Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vài suy nghĩ nhân 30 năm đổi mới
GS.TS Trần Ngọc Thơ - 10/02/2016 08:27
 
Đất nước cần một nguồn năng lượng mới thông qua một công cuộc Đổi mới lần hai.

Chỉ có một mục tiêu duy nhất, cả nước cùng nhau đổi mới thành công

“Không còn lựa chọn nào khác”, đó có lẽ là những từ ngữ mô tả chính xác và ngắn gọn nhất vì sao cách đây 30 năm, Đảng và Nhà nước đã lựa chọn con đường Đổi mới.

Dường như tất cả mọi điều xung quanh từ người dân bình thường đến các vị lãnh đạo cao cấp đều thấy giống nhau về việc cần phải làm gì để thoát khỏi thế bế tắc lúc bấy giờ. Gần như ở mức tuyệt đối để không ai có cái nhìn nào khác về hiện trạng kinh tế - xã hội lúc bấy giờ. Cuộc sống của mọi người, không chừa một ai, đều cơ cực. Sống hôm nay với bữa ăn vài chén cháo trộn khoai không biết ngày mai ra sao. Thế nên, từ trên xuống dưới mọi người đều phải đồng lòng Đổi mới.

Đổi mới là sao để hơn 93 triệu dân Việt phát huy tất cả trí tuệ, khả năng thì dời non lấp biển hay vượt xa các nước trong khu vực là điều không khó
Đổi mới là sao để hơn 93 triệu dân Việt phát huy tất cả trí tuệ, khả năng thì dời non lấp biển hay vượt xa các nước trong khu vực là điều không khó

Những động lực cho tăng trưởng của 30 năm trước giờ đã cạn hết rồi, đất nước cần một nguồn năng lượng mới thông qua một công cuộc Đổi mới lần hai. Vấn đề là nếu có Đổi mới lần hai, liệu bối cảnh và quyết sách của 30 năm trước có giống gì với lần này?

Cần phải giữ được sự đồng lòng!

Rất dễ thấy là mọi thứ đều khác, từ đối ngoại cho đến cấu trúc kinh tế - xã hội và một thời đại bùng nổ thông tin dữ dội. Mỗi nhân tố này đều sẽ cho mọi người những góc nhìn khác nhau về sự khác biệt giữa hai công cuộc đổi mới.

Nhưng chắc chắn có một điều giống nhau, để Đổi mới thành công, phải có một sự đồng lòng từ dưới lên trên và cũng phải từ trên xuống dưới. Người dân thì đang có nhu cầu một cuộc Đổi mới mạnh mẽ, thậm chí về các vấn đề mang tính kinh viện để đưa đất nước chuyển sang một trang mới phát triển vượt bậc, trong khi đó, các cấp lãnh đạo bên trên vẫn còn đang tranh cãi về lý luận thì khó lòng nói đến đổi mới được. Ngược lại, nếu các cấp lãnh đạo đưa ra những triết lý Đổi mới mà mình nghĩ rằng đúng, nhưng nếu phần lớn người dân không đồng tình, không chia sẻ, hoặc không thấu hiểu hết thì Đổi mới cũng sẽ đi vào ngõ cụt.

Về phía người dân bình thường thì rất rõ, cho dù có là ai, hầu hết đều có chia sẻ rất thiết thực về điều mình cần phải làm để cuộc sống khấm khá hơn. Người dân Việt mong muốn đất nước cho họ mọi cơ hội và động lực để có thể phát huy tối đa sức sáng tạo đến tận cùng. Để nuôi sống bản thân họ và gia đình? Đâu chỉ có thế. Bản năng của con người là phải làm việc và sáng tạo, từ những điều nhỏ nhất cho đến những gì vĩ đại nhất. Nếu đất nước còn có bất kỳ điều gì hạn chế khả năng sáng tạo của người dân thì khó lòng phát triển. Chỉ có tụt hậu và mất hút.

Mâu thuẫn mục tiêu rất lớn nếu có Đổi mới lần hai

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, một nhóm giới được gọi là tinh hoa lãnh đạo quốc gia, không phải ai cũng cùng chung chia sẻ triết lý phát triển giống người dân. Các chính trị gia hay công chức nhà nước chẳng qua họ cũng chỉ là con người kinh tế chứ không phải là những chính trị gia lãng mạn hay thần thánh. Các hành động của họ luôn dựa trên những kỳ vọng hợp lý với nguyên lý tối đa hóa lợi ích hữu dụng cho riêng bản thân mình thay vì cho người dân và xã hội. Nguồn lực xã hội vì vậy luôn bị phân bổ một cách méo mó, tùy tiện và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển dài hạn của một quốc gia. Đó là chưa kể còn nhiều mâu thuẫn mục tiêu khác nữa như giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước với khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình cạnh tranh và hội nhập vào các hiệp định thương mại tự do với các nước.

Nói đến Đổi mới lần hai, phải nói đến những quyết đoán chính trị mạnh mẽ chưa từng có để giải quyết tối ưu những mâu thuẫn mục tiêu này. Thiếu sự đồng lòng và đoàn kết như đã từng của 30 năm trước ở các cấp lãnh đạo sẽ không bao giờ có Đổi mới lần hai. Hoặc nếu có, chẳng qua cũng chỉ là khẩu hiệu. Ý chí và quyết tâm này không thể không kết nối với mong muốn của người dân. Không kết nối sẽ dẫn tới 2 sự kiện diễn ra mà ta thường nghe nói là “lý thuyết trên trời, cuộc đời dưới đất”.

Đổi mới như thế nào?

30 năm trước, chỉ cần làm gì đó khác với cái cũ là đã có thể thấy cái mới. Chẳng hạn, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ hay cho người dân được tự do kinh doanh mua bán. Ngày xưa, có nhiều vị lãnh đạo cấp cao và gia đình có cuộc sống bình dị cũng không khác người bình thường là mấy. Đổi mới vì vậy rất dễ thấy được hướng ra. Còn bây giờ, có biết bao ràng buộc phức tạp trong một thế giới đa dạng. Nhưng cái ràng buộc lớn nhất là tự mình lấy đá đè chân.

Đất nước mình nếu không tính cả kiều bào ở nước ngoài thì chỉ cần cơ chế sao cho tự động hơn 93 triệu người dân Việt phát huy hết tất cả trí tuệ và khả năng của mình thì dời non lấp biển hay vượt xa các nước trong khu vực là điều không khó. Ai cũng thấy vậy. Nhưng dường như có sự hiểu lầm không đáng có vô cùng đáng tiếc. Thử tưởng tượng, bây giờ nếu để người dân tự do suy nghĩ, tự do kinh doanh, tự do sáng tạo, chắc chắn sẽ có rất nhiều những sáng kiến và sản phẩm độc đáo nặng trí tuệ Việt. Như việc mấy anh nông dân sáng chế ra máy bay chẳng hạn.

Nhưng rồi “định hướng” sẽ đứng ở đâu trong các diễn tiến này. Có cần định hướng anh nông dân chế tạo máy bay để không chệch hướng? Nếu trong sâu thẳm vẫn còn có ý nghĩ này thì làm sao nói đến Đổi mới. Đúng lý ra, định hướng phải hiểu cực kỳ đơn giản và dễ hiểu. Chẳng hạn, những ngành, những lĩnh vực liên quan đến tài nguyên, đất đai hoặc an ninh quốc gia, chỉ có một hướng duy nhất là nói không với những dự án đầu tư nước ngoài gây hậu quả. Quốc hội Mỹ chẳng hạn đã không chấp nhận cho mấy công ty viễn thông của Trung Quốc đấu thầu nhiều công trình ở nước họ vì lý do an ninh. Đây là gợi ý cho chúng ta về định hướng chiến lược phát triển.

Đổi mới phải có tầm nhìn rất xa chứ không thể đụng đâu vá đó

Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp này, Đổi mới phải tính được những nước cờ có tầm nhìn có khi lên đến hàng trăm năm. Đồng thời cũng phải phán đoán được thế cờ của các nước đang toan tính với mình. Còn Đổi mới chỉ vì thấy mình tụt hậu nên mới phải làm giống như 30 năm trước thì e rằng đã lỗi thời. Chẳng hạn, có những nước quanh ta vài chục năm trước đã xây dựng triết lý ẩn mình chờ thời. Rồi bỗng chốc mới đây, họ lồng lộng xuất hiện với giấc mơ thôn tính thế giới và khu vực. Như năm rồi cả thế giới bỗng nhiên bất ngờ thấy đồng nhân dân tệ bị tuyên bố phá giá ào ạt và rồi sau đó cũng chính đồng tiền này lại được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công nhận trở thành đồng tiền quốc tế vài tháng sau đó. Không phải là thuyết âm mưu ở đây là gì? Chúng ta đã không nhận diện được nước cờ đi quá cao này của nước lân bang. Phải đợi đến khi họ phá giá và thay đổi về cơ bản cục diện tiền tệ khu vực và thế giới thì Việt Nam mình mới bắt đầu chịu thay đổi chính sách tỷ giá hối đoái mới đây. Điều mà đáng lý chúng ta phải thay đổi sớm hơn. Kết cuộc bây giờ mới thấy có quá nhiều rủi ro khi mà mọi thứ từ củ hành cho đến ô tô đều phải nhập từ người hàng xóm và phần lớn trong số đó được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.

Đổi mới sau thiên hạ hay phụ thuộc vào sự đổi mới của họ, xem họ làm mình mới làm; hay họ làm sao mình làm giống vậy, thì cho dù có Đổi mới lần hai hay lần thứ n cũng chỉ là một dạng của cái gọi là  “Status quo”. Tức là vẫn giữ nguyên trạng không có gì thay đổi. Mà đứng yên có nghĩa là tụt hậu ngày càng xa.

Cần xây dựng cơ chế phát hiện sai lầm để tự chỉnh sửa bản thân

Bất kỳ chính sách nào đều có nguy cơ xác suất phạm phải sai lầm rất lớn. Công cuộc Đổi mới cũng vậy. Chúng tương tác trực tiếp tới mọi mặt, chẳng những trong nước, mà còn cả với các nước cho nên khả năng phạm phải sai lầm vì thế càng lớn. Để kịp thời phát hiện và chỉnh sửa, chỉ còn cách duy nhất là minh bạch thông tin toàn diện các hoạt động của mọi cấp từ trên xuống dưới. Không thể nào có một bộ não siêu việt để có thể thiết kế toàn bộ chính sách mà không vấp phải những sai sót, thậm chí mang tính hệ thống. Minh bạch thông tin vì vậy sẽ giúp bản thân, công chúng và thị trường phát hiện những lỗ hổng chính sách để kịp thời điều chỉnh.

Công cuộc Đổi mới, cho dù khoác dưới bất kỳ chiếc áo khoác mỹ miều nào, chỉ thành công nếu bắt nguồn từ việc người dân và thế giới tin tưởng vào một thể chế, một chính quyền minh bạch và giải trình trách nhiệm. Nhìn sang Trung Quốc, họ đang thay đổi rất mạnh mẽ cấu trúc nền kinh tế và pháp trị của mình đó chứ. Nhưng trong cách nhìn từ người dân cho đến cộng đồng quốc tế, niềm tin lẫn nhau dường như là thứ gì đó rất không có thật. Mới đây họ càng giải thích thì thị trường chứng khoán càng đổ vỡ vì cả người dân, nhà đầu tư trong nước đã mất quá nhiều niềm tin thể chế. Thiết nghĩ, đây là bài học đáng giá mà chúng ta phải thuộc nằm lòng khi tiến hành một cuộc Đổi mới lần thứ hai.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Ngành Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tiên phong đổi mới
Khởi xướng việc đổi mới thể chế từ những năm đầu thập kỷ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã, đang, và sẽ luôn giữ vững vai trò ngọn cờ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư