Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Ứng phó trước tác động từ “cuộc chiến” Mỹ - Trung
Hà Nguyễn - 25/09/2018 09:27
 
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục bị đẩy lên cao, khi bắt đầu từ ngày hôm nay (24/9), Mỹ chính thức áp thuế thêm 10% đối với khoảng 189 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, còn phía Trung Quốc thì đáp trả với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Câu chuyện lại một lần nữa phải nhắc tới, đó là tác động tới Việt Nam và biện pháp ứng phó.

Thực tế, cho tới thời điểm này, có nhiều quan điểm trái chiều về những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với Việt Nam. Người nói ảnh hưởng tiêu cực, người nhìn nhận ở góc độ tích cực. 

Có quan điểm cho rằng, nếu cuộc chiến ngày càng căng thẳng, sẽ là có lợi để thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam. Một báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhấn mạnh, các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, bán dẫn, may mặc, da giày... của Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI vào các ngành hàng này.

.
Một số ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Một nghiên cứu của Deutsche Bank cũng đã chỉ ra rằng, một số ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến này, như đồ nội thất và chiếu sáng, đồ chơi và dụng cụ thể thao…

Đứng trên một góc độ nào đó, những quan điểm trên không phải là không có lý. Nhưng một cách thẳng thắn, để tận dụng được cơ hội này, Việt Nam cũng phải có sự chuẩn bị. Thậm chí, phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, chủ động hơn và khôn ngoan hơn các biện pháp ứng phó trước những rủi ro từ các cú sốc từ bên ngoài có thể xảy đến. Dù có thể các cơ hội là có thật, nhưng rủi ro cũng rất lớn, bởi khi cuộc chiến thương mại nổ ra và lan rộng, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục bất ổn và hệ lụy với Việt Nam là khôn lường.

Thực tế, trước cuộc “sát phạt” lần này, hồi tháng 7, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, sau đó là 16 tỷ USD khác trong tháng 8. Đáp lại, Trung Quốc cũng đã đánh thuế tổng cộng 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Với những động thái gần đây, rõ ràng, cuộc chiến này sẽ tiếp tục căng thẳng.

Mối lo hiện giờ đó là liệu mâu thuẫn thương mại gia tăng có khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như thương mại thế giới giảm không, trước hết là những ảnh hưởng tới kinh tế của Mỹ và Trung Quốc - hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Rất có thể, những vòng thuế quan đáp trả qua lại giữa Trung Quốc và Mỹ trong vài tháng qua sẽ là sự khởi đầu của một cuộc xung đột kinh tế kéo dài.

Không ai có thể dự đoán được, xung đột thương mại Mỹ - Trung bao giờ mới kết thúc. Cũng chẳng ai có thể khẳng định, ai sẽ là người thắng cuộc trong cuộc chiến này. Nhưng nếu cuộc chiến tiếp tục nổ ra và căng thẳng, kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, nhất là trong bối cảnh có nhiều cảnh báo về một chu kỳ khủng hoảng 10 năm. Tất nhiên, trong bối cảnh ấy, kinh tế Việt Nam không thể không bị ảnh hưởng. 

Đã là gần cuối năm 2018 và cũng đang trong giai đoạn Việt Nam chuẩn bị đánh giá giữa kỳ Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), cũng như đánh giá Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) và chuẩn bị cho việc xây dựng chiến lược 10 năm tới. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cơ hội hay thách thức, hệ lụy đến đâu tới kinh tế - xã hội Việt Nam là điều cần được phân tích, đánh giá một cách toàn diện, để có giải pháp thích ứng, chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai của nền kinh tế.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Nhiều ngành hàng Việt Nam có cơ hội “ăn” thêm thị phần tại Mỹ
Lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất... là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư