Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
UKVFTA có hiệu lực từ 23 giờ 31/12, Việt Nam có 14 FTA được thực thi
Thế Hải - 31/12/2020 09:08
 
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) ký kết 29/12, có hiệu lực ngay vào cuối ngày 31/12, sẽ nâng số FTA đang thực thi của Việt Nam lên con số 14 FTA.
Hiệp định UKVFTA đã chính thức được ký kết bởi đại diện ủy quyền (Đại sứ) của Chính phủ hai nước tại London (Vương quốc Anh)
Hiệp định UKVFTA đã chính thức được ký kết bởi đại diện ủy quyền (Đại sứ) của Chính phủ hai nước tại London (Vương quốc Anh) vào 21 giờ ngày 29/12/2020.

Vào lúc 21h tối 29 tháng 12 năm 2020, theo giờ Việt Nam, Hiệp định UKVFTA đã được đại diện ủy quyền (Đại sứ) của Chính phủ hai nước chính thức ký kết tại Luân Đôn, Vương quốc Anh.

Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, (trong đó đang thực thi 13 FTA), và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác. Tổng số các FTA mà Việt Nam tham gia hiện là 17.

Với UKVFTA vừa được ký kết, Việt Nam và Vương quốc Anh đang  gấp rút hoàn thành các thủ tục trong nước phù hợp với quy định của pháp luật mỗi bên, đảm bảo việc có thể thực hiện ngay Hiệp định từ 23 giờ ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Như vậy, từ sau 23 giờ hôm nay, Việt Nam có tổng cộng 14 FTA đi vào thực thi, điều này tiếp tục tạo nhiều thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, hoàn thiện chuỗi cung ứng...

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau khi kết thúc các FTA đang đàm phán, có thể nói Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới (trừ Hoa Kỳ), tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư song phương cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.

Trước đó, báo cáo về tình hình thực hiện các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc tham gia các hiệp định FTA đã tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam, thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA.

Cùng với tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, bất chấp kinh tế thế giới cũng như trong nước chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước tính vẫn đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Quan trọng không kém, đó là cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD. Đây chính là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Việc có thêm các FTA đi vào thực thi, đặc biệt là EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tạo thêm dư địa cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm qua.

Các hiệp định FTA đã trở thành một trào lưu chung trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa, đồng thời là giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn khi mà những thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chưa làm “hài lòng” các nước về mức độ cam kết. Số lượng FTA trên thế giới tăng nhanh chóng, theo thống kê của WTO, tính đến ngày 17/01/2020, đã có tổng cộng 303 Hiệp định có hiệu lực trong số 483 Hiệp định được các nước thông báo tới WTO .

Theo thống kê của Tổ chức Liên hiệp quốc về kinh tế và các vấn đề xã hội cho khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (UNSCAP), khu vực Châu Á - Thái Bình dương dẫn đầu xu thế FTA với 262 FTAs được ký kết, thông báo tới WTO và với sự tham gia của nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản …



Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư