Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng
Thùy Liên - 09/08/2024 15:00
 
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới trao đổi với báo Đầu tư về xu hướng thị trường vàng thời gian tới.
TIN LIÊN QUAN
f
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới.

Theo Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), cầu vàng toàn cầu quý II/2024 tăng kỷ lục, động lực tăng trưởng đến từ đâu, thưa ông?

Tổng nhu cầu vàng toàn cầu quý II/2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.258 tấn, là quý II tăng mạnh nhất từ trước đến nay, chủ yếu là do cầu đầu tư vàng tại châu Á tăng mạnh, nhất là Trung Quốc (tăng 62% so với cùng kỳ) và Ấn Độ (tăng 46%) so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân khiến cầu vàng tại châu Á tăng là do thị trường chứng khoán, bất động sản gặp khó khăn nên nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng. Trong khi đó, cầu vàng tại châu Âu, Mỹ giảm nhẹ, nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến vàng mà chủ yếu đầu tư vào chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ.

Ngoài ra, cầu mua của của khối ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong quý II/2024, các ngân hàng trung ương và các tổ chức thuộc chính phủ đã nắm giữ thêm 183 tấn vàng trên toàn cầu, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Khảo sát ngân hàng trung ương hàng năm của WGC đã xác nhận rằng các nhà quản lý dự trữ tin tưởng rằng các hoạt động phân bổ vàng sẽ tiếp tục tăng trong 12 tháng tới do nhu cầu bảo vệ và đa dạng hóa danh mục đầu tư trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị diễn biến phức tạp. Tại khu vực ASEAN, nhu vàng tiếp tục tăng so với năm ngoái, một phần là do nội tệ mất giá.    

Ông đánh giá như thế nào về xu hướng giá vàng thế giới thời gian tới? Liệu lực cầu của khối ngân hàng trung ương có còn tiếp diễn như thời gian qua?

Theo tầm nhìn dài hạn của Hội đồng vàng thế giới, cầu vàng của khối bán lẻ và khối ngân hàng trung ương trên toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục tăng thời gian tới. Nhiều khả năng tới đây Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất, điều này sẽ hỗ trợ cho thị trường vàng. Ngoài ra, tâm lý lo ngại trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, các biến động chính trị trên toàn cầu… cũng đang có lợi cho giá vàng. Nếu bất ổn kinh tế, địa chính trị vẫn tiếp diễn, các quỹ ETF sẽ tiếp tục mua vàng nhằm đảm bảo an toàn tài sản.

Tất nhiên, nếu trong trường hợp nội tệ các quốc gia mất giá mạnh, có thể các ngân hàng trung ương không mua vàng nữa mà chuyển sang tập trung bảo vệ sự ổn định đồng nội tệ. Theo đó, cầu mua vàng sẽ giảm, từ đó tác động tiêu cực tới giá vàng.

Tuy vậy, triển vọng của vàng từ nay đến cuối năm sẽ lạc quan. Khảo sát của Hội đồng vàng thế giới cách đây 1 tháng thì có tới 29 ngân hàng trung ương cho biết vẫn có nhu cầu tiếp tục mua thêm vàng. Đây là con số rất cao mà chúng tôi nhận được.    

Năm ngoái, khối ngân hàng trung ương đã mua vào trên 1.000 tấn vàng, nửa đầu năm nay đã mua vào hơn 500 tấn. Riêng Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã dừng mua vàng 3 tháng liên tiếp song tôi nghĩ rằng tương lai sẽ mua trở lại. Hiện dự trữ vàng của Trung Quốc chỉ chiếm 5% dự trữ ngoại hối của nước này, còn rất nhiều dư địa để Trung Quốc tăng nắm giữ vàng, đa dạng hóa danh mục.

Theo ông, cầu vàng tại Việt Nam thời gian tới sẽ ra sao? Ông đánh giá như thế nào về các giải pháp quản lý thị trường vàng gần đây của NHNN?

Trong quý II/2024, cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quý II/2024, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 lên 12 tấn. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014. Các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng miếng và vàng xu như kênh lưu trữ an toàn nhằm đối phó với sự gia tăng của lạm phát, đồng nội tệ sụt giảm, hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước. Riêng cầu vàng trang sức sụt giảm một phần do giá cao, một phần do kinh tế tăng trưởng chậm đã tác động đến tâm lý người mua.

Các giải pháp quản lý vàng gần đây của NHNN là nhằm bình ổn thị trường vàng nội địa, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Mỗi ngân hàng trung ương đều có lý do riêng của mình trong giải pháp quản lý với thị trường vàng. Theo tôi được biết, các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đang cân nhắc đến việc nhập khẩu vàng. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ tạo ra được sự minh bạch và đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường vàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư