Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 09 năm 2024,
Tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị gian lận vào phòng thi
Hưng Anh - 21/06/2024 08:31
 
Hoàn tất các công tất kiểm tra, giám sát trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh “Tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị gian lận vào phòng thi”.

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra trong vài ngày tới, ngày 20/6, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo thi của 63 tỉnh/thành phố.

Dự hội nghị có thành viên, tổ thư ký Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT; Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng đại diện các cơ quan, đơn vị trung ương và địa phương.

Hơn 1 triệu thí sinh dự thi, trên 2.300 điểm thi

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6/2024; chấm thi từ ngày 29/6/2024; công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 17/7/2024, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7/2024.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị

Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024. Cùng với đó là ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức Kỳ thi.

Về công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi. Xây dựng và hoàn thiện đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 công bố ngày 22/3/2024. Đồng thời rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để phục vụ công tác ra đề thi.

Bên cạnh đó Bộ cũng hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; các mẫu biểu của mỗi khâu được rà soát hoàn thiện; thực hiện phân định rõ trách nhiệm của những người tham gia Hội đồng ra đề thi.

Các hệ thống, phần mềm cũng được xây dựng và thống nhất sử dụng trên toàn quốc trong nhiều năm. Tháng 4/2024 Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra đánh giá, rà soát an ninh, an toàn phần mềm này trước khi triển khai và đưa vào sử dụng đúng phạm vi quy định.

Năm nay, các sở GD&ĐT đã tổ chức cho thí sinh thử đăng ký dự thi trực tuyến từ ngày 24/4 đến ngày 28/4 và đăng ký dự thi chính thức từ ngày 02/5/2024 đến 17 giờ ngày 10/5/2024 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.071.393, tăng hơn 45.000 thí sinh so với Kỳ thi năm 2023. Toàn quốc có 2.323 điểm thi và 45.149 phòng thi. Có 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ, chiếm 6,25% tổng số thí sinh.

Phối hợp thông suốt, chặt chẽ, hỗ trợ tối đa cho thí sinh

Bên cạnh thuận lợi, vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục như một số địa phương điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn; một số địa phương để xảy ra tình trạng duyệt hồ sơ thí sinh chậm so với lịch công tác; diễn biến thời tiết khí hậu ở các vùng miền dự báo còn biến động nhất là các địa phương vào thời điểm mùa mưa hay có địa phương lại vào thời điểm nắng nóng mùa hè.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia tiếp tục tổ chức các đoàn việc với các địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi, công tác coi thi và chấm thi. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia trực đường dây nóng đã công bố đến 63 tỉnh, thành phố, kết nối thường xuyên với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để phối hợp tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại các địa phương trong thời gian diễn ra Kỳ thi.

Báo cáo kết quả công tác phối hợp với Bộ GD&ĐT trong việc đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ thi, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết: Bộ Công an đã ban hành kế hoạch chỉ đạo lực lượng công an địa phương đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho Kỳ thi. Đến nay, 100% các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch bám sát chỉ đạo của Bộ Công an về đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ thi.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho biết đã sẵn sàng công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ công an cũng đã phối hợp với công an địa phương đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho Hội đồng ra đề thi và quá trình vận chuyển, giao nhận đề thi đến 63 Hội đồng thi cũng như tập huấn về phòng ngừa, xử lý tình huống gian lận bằng thiết bị công nghệ cao đảm bảo Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, bảo mật trên toàn quốc.

Về công tác y tế, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Vương Ánh Dương, thông tin: Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác y tế phục vụ kỳ thi, đảm bảo cấp cứu y tế, cấp cứu thảm họa. Chủ động các phương án liên quan đến cháy nổ, tai nạn giao thông, bão, lũ lụt. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa hè; Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện biện pháp phòng chống dịch trong thời gian diễn ra kỳ thi tại các điểm thi.Thành lập các đội cơ động chống dịch và sẵn sàng triển khai ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

Không để bất cứ thí sinh nào vì khó khăn không thể dự thi

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Kỳ thi THPT là hoạt động quan trọng, phức tạp, nhạy cảm vì diễn ra trên quy mô toàn quốc, các vùng miền khác nhau, số lượng lớn học sinh dự thi, lực lượng tham gia tổ chức lớn. Đến thời điểm này công tác chuẩn bị của các địa phương cho Kỳ thi năm 2024 hết sức chu đáo, sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực.

Để việc tổ chức Kỳ thi đáp ứng các yêu cầu đề ra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc, nghiêm túc và cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã nêu trong Chỉ thị số 15 ngày 16/5/2024. Trong đó, tập trung vào 5 nhiệm vụ chính, cốt lõi về công tác chỉ đạo, công tác phối hợp, công tác chuẩn bị, công tác tổ chức và công tác truyền thông.

Đặc biệt Thứ trưởng nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị gian lận vào phòng thi”.

Cuộc họp diễn ra giữa Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo thi của 63 tỉnh/thành phố.

Với một Kỳ thi có hàng triệu thí sinh dự thi, hàng trăm nghìn cán bộ tham gia vào công tác thi, sẽ không thể tránh khỏi những sơ suất, tình huống bất thường, do vậy, các địa phương cần lường trước và chủ động phương án dự phòng.

Với phương châm cao nhất là không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế hay cách trở về giao thông không được dự thi, Thứ trưởng chỉ đạo, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thí sinh dự thi. Đối với thí sinh ở vùng khó khăn, nơi cách trở về giao thông, phương tiện, ảnh hưởng của mưa bão cần tạo điều kiện để các em đến được điểm thi trước.

Tiếp tục quán triệt tinh thần “4 Đúng - 3 Không” trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đồng thời cũng lưu ý với các địa phương về công tác vận chuyển, in sao đề thi; công tác coi thi, chấm thi; công tác nhân sự.

“Các đơn vị, địa phương xác định rõ tính chất tầm quan trọng của công việc, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng để Kỳ thi diễn ra đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, với tinh thần an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế, chu đáo và thân thiện”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Gấp rút kiểm tra các địa phương trước kỳ thi tốt nghiệp THPT
Để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo gấp rút công tác kiểm tra ở nhiều địa phương trên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư