-
Chính thức phê duyệt tăng vốn điều lệ của NCB lên gần 11.800 tỷ đồng -
VietinBank chào bán 4.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng -
Eximbank: Động lực bền vững nâng bước SMEs tại HOZO 2024 -
Ngân hàng Nhà nước bán khoảng 2 tỷ USD can thiệp tỷ giá trước áp lực đồng USD mạnh -
TP.HCM vận hành tuyến metro số 1, người dân nhận thẻ đi metro VikkiGO miễn phí -
Vàng có thể "ngủ đông"; ngân hàng lo thiệt hại nặng vì rủi ro công nghệ
Tỷ giá sẽ hạ nhiệt dần về cuối năm?
Các dự báo đưa ra từ giới phân tích tài chính cho rằng, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất trong quý IV/2024.
Nếu thực tế diễn ra như dự báo này thì đây sẽ là cơ sở thuận lợi để các nền kinh tế khác có thể cân nhắc cắt giảm hoặc không cần tăng lãi suất chính sách nữa; và áp lực tỷ giá lên các đồng tiền mới nổi cũng sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một khả năng rất cao là lãi suất USD sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn trong vài năm tới.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho rằng, sự suy yếu gần đây của VND trước sự mạnh lên của USD và sự gia tăng tỷ lệ lạm phát trong nước có thể khiến ngân hàng Nhà nước (NHNN) thận trọng trong mọi thay đổi về lãi suất chính sách.
"Lưu ý rằng, đà tăng trưởng đó có thể sẽ kém hiệu quả hơn trong nửa cuối năm 2024, chúng tôi tin rằng, NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5% trong thời điểm hiện tại", ông Suan Teck Kin nhận định.
Do đó, tỷ giá VND/USD dự kiến tiếp tục chịu áp lực mất giá trong ngắn hạn do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài như xung đột Trung Đông, chênh lệch lãi suất với Mỹ gia tăng và nền kinh tế Trung Quốc suy thoái.
Trong nửa đầu năm, NHNN đã chủ động hút thanh khoản để giảm chênh lệch lãi suất giữa VND và USD và cũng đã bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, giảm áp lực tỷ giá. Bên cạnh đó, NHNN cũng cố gắng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thông qua đấu giá, bán vàng ra thị trường... nhằm giảm áp lực tỷ giá.
Dù vậy, hiện VND đã mất giá gần 5% tính từ đầu năm và có thể tiếp tục mất giá trong quý III/2024 cho đến khi nào Fed hạ lãi suất. Sau giai đoạn đó, tỷ giá sẽ nhanh chóng hạ nhiệt và hỗ trợ bởi thặng dư thương mại, lượng kiều hối về Việt Nam vẫn tiếp tục tốt và vốn FDI giải ngân tích cực. Đây là những yếu tố sẽ hỗ trợ bình ổn tỷ giá trong nửa cuối năm, chuyên gia từ VinaCapital đánh giá.
Nhận xét về mức biến động khoảng 5% trong 6 tháng đầu năm của VND so với USD, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết: “Diễn biến này hoàn toàn nằm trong xu thế chung của hầu như toàn bộ các đồng tiền châu Á và các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển vốn liên kết chặt chẽ với sức khỏe USD là đồng tiền quan trọng nhất trong các hoạt động thương mại, đầu tư và là đồng tiền dự trữ toàn cầu mang tính thanh khoản cao nhất”.
Cụ thể, trong 6 tháng qua, đồng Yên mất giá 14%, đồng Won giảm 7%, đồng tiền của Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Philippines cũng mất giá khoảng 6% so với USD. Các ngân hàng trung ương các nước trên đều dùng các biện pháp can thiệp thị trường khác nhau trong nỗ lực ổn định vĩ mô, hạn chế dòng vốn ngoại ra đi và sự mất giá đồng nội tệ. Việt Nam đã gia nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế và cơ quan quản lý cũng phải hành động tương tự.
“Áp lực từ lãi suất USD tiếp tục được duy trì ở mức rất cao trong nhiều năm trở lại đây, cùng với sức hấp dẫn từ các tài sản đầu tư gắn với USD sẽ tiếp tục là bài toán khó cho tất cả các cơ quan quản lý các nước, cho đến khi có một dấu hiệu rõ ràng là nền kinh tế Mỹ cần thiết phải có các đợt cắt giảm lãi suất liên tục”, ông Quang nhận định.
Dự báo về xu hướng của tỷ giá VND so với USD trong thời gian tới, UOB dự báo về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 12/2024, khả năng USD sẽ giảm giá trong nửa cuối năm. Đây là kịch bản mà UOB đã dự báo kể từ cuối năm 2023.
“Quan điểm của chúng tôi là VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 cùng với sự phục hồi của CNY và sự suy yếu của USD trên diện rộng khi việc cắt giảm lãi suất của Fed được chú trọng. Chúng tôi kỳ vọng VND sẽ mạnh dần so với USD lên 25.200 VND/USD trong quý III/2024, 25.000 trong quý IV/2024, 24.800 trong quý I/2025 và 24.600 trong quý II/2025”, ông Suan Teck Kin nhận định.
UOB khuyến nghị các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu mua bán ngoại tệ hợp pháp nên nghiên cứu, phân tích và sử dụng các sản phẩm, công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất một cách hợp lý để tối ưu hóa quá trình vận hành hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình.
Shinhan Bank nhận định, tỷ giá hối đoái USD/VND sẽ sớm đạt đỉnh trong quý III và sau đó sẽ hạ nhiệt. Tỷ giá VND/USD bình quân năm 2024 dự kiến ở mức 25.040 VND/USD.
Lý giải về nhận định tỷ giá VND/USD sẽ tăng trong quý III/2024, chuyên gia kinh tế cấp cao của Shinhan Bank Lee Young Hwa cho rằng, việc tỷ giá là điều không thể tránh khỏi do các yếu tố bên ngoài như chênh lệch lãi suất với Mỹ, kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm và xung đột địa chính trị.
Năm 2024, mặc dù các yếu tố cơ bản như hoạt động xuất nhập khẩu được cải thiện, tỷ giá VND/USD vẫn tăng lên mức cao kỷ lục do USD mạnh và những diễn biến bất ổn tại Trung Quốc. Về cơ cấu thương mại, Trung Quốc là đối tác xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam, do vậy kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi nền kinh tế Trung Quốc.
Bên cạnh đó, những nỗ lực hạn chế đà tăng tỷ giá bị giới hạn do các yếu tố tích cực trong nước chỉ xuất hiện sau khi Fed xoay trục chính sách. Với tốc độ lạm phát giảm chậm, triển vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed đã giảm so với đầu năm. Tuy nhiên, kỳ vọng về việc xoay trục chính sách vẫn còn khi chỉ số CPI trong tháng 5 cho thấy tín hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu cùng sự can thiệp của NHNN trong việc bán vàng và ngoại tệ dữ trự đã góp phẩn hạn chế tỷ giá VND/USD tăng cao. Tuy nhiên, VND sẽ mất giá nhẹ và dự kiến phục hồi sau khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ và các yếu tố về chi tiêu đầu tư công và dòng vốn FDI tăng mạnh.
Một chuyên gia tài chính đưa ra nhận định, VND dù có thể kiểm soát các yếu tố nội tại nhưng còn những yếu tố bên ngoài như là sức mạnh USD hay giá vàng thế giới thì rất khó để có thể kiểm soát.
Nếu chỉ số USD Index ở quanh mốc 104 thì áp lực đối với VND dễ dàng hơn. Còn nếu USD Index quay trở lại mốc gần 106 thì tỷ giá lập tức chịu áp lực rất lớn.
Giá USD trên thị trường quốc tế giảm gần đây khi chỉ số USD-Index xoay quanh 103,75 điểm. Giá đô la Mỹ không ngừng đi xuống những ngày gần đây khi nhiều dự báo Fed tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất.
Trong cuộc họp tháng 6 của FOMC, xu hướng lạm phát giảm đã được xác nhận, tuy nhiên chưa đủ căn cứ về việc lạm phát sẽ giảm về mức mục tiêu nên số lần cắt giảm lãi suất dự kiến trong năm nay đã giảm từ ba lần xuống một lần. Nếu lạm phát tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong hai tháng tới, dự báo Fed có thể thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất sớm nhằm giảm thiểu rủi ro và ổn định kinh tế.
Một yếu tố nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nếu ông Trump tái đắc cử sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, khả năng cao sẽ có nhiều thay đối trong chính sách thương mại đối với Việt Nam khi Mỹ thắt chặt chính sách bảo hộ thương mại.
Ôm tài sản ngàn tỷ khó bán, ngân hàng “bỏng tay” thu hồi nợ xấu
Dù liên tiếp hạ giá khởi điểm, song ngân hàng vẫn khó thu hồi nợ, đặc biệt với các khoản nợ ngàn tỷ đồng.
ngân hàng BIDV vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ 5.600 tỷ đồng của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên, với tài sản đảm bảo chính của khoản nợ là Dự án Kenton Node tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Dư nợ gốc của Công ty tại BIDV là hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án này có vốn đầu tư 300 triệu USD, được khởi công năm 2010 với quy mô 9 toà nhà, gồm hơn 1.600 căn hộ. Đến năm 2010, Dự án này dừng thi công trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng. Đến năm 2022, Dự án đổi chủ, đổi tên sau hơn 12 năm đứng im, song đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi sinh.
Tương tự BIDV, nhiều ngân hàng khác cũng đang mắt kẹt với các khoản nợ ngàn tỷ.
Mới đây, Sacombank rao bán đấu giá khoản nợ 1.768 tỷ đồng của Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, với giá khởi điểm hơn 1.044 tỷ đồng. Trước đó, hồi tháng 6/2024, Ngân hàng rao đấu giá 3 khoản nợ với tổng giá trị gần 5.100 tỷ đồng của Công ty TNHH Cơ khí Đúc Ki Hu, Công ty cổ phần Thực phẩm Song Long và Công ty cổ phần H.N.H với giá khởi điểm gần 2.200 tỷ đồng. Khoản nợ gần 600 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Vạn Phát cũng được Ngân hàng rao bán với giá khởi điểm chỉ 189 tỷ đồng (tương đương nợ gốc).
Cách đây không lâu, Agribank thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH một thành viên Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) tại Agribank - Chi nhánh Hà Tây theo các hợp đồng tín dụng được ký từ năm 2009 đến năm 2014. Tổng giá trị khoản nợ hơn 1.200 tỷ đồng (trong đó nợ gốc 728 tỷ đồng), Công ty bán với giá khởi điểm hơn 844 tỷ đồng, giảm 364 tỷ đồng so với giá rao bán đầu năm nay.
Nhiều ngân hàng khác thậm chí còn rao bán nợ thấp hơn nhiều so với nợ gốc, song cũng chưa có khách mua. Đơn cử, mới đây, VietinBank thông báo bán đấu giá khoản nợ gần 600 tỷ đồng của Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp với giá khởi điểm 50,7 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 8% giá trị khoản nợ và 15,5% giá trị nợ gốc.
Có muôn vàn lý do khiến các khoản nợ ngàn tỷ của ngân hàng ế ẩm. Chẳng hạn, với khoản nợ của Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp, VietinBank đấu giá đến lần 20 vẫn không thành. Ngoài tài sản đảm bảo có thanh khoản kém còn do bên bảo đảm không hợp tác bàn giao tài sản đảm bảo. Khoản nợ được bán theo hình thức không truy đòi. Như vậy, ngay cả khi thành công mua rẻ, chủ nợ mới cũng khó lòng lấy về được tài sản đảm bảo của khoản nợ để xử lý. Ngoài ra, cơ chế bảo vệ quyền chủ nợ tại nước ta chưa hoàn thiện cũng là một lý do khiến thị trường mua bán nợ chưa thể sôi động.
Hay như với khoản nợ 5.600 tỷ đồng của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên tại BIDV, không chỉ tài sản thế chấp (Dự án Kenton) có thanh khoản kém, mà còn do tài sản này đang được đồng thế chấp tại 3 ngân hàng.
Tuy vậy, lý do chính khiến việc thanh lý tài sản đảm bảo nợ xấu chậm là do thị trường bất động sản vẫn ảm đạm. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn.
Thậm chí, theo ông Hùng, tình hình bán nợ sẽ còn khó khăn hơn trong thời gian tới khi Nghị quyết 42-NQ/TW về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực, việc thu giữ tài sản đảm bảo không được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Điều này khiến các ngân hàng khó chồng khó trong thu hồi, xử lý tài sản đảm bảo.
Bên cạnh phương án kinh doanh, phương án trả nợ, tài sản đảm bảo là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hướng đến quyết định cấp tín dụng của ngân hàng. Hiện tại, 70 - 80% tài sản thế chấp là bất động sản. Khi khách hàng mất khả năng thanh toán, ngân hàng chỉ còn cách phát mãi tài sản để thu hồi nợ, tránh mất vốn. Dù vậy, với tình hình thị trường hiện nay, các ngân hàng đang rất chật vật trong thu hồi nợ.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, dù pháp luật cho phép ngân hàng được quyền xử lý tài sản đảm bảo khi khách hàng không trả được nợ, song thực tế, việc xử lý tài sản đảm bảo không đơn giản. Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, nợ xấu có nguy cơ gia tăng, sau khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ hết hiệu lực vào cuối năm 2024, ngân hàng sẽ có khả năng siết chặt hơn hoạt động cho vay để phòng ngừa rủi ro.
Cho vay tiêu dùng có thể đạt tới 15.000 tỷ USD, kiến nghị giải pháp ngăn "bùng nợ"
Tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, song thị trường này đang gặp khó khăn vì tình trạng rủ nhau "bùng nợ", mạo danh công ty tài chính tiêu dùng để lừa đảo...
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, hiện quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11.000 tỷ USD năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng, dự kiến đạt 15.000 tỷ USD trong 5 năm tới.
Tại Việt Nam, hoạt động tín dụng tiêu dùng những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Mặc dù vậy, hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ ("bùng nợ"); các công ty mạo danh, lừa đảo… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung.
Phát biểu tại Hội thảo với chủ đề: Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen” diễn ra ngày 18/7, các chuyên gia đề xuất tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp hiểu đúng về các kênh cung cấp tín dụng chính thức cũng như thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”. Bản thân các tổ chức tín dụng cần rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đề xuất, cần sớm cho phép và hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.
Cảnh báo dự án đầu tư tiền ảo HRX, lợi nhuận 10%/tháng
Công an Thành phố Hà Nội cảnh báo người dân thận trọng với dự án “HorusLayer” quảng bá, giới thiệu về đồng tiền ảo “HRX” và kêu gọi người dân tham gia theo hình thức đa cấp.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Thành phố Hà Nội, hiện nay, tình trạng các đối tượng thông qua các ứng dụng Zalo, Telegram hoặc Facebook để gọi điện mời chào người dân tham gia đầu tư tiền ảo, tiền điện tử nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang ngày càng gia tăng.
Mới đây, Dự án có tên gọi “HorusLayer” quảng bá, giới thiệu về đồng tiền ảo “HRX”. Theo đó, dự án này kêu gọi người dân tham gia mua đồng tiền ảo HRX, mua, đầu tư tiền ảo và website https://app.horuslayer.com/ để có thể hưởng lợi nhuận lên tới 10%/tháng. Ngoài ra nếu giới thiệu, tuyển thêm người tham gia, đầu tư vào website trên sẽ được hưởng hoa hồng giới thiệu trực tiếp và hoa hồng lãi suất từ người tham gia đầu tư vào sau. Dự án trên được giới thiệu phát triển bởi một công ty ở nước ngoài, không có trụ sở cũng như đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
Luật pháp Việt Nam không công nhận tiền ảo là tài sản cũng như phương tiện thanh toán hợp pháp, do đó khi đầu tư vào tiền ảo cũng như đồng HRX, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia đầu tư.
Để phòng ngừa và hạn chế rủi ro liên quan đến hoạt động trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác khi tham gia đầu tư vào các dự án tiền ảo, đặc biệt là các dự án quảng cáo lợi nhuận cao.
Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng chiêu trò hứa hẹn lợi nhuận cao để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.
Chuyên gia: Nên tiếp tục duy trì chính sách lãi suất 0% với USD
Các chuyên gia lo ngại nếu nâng lãi suất USD sẽ gây tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường.
ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa họp với các chuyên gia kinh tế để trao đổi về chính sách ngoại tệ và lãi suất tiền gửi bằng đồng đô la Mỹ dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà.
Tại cuộc họp, các chuyên gia đánh giá cao NHNN về các biện pháp chống đô la hóa cũng như chính sách lãi suất USD 0% đã và đang phát huy hiệu quả, qua đó góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, giảm tỷ lệ đô la hóa, tăng dự trữ ngoại hối và tác động đến luồng kiều hối cũng như dòng vốn FII và FDI…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã chỉ đạo xuyên suốt việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chống đô la hóa, từng bước chuyển dần quan hệ huy động – cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua – bán, từ đó nâng cao vị thế của VND.
Thực hiện chủ trương này, NHNN đã kết hợp linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT đưa lạm phát từ mức hai con số xuống một con số và duy trì ở mức thấp. Đồng thời, phương châm đảm bảo nắm giữ VND có lợi hơn USD được NHNN tập trung kiên định triển khai trong điều hành CSTT thông qua công cụ lãi suất và tỷ giá. Theo đó, NHNN đã áp dụng trần lãi suất tiền gửi USD 1%/năm đối với tổ chức vào năm 2010 và 3%/năm đối với cá nhân năm 2011 và điều chỉnh giảm dần về mức 0%/năm từ cuối năm 2015.
Theo Phó Thống đốc, việc áp dụng chính sách lãi suất USD 0% là một trong các giải pháp đồng bộ mà NHNN triển khai để ổn định thị trường ngoại hối, neo kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế VND. Nhờ chính sách này, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định. Tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế giảm mạnh (tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức 11,06% năm 2014 xuống khoảng 6,05% tính đến tháng 6/2024; tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng có xu hướng giảm).
Từ 2016 đến nay, NHNN mua ròng khoảng 48,2 tỷ USD từ các TCTD bổ sung dự trữ ngoại hối (trong đó tính riêng từ 2016 đến 2021, NHNN mua ròng khoảng 71 tỷ USD từ các TCTD).
Lạm phát được kiểm soát giảm mạnh từ hai con số xuống một con số và duy trì ở mức thấp, nâng tầm giá trị VND và chuyển hóa nguồn lực USD trong dân thành nguồn vốn phục vụ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, chống đô la hóa, từng bước chuyển dịch quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua- bán ngoại tệ, nâng cao vị thế VND. Nguồn huy động ngoại tệ đáp ứng nhu cầu sử dụng ngoại tệ trong nước, thể hiện qua hệ số tín dụng/huy động ngoại tệ dưới 100% và giảm đều qua các năm từ mức 77,43% năm 2016 xuống mức 52,65% đến tháng 6/2024.
Trao đổi tại cuộc họp, các chuyên gia kinh tế đều đánh giá cao NHNN về các biện pháp chống đô la hóa.
Theo Tiến sĩ, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, thời gian qua, NHNN đã thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước về chống đô la hóa nền kinh tế. Việc kiên định duy trì mức lãi suất 0% đối với USD đã trở thành giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho mục tiêu ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và tăng giá trị VND, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nước ta đã chuyển sang một vị thế mới.
Chung nhận định, TS. Trương Văn Phước cho rằng, có được những kết quả tích cực trong ổn định kinh tế vĩ mô, một phần nhờ vào việc hạn chế đô la hoá.
Tại cuộc họp, các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cao việc áp dụng chính sách lãi suất USD 0% do NHNN đã và đang triển khai thực sự phát huy hiệu quả, qua đó góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, giảm tỷ lệ đô la hóa, tăng dự trữ ngoại hối và tác động đến luồng kiều hối cũng như dòng vốn FII và FDI…
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, NHNN ngay từ ban đầu đã có kế hoạch và lộ trình rõ ràng đối với việc duy trì hướng đến đưa lãi suất USD về 0%. Mặc dù còn tồn tại một vài bất cập, song những khó khăn này có thể điều chỉnh được và nhìn chung, công tác điều hành chính sách lãi suất và ngoại hối của NHNN đã cho thấy tác động tích cực đến nền kinh tế vĩ mô.
TS Lê Xuân Nghĩa kiến nghị, NHNN cần tiếp tục duy trì và thực hiện đánh giá toàn diện chính sách này trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục nghiên cứu để thực hiện đúng chủ trương giảm đô la hóa của Đảng và Nhà nước đã đề ra, đồng nghĩa với việc giảm sự "hấp dẫn" của việc nắm giữ đồng đô la trong tương lai.
Chung quan điểm ủng hộ chính sách giữ nguyên lãi suất USD 0%, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành nêu ba lý do sau: Thứ nhất, trong ngắn hạn, nếu thay đổi lãi suất USD thì thị trường sẽ nhìn nhận như một giải pháp tình thế, sẽ có tác động tiêu cực; Thứ hai, trong trung hạn, chúng ta nhìn vào CSTT của FED, mặc dù lãi suất USD cao trên 5% nhưng trung hạn, FED kiên định kiểm soát lãi suất khoảng 2%, trong trung hạn lãi suất đồng đô la liên ngân hàng trên thị trường Hoa Kỳ sẽ ở mức khoảng 2,25%-2,3%, nếu thế, chúng ta có thể duy trì trung hạn lãi suất tiền gửi đôla 0%; Cuối cùng, trong dài hạn, chúng ta theo định hướng kiên định chuyển từ huy động - cho vay ngoại tệ sang mua - bán ngoại tệ, từ đó nâng cao vị thế của VND.
GS.TS Trần Thọ Đạt thì cho rằng, phải xuất phát từ vấn đề gì đó rất bất cập trong thực tế, khi thị trường xảy ra biến động nào đó lớn thì mới cần phải điều chỉnh chính sách. GS Đạt đánh giá, hiện thị trường rất ổn định, hiện tại chưa cần can thiệp và nên giữ nguyên chính sách lãi suất USD 0%.
Kết luận cuộc họp, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà ghi nhận, đánh giá cao và tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia kinh tế. Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia tại cuộc họp này, trong thời gian tới, NHNN sẽ có báo cáo đánh giá kỹ lưỡng đối với việc triển khai chính sách lãi suất USD 0% trong thời gian qua.
Phó Thống đốc một lần nữa khẳng định, đối với Việt Nam, chống đô la hóa là mục tiêu xuyên suốt cần kiên định thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đề ra, là định hướng lâu dài NHNN cần tiếp tục triển khai. Qua thực tế điều hành, mục tiêu chống đô la hóa cho đến nay đã và đang được triển khai thành công nhất định. Chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% là trụ cột chính của chủ trương chống đô la hóa, hỗ trợ tích cực cho ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và kinh tế vĩ mô.
Về định hướng thời gian tới, Phó Thống đốc chia sẻ thêm, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiên trì thực hiện chuyển dần quan hệ huy động – cho vay sang mua – bán ngoại tệ, chống đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ.
Ngân hàng loay hoay cho vay dự án xanh
Khó thu xếp nguồn vốn khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết chặt và việc thiếu hướng dẫn về tiêu chí xác định dự án xanh khiến ngân hàng bối rối khi cho vay.
Ưu tiên các Dự án xanh, phát triển bền vững đang là định hướng của nhiều ngân hàng. Ông Võ Văn Quang, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Đầu tư Bac A Bank cho biết, hiện tại, dư nợ tín dụng xanh của Bac A Bank chiếm hơn 21% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng, chủ yếu là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, dự án trồng rừng, dự án du lịch sinh thái nằm trong hệ sinh thái kinh tế xanh, dự án áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại và sản xuất theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, hiện có 47 ngân hàng phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Tuy vậy, dư nợ tín dụng xanh mới chiếm 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Nguyên nhân khiến tỷ lệ tín dụng xanh còn khiêm tốn, theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, là do hành lang pháp lý về vấn đề này chưa đầy đủ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, dù rất muốn đẩy mạnh tín dụng xanh, song ngân hàng này vẫn đang loay hoay vì các chuẩn mực với dự án xanh chưa có. “Rất mong các bộ, ngành sớm xây dựng tiêu chí về dự án xanh để ngân hàng có tiêu chí triển khai”, ông Tùng kiến nghị.
Trong báo cáo kiến nghị mới đây, nhóm chuyên gia nghiên cứu Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để phát triển tín dụng xanh, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện khung pháp lý. Cụ thể, phải xây dựng các tiêu chí xác định dự án xanh. Đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh cho các dự án.
Việc thiếu hướng dẫn cụ thể về danh mục xanh, dự án xanh khiến các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc lựa chọn dự án, thẩm định cho vay.
“Cần xây dựng lộ trình cụ thể cho việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các lĩnh vực, ngành xanh về thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển... một cách đồng bộ, nhằm thu hút và phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh”, nhóm nghiên cứu đề xuất.
Theo bà Trần Tường Vân, Giám đốc tư vấn, CTCP Tư vấn EY Việt Nam, các ngân hàng đang sẵn sàng cho vay xanh và rất muốn tìm kiếm khách hàng phù hợp. Nhưng để mở rộng cho vay, các ngân hàng cũng đang rất trăn trở về tiêu chí phân loại xanh và nguồn vốn để cho vay xanh.
Đa dạng hóa nguồn vốn xanh để cho vay
Ngoài thiếu hành lang pháp lý, các ngân hàng thương mại cũng đang khó khăn trong việc tìm nguồn vốn xanh để cho vay. Thời gian qua, nhiều ngân hàng thành công trong việc huy động hàng tỷ USD từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, nguồn vốn này vẫn còn nhỏ bé so với nhu cầu thị trường. Ông Võ Văn Quang thừa nhận, Bac A Bank đang phải tính toán rất căn cơ khi cho vay tín dụng xanh, bởi nguồn để cho vay dự án xanh không nhiều.
Hiện có hơn 80% vốn huy động của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn, trong khi tín dụng xanh chủ yếu là dự án dài hạn (5-20 năm). Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết chặt tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng thương mại càng khó bố trí nguồn vốn dài hạn để cho vay. Chưa kể, rủi ro với cho vay các dự án này không nhỏ, trong khi thời gian thu hồi vốn dài.
“Tín dụng xanh ở nước ta còn quá khiêm tốn. Hiện tại, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống rất thấp, các ngân hàng đang bị ‘bó tay’ bởi tỷ lệ đó. Chưa kể, đa phần dự án xanh đòi hỏi lãi suất cho vay thấp, tương đương với lợi nhuận thấp, trong khi rủi ro lớn. Nhiều dự án xanh (như trong lĩnh vực năng lượng), nếu không có sự bảo trợ của Chính phủ, thì khả năng dự án vỡ nợ là có, đồng nghĩa rủi ro cho ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Các chuyên gia nghiên cứu Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần có cơ chế cho phép bảo lãnh các khoản tín dụng xanh hoặc thành lập định chế tài chính đặc biệt trong cấp tín dụng xanh vào các dự án trọng điểm. Chính phủ cũng có thể nghiên cứu thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển bền vững cho các dự án xanh trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước và rà soát lại hệ thống chính sách hiện hành để đảm bảo tập trung, tránh phân bổ nguồn lực dàn trải.
Ngoài ra, có thể cân nhắc cho phép không tính nguồn vốn để cho vay các dự án xanh vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để tài trợ cho các dự án tín dụng xanh. Đồng thời, nới room tín dụng với các ngân hàng cho vay dự án xanh.
Thị trường vàng đóng băng sau khi kiểm soát chặt mua bán vàng miếng
Thị trường vàng gần như bị đóng băng sau khi hoạt động mua bán vàng miếng bị kiểm soát chặt, nguồn cung khan hiếm. Cơn khát vàng đã giảm, song khi thị trường có dấu hiệu đóng băng, thì những giải pháp được áp dụng chưa hẳn đã tối ưu và đó không thể là giải pháp dài hơi.
Tuần qua, lần đầu tiên trong lịch sử, giá vàng nhẫn niêm yết cao hơn cả giá vàng miếng. Nếu như năm 2023, giá vàng nhẫn thấp hơn giá vàng miếng cả chục triệu đồng/lượng, thì hiện đã xấp xỉ nhau, có thời điểm còn cao hơn giá vàng miếng.
Đây là hiện tượng bất thường, bởi vàng miếng SJC là thương hiệu quốc gia, có tính thanh khoản cao, đóng vai trò như một loại tiền tệ, trong khi vàng nhẫn chỉ là vàng trang sức. Song xét trong bối cảnh các biện pháp quản lý thị trường vàng đang duy trì hiện nay, thì tình trạng trên lại không hề đáng ngạc nhiên.
Cho dù ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép 4 ngân hàng thương mại nhà nước (big 4) và SJC bán vàng miếng trực tiếp cho dân, nhưng chỉ một lượng rất nhỏ người dân có thể mua vàng. Các doanh nghiệp, ngân hàng này đều bán vàng trực tuyến với khối lượng nhỏ giọt, hầu như hết sạch chỉ sau vài phút mở bán.
Vàng miếng khan hiếm, người dân đổ xô chuyển sang vàng nhẫn, khiến vàng nhẫn cũng khan hiếm theo và đắt ngang ngửa với vàng miếng.
Không những thế, thị trường vàng cũng đã xuất hiện nhiều biến tướng, có dấu hiệu hình thành thị trường “chợ đen” vàng miếng và tình trạng thuê xếp hàng, mua lại suất mua vàng... Nguyên nhân là giá vàng mà SJC và big 4 ngân hàng bán ra thấp hơn 2-3 triệu đồng so với thị trường chợ đen, khiến nhiều người tranh thủ mua đi, bán lại kiếm lời.
Dù mục tiêu kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã được NHNN thực hiện thành công, nhưng những bất cập tồn tại trên thị trường vàng cho thấy, cơ chế quản lý thị trường vàng hiện nay vẫn chưa tối ưu.
Trước mắt, các giải pháp hiện tại có thể khiến thị trường vàng tạm lắng, song khi những con sóng này bị “ngầm hóa”, thị trường chợ đen phình to, thì về sau, công tác quản lý sẽ thêm khó khăn.
Đầu tư, tích lũy vàng, “vàng ống bơ” đã trở thành thói quen của người dân. Với đa phần người Việt còn ít am hiểu về thị trường chứng khoán, không có nhiều tiền đầu tư vào bất động sản, thì vàng và tiền gửi tiết kiệm là hai kênh đầu tư phổ biến nhất. Mua bán, tích trữ vàng là quyền lợi hợp pháp của người dân, bên cạnh các hình thức tích lũy tài sản khác như gửi tiết kiệm, mua ngoại tệ, mua đất… Thậm chí, với không ít người, tích lũy vàng còn tốt hơn tích lũy đất, bởi vàng có tính thanh khoản cao, dễ chuyển đổi sang dạng tài sản khác.
Chính vì vậy, cơ quan quản lý cần có thêm các giải pháp dài hạn hơn cho thị trường vàng, bởi mấu chốt để ổn định thị trường là phải cân đối được cung - cầu. Theo đó, thay vì co hẹp nguồn cung, hạn chế mua bán, cơ quan quản lý cần có giải pháp tăng cung bằng cách cho nhập khẩu vàng song hành với biện pháp tác động nhằm giảm mức cầu đối với sản phẩm này.
Vẫn biết, nỗi lo tỷ giá hiện là rào cản lớn nhất khiến cơ quan quản lý lo ngại nếu cho phép nhập khẩu vàng. Song việc chi 2-3 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu vàng có lẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến “kho” ngoại tệ, chưa kể còn có thể kích thích xuất khẩu vàng trang sức để thu ngoại tệ về.
Về giảm cầu, giải pháp quan trọng nhất là đánh thuế hợp lý, minh bạch hóa thị trường vàng, đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cũng như các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… phát triển. Một khi sản xuất, kinh doanh phục hồi, các kênh đầu tư khác phát triển, thì người dân sẽ tự khắc giảm vốn đầu tư vào vàng.
Dĩ nhiên, giải pháp quan trọng nhất để người dân không đổ xô vào vàng là phải kiểm soát được lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Một khi lạm phát tăng cao, tiền đồng mất giá, người dân sẽ càng lao vào vàng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng cần xem xét sửa đổi, có thể thí điểm thực hiện một số giải pháp mới nhằm ổn định thị trường vàng dài hạn, trong đó có việc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng, bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu thấu đáo đề xuất lập sàn vàng, để tránh những tác động bất lợi.
Tiền nhàn rỗi vào ngân hàng lập kỷ lục mới
Số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra, tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế đến tháng 4/2024 đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước đó.
Cụ thể, theo số liệu vừa được NHNN công bố, tính đến cuối tháng 4/2024, tiền gửi cả khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng đạt 13,42 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng liền trước, tương đương khoảng 140.000 tỷ đồng, tăng 0,4% tương đương khoảng 50.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Như vậy, số dư tiền gửi tại các TCTD đã chính thức lập kỷ lục mới sau khi tăng trưởng âm so với cuối 2023 trong ba tháng đầu năm nay. Trong đó, tiền gửi của dân cư đã lên gần 6,72 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm và tiếp tục lập kỷ lục mới. Riêng trong tháng 4/2024, tiền gửi cư dân đã tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,7 triệu tỷ đồng, giảm 1,95% hay hơn 133.600 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 3/2024, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 81.000 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN cho biết tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 4 đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm.
Trước đó, số liệu NHNN đưa ra, đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng là 13,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng liền trước (tăng khoảng 140.000 tỷ đồng), nhưng vẫn giảm 0,5% so với mức đỉnh hồi cuối năm 2023 (giảm khoảng 70.000 tỷ đồng).
Trong đó, tiền gửi của dân cư đã lên gần 6,68 triệu tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm và lập kỷ lục mới. Riêng trong tháng 3, tiền gửi cư dân đã tăng thêm 39.000 tỷ đồng. Tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,62 triệu tỷ đồng, giảm 3,14% hay hơn 210.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 2/2024, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng.
Còn số liệu mới nhất của NHNN, tính đến hết tháng 2, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm. Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng.
Giới phân tích tài chính cho rằng, tiền gửi của người dân tiếp tục lập đỉnh bất chấp lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đã chạm đáy trong tháng 3 và tăng nhẹ trong tháng 4/2024. Đây là mức cao kỷ lục về lượng tiền gửi cá nhân vào hệ thống ngân hàng.
Hiện tín dụng đang dần cải thiện và tính đến cuối tháng 5/2024 dư nợ cho vay đối với nền kinh tế tăng 6% so với đầu năm 2024. Vì thế, các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất tiết kiệm để huy động vốn, chuẩn bị thanh khoản đáp ứng cầu tín dụng tăng dần trong mùa cao điểm cuối năm.
Đến cuối tháng 4/2024, lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại lớn đã nhích lên 4,45%/năm, nhóm ngân hàng thương mại khác lên 4,58% còn Big4 vẫn giữ nguyên. Đến ngày 15/7, lãi suất của các ngân hàng thương mại lớn lớn đã ở mức 4,78%/năm, còn các ngân hàng thương mại khác khác là 5,06%/năm.
Theo dự báo của giới phân tích tàichin1h, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng từ 0,5 đến 1 điểm % trước áp lực từ lãi suất thị trường liên ngân hàng, việc các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng và thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi.
Trong khi đó, lãi suất cho vay được dự báo sẽ đi ngang hoặc chỉ nhích nhẹ trong bối cảnh các ngân hàng, đặc biệt nhóm quốc doanh, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế.
Bà Bùi Thị Thao Ly – Giám đốc Phân tích, chứng khoán Shinhan Việt Nam cho rằng, dù dư địa giảm lãi suất không còn nhiều khi lãi suất huy động bắt đầu tăng trở lại trong tháng 6/2024 ở nhiều ngân hàng với mức tăng bình quân khoảng 0,5%.
Tuy nhiên, thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản các thủ tục cho vay, tiết giảm chi phí, chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng có thể sẽ giảm lãi suất cho vay thêm 0,5-1% từ nay đến cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Trong nửa đầu năm 2024, NHNN đã duy trì lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn không đổi ở mức 3% và 4,5% kể từ tháng 6/2023 dù VND chịu áp lực mất giá khi Fed vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức cao trong thời gian dài để ứng phó với tình trạng lạm phát dai dẳng.
Sau một loạt các biện pháp can thiệp trên thị trường mở, bán ngoại tệ dự trữ, kiểm soát thị trường vàng, tỷ giá đã có dấu hiệu ổn định trở lại từ giữa tháng 4/2024. Đà tăng CPI có dấu hiệu chững lại trong tháng 5/2024 và vẫn trong ngưỡng mục tiêu 4-4,5%.
-
TP.HCM vận hành tuyến metro số 1, người dân nhận thẻ đi metro VikkiGO miễn phí -
Vàng có thể "ngủ đông"; ngân hàng lo thiệt hại nặng vì rủi ro công nghệ -
Mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp trong năm 2025? -
Vàng đối diện áp lực từ USD mạnh, giữ mốc 2.600 USD/ounce nhờ PCE hạ nhiệt -
Lợi nhuận quý IV2024 của Sacombank tăng 68% -
Agribank tham gia hai dự án lớn về tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu -
Kinh doanh tích cực, TPBank được kỳ vọng tăng trưởng cao
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 23/12 -
2 Ngân hàng Nhà nước bán khoảng 2 tỷ USD can thiệp tỷ giá trước áp lực đồng USD mạnh -
3 Tạo cơ chế khác biệt để kích hoạt mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận -
4 Nhà đầu tư ngoại gia nhập cuộc đua làm đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài -
5 Mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp trong năm 2025?
- VPBank 5 năm liên tiếp được Mastercard vinh danh nhiều giải thưởng danh giá
- Beiersdorf Việt Nam được vinh danh “Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2024”
- Công ty SAVISTA ký kết hợp tác với Hiệp hội Bất động sản Bình Dương
- Nhà đầu tư ngày càng chú trọng yếu tố pháp lý của dự án
- Vinamilk đồng hành cùng các đội Robotacon Việt Nam tỏa sáng tại đấu trường quốc tế
- Conic Boulevard bùng nổ giao dịch tại lễ mở bán