Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Làm rõ khả năng đáp ứng vốn cho đường sắt tốc độ cao
Nguyên An - 06/11/2024 08:30
 
Tán thành cao chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, song nhiều ý kiến tại phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần làm rõ khả năng đáp ứng số vốn khổng lồ cho dự án này.
Phối cảnh ga đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Để kịp trình Quốc hội ngay tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào tối ngày 4/11.

Theo tờ trình của Chính phủ, đây là dự án đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD). Nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc...

Trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga, đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết.

Còn nhiều băn khoăn từ tên gọi, hướng tuyến cho đến công nghệ, tổng mức đầu tư…, song các ý kiến tại phiên họp đều tán thành sự cần thiết đầu tư dự án với tinh thần “chỉ bàn tiến không bàn lùi”.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, dứt khoát không tính chuyện có lãi ở đây và đề nghị nên phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nước, vì nhiều doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia dự án này. “Doanh nghiệp tư nhân làm sẽ rẻ hơn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, nên Chính phủ phải giao nhiệm vụ ngay từ bây giờ, để doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực, đào tạo cán bộ”, ông Thân nêu ý kiến.

Về nguồn vốn, cho rằng tiền trong dân còn nhiều, ông Thân nói, nếu Chính phủ phát hành trái phiếu thì dân sẵn sàng bỏ tiền ra. “Bên cạnh nguồn vốn trong dân thì nguồn vốn thứ hai là ngân hàng tài trợ, nếu Chính phủ bảo lãnh thì ngân hàng cũng sẽ sẵn sàng cho vay ngay”, ông Thân nhận định.

Cũng về khả năng cân đối vốn, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu rõ, dự án đầu tư chủ yếu từ ngân sách, mà ngân sách đang cùng lúc phải cân đối cho nhiều dự án quan trọng quốc gia khác. “Phải có phương án dự phòng để quyết làm là làm đến nơi đến chốn”, ông Khải đề nghị.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, nguồn lực tới 67 tỷ USD là rất lớn, vì thế, cần giải trình rất rõ để các đại biểu Quốc hội quyết định.

Ngày 13/11 chính thức trình Quốc hội

Dự kiến tối nay (6/11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Còn theo chương trình Kỳ họp thứ tám, sáng 13/11, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Phiên thảo luận tại hội trường diễn ra vào chiều 20/11 và sáng 30/11, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua trước khi bế mạc Kỳ họp thứ tám.

Báo cáo thêm về bố trí vốn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, với dự án này, Chính phủ đề xuất cho phép triển khai 3 cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực. Nếu chỉ đơn thuần trông chờ vào vốn đầu tư công, nhất là vốn đầu tư công trung hạn thì rất khó để cân đối và rất nhiều khó khăn, kể cả là được ưu tiên.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng cho hay, đối với kỳ đầu tư công trung hạn 2021-2025, Chính phủ sẽ thu xếp ngay hơn 538 tỷ đồng, không để Quốc hội phải bổ sung, để làm ngay công tác chuẩn bị cho dự án. Giai đoạn 2026-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chuẩn bị trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua vốn đầu tư công trung hạn, trong đó chắc chắn có phần cân đối cho dự án này.

“Các vấn đề mới phát sinh, chẳng hạn nếu đầu tư đường sắt thì năng lượng đi theo như thế nào… cũng đã được tính toán”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết. 

Liên quan đến năng lượng, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thông tin, Chính phủ đang nghiên cứu để trình phương án, trong đó tính toán đầu tư điện hạt nhân để bảo đảm năng lượng. Đây là năng lượng nền, phải bảo đảm 24/24h, chứ không thể phập phù được.

Với đề nghị của đại biểu về quản trị rủi ro của dự án, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay, đã tiên lượng các rủi ro trong tổ chức thực hiện, giải phóng mặt bằng, nhân lực, nhà thầu, tư vấn... để có giải pháp.

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất về sự cần thiết đầu tư, tốc độ và quy mô của dự án.

Riêng về vốn, ông Thanh dẫn báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, vốn của riêng dự án này bằng 114% so với đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2021-2025 của vốn ngân sách trung ương, gấp 5 lần tổng mức đầu tư của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gấp 3 lần đầu tư cho 5.000 km đường bộ cao tốc.

Ông Thanh đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ với đại biểu Quốc hội về khả năng đáp ứng nguồn vốn, sự an toàn đối với tài chính quốc gia như thế nào?

Ông Vũ Hồng Thanh cũng dẫn ý kiến của Kiểm toán Nhà nước là báo cáo chưa nêu rõ căn cứ, cơ sở để tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư, do đó, Kiểm toán Nhà nước chưa có cơ sở để có ý kiến về tổng mức đầu tư sơ bộ, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn và chi phí khác khoảng 12%... Vấn đề này, ông Thanh cũng đề nghị giải trình, làm rõ với đại biểu Quốc hội.

Quảng Bình đề xuất vị trí chọn làm nhà ga đường sắt tốc độ cao
Ngày 30/10, Sở GTVT Quảng Bình cho biết tỉnh này đã đề xuất 2 vị trí để đưa ra lựa chọn làm nhà ga đường sắt cao tốc Bắc – Nam trong báo cáo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư