Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vững bước trên đường Đổi mới
Huy hào - 22/01/2016 08:21
 
Trình bày trước hơn 1.500 đảng viên về những nội dung quan trọng trong các văn kiện, tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Đại hội XII) sáng 21/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành điểm đầu tiên để nói về sự nghiệp Đổi mới của đất nước, với luận điểm “Vững bước trên con đường Đổi mới” và xem đó là một trong những “tư tưởng lớn” được đúc kết trong các văn kiện Đại hội XII.

Đúng như đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, 30 năm đổi mới là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đó là sự nghiệp mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Nhìn tổng thể 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước vượt qua đói nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh quốc gia. Chính vì thế, phải khẳng định rằng, dù còn nhiều hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục, nhưng những thành tựu to lớn của 30 năm Đổi mới đã chứng minh đường lối đổi mới mà Đảng và nhân dân ta tiến hành là đúng đắn, sáng tạo.

.
Toàn cảnh Đại hội XII khai mạc sáng 21/1/2016 tại Thủ đô Hà Nội

Công cuộc Đổi mới 3 thập kỷ qua đã khẳng định, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thế giới.

Đặt niềm tin vào thực tiễn đó để vững bước Đổi mới, nhưng chúng ta cũng không quên đánh giá thẳng thắn, khách quan, toàn diện những thành tựu và các kinh nghiệm, bài học được đúc kết từ thực tiễn, nhất là những mặt còn hạn chế, yếu kém để đất nước tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ. Bởi lẽ, bên cạnh những thành tựu, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã thẳng thắn chỉ ra công cuộc Đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch, nhiều tiêu chí để phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã không đạt được.

Hơn nữa, 4 nguy cơ mà Đảng chỉ ra vẫn còn tồn tại, có phần diễn biến phức tạp, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế và tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh đó, công cuộc đổi mới đòi hỏi phải phát triển đất nước đồng bộ và toàn diện hơn về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại.

Đặc biệt, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và sáng tạo, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác tình hình và kịp thời có chủ trương, chính sách xử lý hiệu quả các vấn đề mới nảy sinh, giải quyết tốt các quan hệ lớn, phản ánh các quy luật đổi mới và phát triển của đất nước. Đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và chính trị; giữa tuân theo quy luật thị trường và đảm bảo định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và từng bước xây dựng quan hệ sản xuất; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội, giữ độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế.

Chặng đường đổi mới 5 năm tới và các năm tiếp theo còn nhiều chông gai, bởi tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến Việt Nam, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Nhưng khi đã nhận rõ thách thức, nắm bắt thời cơ, đoàn kết một lòng, vững tin trên con đường Đổi mới đã chọn thì chắc chắn, công cuộc Đổi mới của đất nước sẽ tiếp tục gặt hái thành công.

Toàn văn phát biểu khai mạc Đại hội XII của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Sáng 21/1, Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thay mặt Chủ tịch Đoàn đọc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư