Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
Ưu đãi học phí: Học sinh yên tâm - Phụ huynh nhẹ gánh
D.Ngân - 17/01/2024 09:11
 
Học đại học là cả một hành trình dài, từ học phí đến tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại. Bởi thế, tìm một ngôi trường có học phí tốt với nhiều học bổng, chính sách ưu đãi là điều được nhiều phụ huynh quan tâm.
TIN LIÊN QUAN

Những ngày qua, việc ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP về việc điều chỉnh mức học phí trong năm học 2023-2024 đã trở thành tâm điểm của dư luận.

Thực tế, học phí đại học tăng qua các năm để phù hợp với chi phí đào tạo. Nhưng với mức tăng chóng mặt này, nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy "quá sức" ngay từ khi con đặt bút đăng ký chọn trường.

Các phụ huynh và sinh viên đang nghe giải thích về chính sách học phí của nhà trường.

Ngoài ra, để con học đại học, ngoài học phí, các bậc phụ huynh còn có rất nhiều khoản chi tiêu khác như tiền ăn ở, di chuyển, tiền sinh hoạt,…

Thấu hiểu những vất vả của các bậc phụ huynh, năm 2024 Trường Đại học Gia Định (GDU) duy trì mức học phí tốt từ 12,5 triệu đồng/học kỳ. Ngoài ra, tân sinh viên GDU còn được hưởng chính sách ưu đãi 10%, 20% học phí.

Với những ngành đào tạo có mức học phí 12,5 triệu đồng/học kỳ, khi đóng học phí toàn khóa (3 năm/ 8 học kỳ), các bạn sẽ được giảm 20% học phí- tương đương 20 triệu đồng.

Nếu chưa đủ tài chính thì khi đóng học phí 1 năm, tân sinh viên cũng sẽ được giảm 8% học phí. Chính sách ưu đãi này nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo phụ huynh vì mang lại nhiều giá trị, ưu đãi thiết thực.

“Vất vả làm ăn nên tôi rất tiết kiệm. Tôi thấy có lợi nên quyết định đóng luôn 3 năm, khỏi mất công tới lui trường. Đây là khoản tiền mà gia đình đã dành dụm mười mấy năm để lo cho con nó đi học” - phụ huynh Đặng Văn Yên, có con học tại GDU, chia sẻ.

Đặc biệt, nhằm đồng hành và san sẻ khó khăn cùng các bạn học sinh, trong năm học này GDU dành tặng 1000 suất học bổng toàn khóa 80 triệu đồng. Nhà trường hiểu rằng, niềm mong mỏi con cái được thành tài, được ăn học tới nơi tới chốn luôn là điều bậc phụ huynh nào cũng mong muốn.

Một mình nuôi 3 con ăn học, dù vất vả nhưng chị Lê Thị Phương Loan (tỉnh Bình Thuận) vẫn cố gắng để hai con gái song sinh Lê Ngọc Phương Anh (ngành Đông Phương học) và Lê Ngọc Phương Uyên (ngành Ngôn ngữ Anh) học đại học. 

“Tôi đã biết đến chính sách đóng 3 năm được giảm 20% của nhà trường khi cùng con tìm hiểu các trường đại học. Sau khi cân nhắc thì cả nhà quyết định cùng 2 cháu vào TP.HCM để được tư vấn cụ thể hơn. Vào đây thì tôi còn biết thêm khi chị em học cùng trường còn được giảm thêm 10%, tôi thấy rất có lợi”, phụ huynh Lê Thị Phương Loan cho biết.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 97, trong đó có quy định điều chỉnh tăng học phí đại học từ năm học 2023-2024 so với năm học 2022-2023 nhưng tăng thấp hơn so với lộ trình của Nghị định 81 theo nhiều chuyên gia là một quyết định phù hợp.

 Những sản phẩm của sinh viên Đồ họa kỹ thuật số GDU.

Giải pháp này được đánh giá là hài hoà cho cả các nhà trường và sinh viên. Bởi thực tế cho thấy nếu không tăng học phí thì các trường sẽ rất khó khăn nhưng nếu học phí tăng mạnh thì sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ không thể kham nổi.

Sau khi Chính phủ đã chốt việc tăng học phí đại học, nhiều trường đại học đã đưa ra mức học phí mới cho năm học này. Chẳng hạn, học phí trường Đại học Mỏ - Địa chất dự kiến tăng lên 12,5-14,5 triệu đồng, thấp hơn mức trần khoảng 2 triệu. Trường Đại học Công thương TP.HCM dự kiến tăng khoảng 5%, lên gần 25 triệu đồng mỗi năm, thấp hơn mức trần dành cho trường tự chủ hoàn toàn.

Cũng trong lộ trình tăng học phí, năm học 2023-2024, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tăng mức học phí lên 780.000 đồng/tín chỉ (năm ngoái là 315.000 đồng/tín chỉ).

Tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, học phí hiện tại dao động 10,5-35 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn. Trường dự kiến giữ ổn định mức này cả năm nay và năm tới, trong khi theo Nghị định 97, trường được phép thu 24-61 triệu đồng, tức gần gấp đôi hiện tại, vì đã tự chủ hoàn toàn.

Nhằm chia sẻ với sinh viên, nhiều trường đại học cho biết dù nghị định 97 cho phép tăng học phí nhưng trường đã thu học phí theo mức năm học trước và không tăng học phí năm học này.

Chẳng hạn, Trường Đại học công nghiệp TP.HCM; Trường đại học Công Thương TP.HCM, Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết năm học 2023 - 2024 trường vẫn áp dụng mức học phí của năm học trước, chưa tăng học phí.

Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM cũng giữ nguyên mức đang thu là 10,6-23,1 triệu một năm như công bố, và giữ ổn định trong bốn năm liên tiếp.

Lý giải về điều này, theo đại diện một số nhà trường, thời điểm này việc đăng ký học phần, thu học phí học kỳ 2 cũng đã thực hiện. Do đó, bất kỳ sự điều chỉnh tăng học phí nào cũng ảnh hưởng đến sinh viên. Hơn nữa, thời điểm cận Tết, việc tăng học phí có thể gia tăng gánh nặng cho gia đình sinh viên.

Chuyên gia cho rằng, tăng học phí trong bối cảnh hiện nay có lẽ là một việc cần thiết song nếu điều này tiếp tục kéo dài, vấn đề chính yếu sẽ không được giải quyết triệt để.

Điều cần thiết là trường đại học cần thực hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ với người học giữa bối cảnh kinh tế khó khăn. TS.Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, học phí hiện đang là nguồn thu chính của các trường song nếu chỉ dựa vào học phí thì sẽ rất khó để nâng chất lượng đào tạo.

Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người học, nhất là các đối tượng yếu thế, các trường đại học cần đa dạng nguồn thu, mở rộng, tìm kiếm các nguồn kinh phí ngoài học phí để hỗ trợ người học khi tăng học phí.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng trong giáo dục đại học.

“Trường đại học nâng cao chất lượng bằng cách nâng chi phí cho đào tạo lên mà không có các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay từ hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, chỉ dựa hoàn toàn vào học phí là không ổn. Việc điều chỉnh tăng học phí cần có sự kiểm soát của Nhà nước và phải đảm bảo không vi phạm nguyên tắc công bằng của giáo dục để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học”, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư