giản, cô và các đồng nghiệp của mình chỉ đang thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là “tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung”.

“Mục đích chung của chúng tôi chỉ là phản ánh những điều bình dị, chân thực, những câu chuyện mộc mạc, để mọi người thêm tin yêu vào cuộc sống”, Ý Linh chỉ nói một cách giản dị như vậy, nhưng tất cả mọi người đều biết, cô và các đồng nghiệp của mình đã dũng cảm như thế nào để làm nghề, để đưa những câu chuyện chân thực nhất về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam đến với công chúng.

Cũng dũng cảm như thế, phóng viên Vi Thúy Hường (Báo Lạng Sơn) đã từng băng rừng, lội suối, vượt qua những chặng đường cheo leo, hiểm trở để đến được với những thôn bản ở vùng sâu, vùng xa và đưa thông tin, đưa sự thật về cuộc sống của những người dân nơi đây. Cô bảo, cũng có lần cô bị đe dọa khi viết về những thông tin trái chiều. “Nhưng tất cả những điều đó không làm chùn bước chân tôi, mà chỉ khiến tôi thêm yêu và trân trọng nghề báo mà mình đã chọn”, cô phóng viên trẻ đã mỉm cười thật tự tin để nói như vậy.

Còn nhà báo Đỗ Phú Thọ, Phó tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân, dù đã hơn 30 năm làm nghề, vẫn thường xuyên lăn lộn nơi đầu sóng ngọn gió, nơi bão lũ, rừng sâu, có lúc hiểm nguy tưởng chừng đe dọa đến tính mạng… Cũng có lúc gặp cám dỗ, bị gạ gẫm, mua chuộc, nhưng ông vẫn luôn giữ được phẩm chất của mình.

“Đã làm báo chân chính, phải phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, nhà báo Đỗ Phú Thọ đã nói như vậy.

Tưởng như gác bút giật mình âu lo…

Phan Ý Linh, Vi Thúy Hường, Đỗ Phú Thọ là 3 trong số 187 nhà báo tiêu biểu được vinh danh nhân dịp kỷ niệm 95 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên, có một cuộc gặp mặt cảm động như vậy giữa những nhà báo ở mọi miền Tổ quốc, ở mọi lứa tuổi và thậm chí là ở các dân tộc khác nhau. Khác lứa tuổi, khác cơ quan báo chí, nhưng tất cả đều chứa đựng trong tim một tình yêu dạt dào với nghề.

Vì yêu nghề, nên phóng viên Trần Thị Ngân Triều (Đồng Nai) không bao giờ né tránh những vấn đề gai góc. Vì yêu nghề, nên nhà báo Phạm Thị Thanh Phương (Bình Phước) luôn hiểu rằng, những khó khăn, vất vả chỉ tiếp thêm động lực cho mình làm nghề. Nữ phóng viên này từng mong muốn trở thành một nữ cảnh sát để có thể đem lại công bằng cho mọi người, nhưng cuối cùng đã chọn nghề báo để có thể bảo vệ công lý, lẽ phải. Cô đã làm được điều đó trong cuộc đời làm báo vất vả của mình.

“Nhiều lúc nhìn lại, tôi cũng nghĩ, tại sao mình không chọn một công việc hành chính thôi, cho đỡ vất vả, lại có thời gian chăm sóc con cái. Nhưng sau đó nghĩ lại, thấy biết bao nhà báo đã hy sinh trong thời chiến, bao nhà báo đã lao mình trong bão lũ để đưa tin, viết bài, bao bậc nhà báo lão thành đã đóng góp công sức để có được một nền báo chí cách mạng có bề dày 95 năm, tôi lại thấy những khó khăn, vất vả của mình chẳng thấm gì. Tất cả đã tiếp thêm động lực cho tôi làm nghề”, nhà báo Phạm Thị Thanh Phương mỉm cười.

Càng đi, càng viết, càng yêu nghề. Càng thêm yêu nghề hơn khi nghe nhà báo lão thành Hà Đăng chia sẻ rằng, có đêm, ông đã nằm mơ mình phải gác bút và “giật mình âu lo”. “Tôi rất sợ mình phải gác bút”, nhà báo Hà Đăng mỉm cười nói.

Một nhà báo đã hơn 90 tuổi, 70 năm làm nghề mà còn “tưởng như gác bút giật mình âu lo”… Bởi thế, khi nghe ông nói vậy, chợt thấy trái tim thổn thức vì nghề báo vẫn còn đây. Khát khao cháy bỏng được chạm tới sự thật, đưa sự thật tới công chúng cũng vẫn còn đây. Và lại nghe ngân vang câu hát rằng: “Biết bao vui buồn, biết bao sướng khổ, đời tôi gắn với nghề báo vẻ vang…”.

[Longform] Nhà báo lão thành Hà Đăng: Ngày nào còn viết là ngày đó còn phải học
Đã ngoài tuổi 90, nhưng nhà báo lão thành Hà Đăng vẫn một cảm xúc sôi nổi, nhiệt huyết khi nói về nghề báo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư