Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vẫn có khả năng kiềm chế lạm phát dưới mức 4%
Mạnh Bôn - 15/06/2018 07:57
 
Với mức tăng 0,55% so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2018 đạt mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tin rằng, năm 2018 vẫn có khả năng kiềm chế được lạm phát ở mức dưới 4%, mặc dù đây là nhiệm vụ rất khó khăn.
TIN LIÊN QUAN

CPI tháng 5 so với tháng trước đó đạt mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Điều này có khiến ông bất ngờ?

Mặt hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng 39,93% trong rổ hàng hóa tính CPI, trong đó, thịt lợn giữ vai trò rất lớn, vì đây là loại thực phẩm được tiêu dùng nhiều nhất của người dân. Quý III/2017, ngành chăn nuôi lợn rơi vào khủng hoảng do giá thịt lợn rớt thảm, khiến người dân thu hẹp chăn nuôi, thậm chí, nhiều hộ đã dừng chăn nuôi. 

Qua dịp Tết Nguyên đán, nguồn cung thịt lợn ra thị trường giảm mạnh, giá thịt lợn tăng trở lại, nhưng phải 4 - 5 tháng sau, người chăn nuôi mới có sản phẩm bán ra thị trường, nên mặt hàng thực phẩm chiến lược này bị khan hiếm, tác động không nhỏ tới tốc độ tăng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,88%), trong đó, riêng nhóm hàng thịt lợn tăng tới 5,85%, khiến CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm.

Các nhà hoạch định chính sách cũng không hề bất ngờ khi CPI tháng 5 tăng mạnh, vì ngoài mặt hàng lương thực, thì việc giá xăng dầu tăng đã được dự báo từ trước. Giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng là tác nhân tạo áp lực tăng giá đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là nhóm giao thông (tăng 1,72%). Riêng việc điều chỉnh giá xăng dầu đã góp 0,16 điểm phần trăm vào mức tăng CPI của tháng 5.

Ông có lo ngại lạm phát tăng trở lại không, khi CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017?

Phải khẳng định rằng, áp lực tăng CPI rất lớn, tiềm ẩn nhiều yếu tố khiến CPI tăng, đặc biệt là việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục). Năm 2018, giá dịch vụ công tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình, dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể 2 - 2,5 điểm phần trăm. Giá thực phẩm năm 2018 nhiều khả năng sẽ tăng mạnh hơn do nguồn cung giảm khi ngành chăn nuôi có những điều chỉnh, còn giá xăng dầu thì nằm ngoài tầm kiểm soát vì phụ thuộc vào giá thị trường thế giới. Với những yếu tố này, việc năm 2018 giữ được mức tăng CPI bình quân 4% sẽ là một thành công rất lớn.

Muốn kiểm soát lạm phát phải có các giải pháp cụ thể, quyết liệt. Rất mừng là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan quản lý giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ các công cụ, giải pháp phù hợp, điều hành thận trọng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý; không tăng giá điện trong năm 2018; xem xét thời điểm, mức độ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục phù hợp, bảo đảm kiểm soát lạm phát dưới 4%. Thủ tướng cũng chỉ đạo sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để góp phần kiểm soát lạm phát. 

Đó là những nhiệm vụ cấp bách trước mắt để kiểm soát CPI, còn về lâu dài, muốn kiểm soát CPI một các vững chắc, cần rất nhiều giải pháp, trong đó, các bộ quản lý chuyên ngành phải khẩn trương thực hiện cắt giảm thực chất các thủ tục kiểm tra chuyên ngành như đã cam kết, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Việc cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm tăng cung, từ đó làm giảm lạm phát. 

Kiềm chế tăng CPI bằng việc không tăng giá điện, sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu để hạn chế tăng giá mặt hàng này... Thưa ông, kiềm chế CPI quá lâu không khác gì nén lò xo, nên đến lúc nào đó sẽ không thể kiểm soát được?

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm thời chưa tăng giá điện từ nay đến cuối năm, chứ không chỉ đạo không được tăng; sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu để điều chỉnh giá xăng dầu ở mức độ hợp lý, chứ đâu có cấm tăng theo tín hiệu thị trường. Có thể hiểu, tùy vào diễn biến thực tế trên thị trường để có những điều chỉnh phù hợp, không cố tình nén CPI như nén lò xo, nên không sợ đến lúc nào đó, ngành điện bị lỗ không thể chịu được nữa, Quỹ Bình ổn xăng dầu cạn kiệt, mọi nguồn lực không còn khả năng chống đỡ được với lạm phát thì lạm phát tăng mạnh trở lại. 

Cho dù có sử dụng các giải pháp cấp bách kể trên, nhưng theo thông lệ hàng năm, vào tháng 6 và tháng 9, CPI thường tăng cao hơn các tháng còn lại trong năm (trừ tháng diễn ra Tết Nguyên đán). Thưa ông, với tình hình này, khả năng năm nay khó giữ được CPI bình quân dưới 4%?

Tháng 6 và tháng 9, CPI đều tăng cao hơn bình quân các tháng còn lại trong năm, vì đó là mùa thi đại học, cao đẳng và nhập trường. Trước đây, vào “mùa thi tháng 6”, hàng triệu thí sinh và phụ huynh cả nước đổ về các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM, tạo ra áp lực tăng giá do nhu cầu đi lại, ăn ở tăng mạnh. Tuy nhiên, từ năm 2016, thực hiện đổi mới kỳ thi đại học, cao đẳng, hầu hết các trường đại học, cao đẳng không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, nên áp lực này không còn.

Tháng 9 hàng năm là mùa tựu trường, trước đây nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép, sách vở, đồ dùng học tập… tăng đột biến, tạo áp lực rất lớn lên CPI. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, sách vở, đồ dùng học tập thường được nhà trường đăng ký mua và phát cho học sinh từ tháng 4, tháng 5, nên vào năm học mới, áp lực này không còn. Trong khi đó, nhờ đời sống được cải thiện, nên quần áo, giày dép được phụ huynh mua cho con em quanh năm, chứ không phải vào đầu năm học mới mới mua, nên áp lực này lên CPI cũng giảm hẳn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư