Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Uyên Trần: Biến vỏ tôm thành vải giả da cho ngành thời trang
Nhung Bùi - 25/05/2023 09:15
 
Bằng việc tận dụng phụ phẩm là vỏ tôm, Uyên Trần đã tạo ra một loại vải mới, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa thân thiện với môi trường.
Ảnh minh họa
Uyên Trần, nhà sáng lập, giám đốc điều hành TomTex.

Vải làm từ vỏ tôm

Tháng 2/2023, thương hiệu thời trang nữ Di Petsa mang tới Tuần lễ thời trang London một mẫu váy đặc biệt. Không chỉ gây ấn tượng bởi thiết kế phóng khoáng, mẫu váy cúp ngực dáng dài của nhà mốt váy đến từ Anh còn được sáng tạo bởi một loại vải mới, nhìn qua không khác gì các loại vải da truyền thống, nhưng thực tế lại được làm từ vỏ tôm.

Đây chính là vật liệu thay thế trong ngành thời trang mà CEO Uyên Trần cùng các cộng sự tại TomTex nghiên cứu và phát triển. “TomTex” là sự kết hợp của chữ “tôm” trong “con tôm” và “tex” trong “textile” (dệt may).

Theo Bloomberg, ngành thời trang hiện đại có tác động đáng kể đến môi trường khi polyester và nylon, 2 vật liệu xương sống của hàng dệt may, là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp trên thế giới tập trung phát triển các loại vật liệu thay thế vải dệt may truyền thống, có tác động tích cực đến môi trường. Các mẫu vải của TomTex là sản phẩm như vậy.

Với những ưu điểm thân thiện với môi trường, TomTex đã nhận các giải thưởng trong làng thời trang thế giới như LVMH Innovation Award (giải thưởng ủng hộ các sáng kiến và ý tưởng đổi mới), quán quân CFDA K11 Innovation dành cho tư duy thiết kế sáng tạo trong các hệ thống thời trang bền vững từ Hiệp hội Thời trang Mỹ (CFDA)...

Nhà sáng lập Uyên Trần cũng lọt vào danh sách những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á của Forbes năm 2022 (Forbes Under 30 Asia 2022).

Quy trình sản xuất vải của TomTex bắt đầu từ việc trộn chitosan (thành phần sinh hóa dạng bột màu trắng được chiết xuất từ vỏ tôm) với nước và axit hữu cơ. Khi chitosan đã hòa tan, họ thêm vào đó chất kết dính sinh học cũng như màu tự nhiên. Tiếp theo, hỗn hợp được đổ vào khuôn, sấy khô trong một thiết bị đặc biệt và cho ra đời sản phẩm cuối cùng chỉ vài giờ sau đó. Nhìn thoáng qua, vải làm từ vỏ tôm giống như vải da, nhưng không có mùi da động vật hay hải sản.

Uyên Trần cho biết, việc tìm ra loại vật liệu này không chỉ xuất phát từ khát vọng thành công, mà còn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. “Tôi muốn tạo dựng doanh nghiệp đề cao giá trị con người và đặt trách nhiệm bảo vệ môi trường lên hàng đầu”, nữ CEO nói.

Ước tính, quá trình sản xuất 1m2 da tôm của TomTex thải ra khoảng 14 kg carbon dioxide, thấp hơn so với lượng khí thải carbon của da tổng hợp và ít hơn 15% so với sản xuất da bò. Các vật liệu tổng hợp phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng thế kỷ mới có thể phân hủy, còn vải từ vỏ tôm của TomTex sẽ phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên sau vài tháng, hoặc được tái chế, làm phân bón cho cây trồng.

Giải “bài toán” của ngành thời trang

Uyên Trần sinh năm 1993, là người con của vùng đất Đà Nẵng. Năm 2012, cô sang Mỹ học ngành thời trang tại Đại học Mỹ thuật San Francisco. Từ đây, Uyên Trần có cơ hội làm việc với các thương hiệu thời trang có tiếng như Ralph Lauren, Alexander Wang.

Quá trình làm việc đó khiến Uyên Trần nhận ra một thực tế, thời trang là tác nhân làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường. Vì vậy, cô quyết định tạm dừng công việc thiết kế thời trang để bước vào con đường nghiên cứu, bằng cách theo học thạc sĩ ngành thiết kế vật liệu tại Học viện Thiết kế Parsons - một trong những ngôi trường danh giá nhất trong lĩnh vực thời trang ở Mỹ.

Năm 2020, Uyên Trần cùng Atom Nguyen, một người gốc Việt từng làm việc tại Gap Inc., đồng sáng lập TomTex. Uyên đảm nhiệm vị trí CEO và trực tiếp nghiên cứu, phát triển sản phẩm; Atom giữ vai trò Giám đốc vận hành (COO). Năm 2022, TomTex có thêm một đồng sáng lập là Ross McBee, tiến sĩ ngành sinh học, tốt nghiệp từ Đại học Columbia.

Nguồn nguyên liệu sản xuất chính của TomTex đến từ vỏ tôm, được thu mua qua một nhà cung cấp ở Việt Nam. Theo CEO 9x, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, nên sẽ có đủ nguồn vỏ tôm để chiết xuất ra chitosan. Bên cạnh các yếu tố như nguyên liệu dồi dào, chi phí sản xuất thấp và chất lượng ổn định, Uyên Trần chia sẻ, cô lựa chọn nguồn nguyên liệu từ Việt Nam còn vì mong muốn được làm gì đó cho quê hương.

“Là người Việt, tôi muốn đưa hoạt động kinh doanh của mình khởi đầu ở Việt Nam”, CEO TomTex nói.

Trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may khan hiếm, giá tăng cao, các loại vật liệu như sản phẩm của TomTex trở thành lựa chọn của nhiều nhà thiết kế thời trang. Năm 2022, vải từ vỏ tôm của TomTex lần đầu tiên trình làng thông qua sự hợp tác với nhà thiết kế Peter Do trong việc chế tạo trang phục cho Tuần lễ thời trang New York.

“Đây là loại vật liệu mới, chứ không phải là một sự thay thế”, Uyên Trần chia sẻ. Cô đặc biệt nhấn mạnh, TomTex có thể điều chỉnh công thức sản xuất để cho ra đời các loại vải đúng yêu cầu của khách hàng.

Dù hiện tại, vải từ vỏ tôm của TomTex mới được sử dụng trong ngành thời trang, nhưng Uyên Trần hình dung, trong tương lai không xa, loại vật liệu mới này sẽ có ích với nhiều ngành khác như sản xuất vỏ điện thoại hay một số bộ phận trong ngành công nghiệp ô tô.

Lê Trung Hiếu, nhà sáng lập Bambi Hana: Kỹ sư “tô màu”, kéo dài tuổi thọ cho hoa
Với xuất phát điểm là kỹ sư điện tử, nhưng Lê Trung Hiếu đã không ngừng học hỏi để tạo ra nước dưỡng hoa tươi lâu và đổi màu hoa theo ý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư