Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 06 tháng 11 năm 2024,
Ủy ban Kinh tế nói gì về hơn 67 tỷ USD đầu tư đường sắt tốc độ cao
Nguyễn Lê - 06/11/2024 19:27
 
Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của nước ta, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn NSNN sử dụng cho Dự án.
.
Phiên thẩm tra tối 4/11 của Ủy ban Kinh tế - Ảnh Nghĩa Đức.

Như Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn đã thông tin, để kịp trình Quốc hội ngay tại Kỳ họp thứ tám đang diễn ra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tiến hành thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Dự án) vào tối ngày 4/11.

Ngày 6/11, báo cáo thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư Dự án đã hoàn thành. Theo đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất sự cần thiết đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do đã được nêu tại Tờ trình số 685/TTr-CP,  nhưng còn nhiều băn khoăn về phương án bố trí và cân đối vốn. 

Chưa rõ dự kiến mức vốn trong từng giai đoạn 

Với nguồn vốn cho dự án, báo cáo sơ bộ tổng mức đầu tư (TMĐT) Dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), Thường trực Ủy ban thẩm tra nhận định, với số vốn dự kiến trên, đây là dự án có TMĐT lớn nhất từ trước tới nay của nước ta. So với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương (NSTW), sơ bộ TMĐT Dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn NSTW giai đoạn 2021 - 2025 (là 1.500.000 tỷ đồng, đã bao gồm cả số dự phòng) và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021 - 2025.

So với các dự án đã, đang triển khai, Dự án có TMĐT dự kiến gấp hơn 5 lần dự án có TMĐT lớn nhất ở thời điểm hiện tại là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với 336.630 tỷ đồng (16 tỷ USD); gấp gần 3 lần mục tiêu xây dựng 5.000 km đường bộ cao tốc với TMĐT 23,4 tỷ USD (chưa bao gồm nâng cấp từ 2 làn lên 4 làn là 21 tỷ USD)…

Trong khi giai đoạn 2026 - 2030, nguồn lực đầu tư công cần ưu tiên tiếp tục đầu tư các dự án quan trọng quốc gia và các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng trên 130.000 tỷ đồng), các Chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 200.000 tỷ đồng), các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 72 tỷ USD); tuyến đường sắt kết nối trung chuyển với cảng biển quốc tế, kết nối Trung Quốc, Lào (khoảng 5 tỷ USD)...

Theo đó, dự kiến chỉ tính riêng trong giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2021 - 2025 nguồn NSTW và nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực giao thông (không bao gồm Dự án) khoảng 1.126.846,19 tỷ đồng, tương đương 73,7% Kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) nguồn NSTW giai đoạn 2021 - 2025.

Thường trực cơ quan thẩm tra tính toán, nếu tính cả Dự án, nhu cầu kế hoạch vốn giai đoạn 2026 - 2030 là khoảng 1.983.643,19 tỷ đồng (chưa tính đến thực hiện các dự án khởi công mới đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực khác). Với nhu cầu vốn thực hiện Dự án rất lớn như trên, để bảo đảm nguồn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực, tăng thu NSNN, cắt giảm chi thường xuyên và có thể phải chấp nhận bội chi NSNN tăng lên trong một số năm (điều này dẫn đến rủi ro về nhu cầu vay, khả năng huy động và nghĩa vụ trả nợ trong tương lai).

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế nghị cần nghiên cứu, xem xét thận trọng.

Cụ thể, về hạn mức 20% tổng số vốn KHĐTCTH giai đoạn trước, báo cáo nêu rõ, theo quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Đầu tư công “Cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đó”.

Tờ trình của Chính phủ không nêu rõ dự kiến mức vốn trong từng giai đoạn, tuy nhiên, theo phụ lục 07 kèm theo, tổng chi phí các năm từ 2026 - 2030 là 28,826 tỷ USD, tương đương khoảng 733.000 tỷ đồng, bằng 25,5% tổng vốn đầu tư công trung hạn nguồn NSNN (NSTW và NSĐP) giai đoạn 2021 - 2025 và bằng 49% tổng vốn đầu tư công trung hạn nguồn NSTW giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, không bảo đảm quy định của Luật Đầu tư công. “Nội dung này cần báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng về việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác với quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019 để bảo đảm căn cứ pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện; bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng tài chính, tài sản công. Theo đó, tại khoản 7 Điều 8 quy định về những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công: “Quyết định đầu tư chương trình, dự án có sử dụng vốn ngân sách không đúng thẩm quyền, không xác định rõ nguồn vốn để thực hiện” – Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị.

Cân đối tổng thể ngân sách cần được tính toán kỹ lưỡng

Vấn đề tiếp theo Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần xem xét thận trọng, kỹ lưỡng là khả năng đáp ứng của nguồn lực NSNN. Đó là, với thời gian hoàn thành phấn đấu đến năm 2035 thì vốn bố trí cho Dự án sẽ tập trung trong 2 giai đoạn 2026 - 2030, 2031 - 2035 và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư công của NSTW. Trong khi nhiều Chương trình, dự án lớn đang được triển khai sẽ chuyển tiếp trong giai đoạn 2026 - 2030 và các dự án mới sẽ thực hiện trong giai đoạn sau đã được xác định tại các quy hoạch, Nghị quyết của Đảng, do đó sẽ là áp lực không nhỏ trong việc cân đối nguồn lực cho các nhiệm vụ, dự án.

Bên cạnh đó, Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo chưa thể hiện rõ về phân kỳ đầu tư, dự kiến số vốn cụ thể trong các giai đoạn. Đây là nội dung quan trọng cần có sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan liên quan để xây dựng phương án bố trí vốn bảo đảm tính khả thi. Ngoài ra, theo phụ lục số 07 kèm theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho thấy, sau thời gian dự kiến hoàn thành của Dự án (năm 2035), các năm tiếp theo (từ 2036 đến 2066), chi phí vận hành và bảo trì Dự án hằng năm đều ở mức trên 1 tỷ USD (tương đương trên 25 nghìn tỷ đồng) và chưa rõ phương án chi trả, theo Thường trực cơ quan thẩm tra.

Vì vậy, để có cơ sở Quốc hội xem xét, quyết định, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn NSNN sử dụng cho Dự án. Đồng thời, đề nghị rà soát, danh mục, số vốn cho các dự án ưu tiên đầu tư trong các giai đoạn tới và phương án ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án, báo cáo Quốc hội quyết định đối với từng giai đoạn cho phù hợp. Có ý kiến đề nghị quy định ưu tiên sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW hằng năm (nếu có) để bổ sung kinh phí thực hiện Dự án.

Liên quan đến an toàn nợ công: Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo khẳng định 3 tiêu chí về mức dư nợ công, dư nợ Chính phủ và dư nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, 2 tiêu chí quan trọng là bội chi NSNN bình quân và chi trả nợ trực tiếp dự kiến sẽ tăng ở mức khá cao. Bội Chi NSNN bình quân là 4,1% GDP, tăng trên 30% so với mức mục tiêu là 3%; chi trả nợ trực tiếp khoảng 33 - 34%, vượt mức giới hạn 25% tổng thu NSNN.

Báo cáo thẩm tra phản ánh, nhiều ý kiến cho rằng, ngân sách nước ta trong thời gian qua và những năm tới vẫn là bội chi, nguồn vốn đầu tư công chủ yếu từ vay nợ. Do vậy, việc cân đối tổng thể ngân sách cần được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cần bám sát Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về “Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”.

Trong đó, Bộ Chính trị đã quyết nghị mục tiêu cụ thể: “Giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước. Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP”. (Trong đó, các tỷ lệ xác định tại thời điểm năm 2016 được đánh giá trên cơ sở số GDP theo cách tính cũ, GDP đánh giá lại đã tăng hơn so với cách tính trước đây).

Theo Thường trực Uỷ ban thẩm tra, trong bối cảnh những năm gần đây, chi trả nợ và dư nợ công có xu hướng tăng cao, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2025 khoảng 24% thu NSNN, gần tiệm cận so với mức trần cho phép (25%), đòi hỏi công tác quản lý nợ công, quản lý huy động và sử dụng vốn vay phải rất thận trọng, chặt chẽ và tuân thủ các quy định về hạn mức; việc bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững phải được đặt lên hàng đầu.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể về tác động của việc đầu tư Dự án đến bội chi NSNN, nợ công, khả năng trả nợ của NSNN trong trung hạn và dài hạn, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc về hạn mức chỉ tiêu an toàn nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, không gây áp lực trả nợ lên các giai đoạn sau.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư