Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vàng quốc tế “xô đổ” kỷ lục, giá vàng SJC vượt mốc 74 triệu đồng/lượng
Phạm Anh - 04/12/2023 15:46
 
Một số chuyên gia phân tích cho rằng nền kinh tế đang chậm lại cùng nguy cơ cuộc chiến Israel-Hamas có thể mở rộng sau diễn biến mới ở phía nam Biển Đỏ đã trực tiếp tác động đến giá vàng.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng niêm yết ở mức 73 - 74,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), chiều mua vào tăng 300 nghìn đồng/lượng và chiều bán ra tăng 200 nghìn đồng/lượng so với phiên trước.

Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán ở khoảng 1,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới nới rộng lên gần 13 triệu đồng/lượng.

Nối tiếp đà hứng khởi từ cuối tuần trước, thị trường vàng đã thiết lập mức kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày hôm nay nhờ kỳ vọng về việc lãi suất có thể sẽ được cắt giảm vào năm sau. Đã có thời điểm giá vàng chạm mốc 2.100 USD/ounce.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,11% lên 2.076,96 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York tăng 0,21% lên 2.094,1 USD/ounce, mức giá kỷ lục mới. Theo đó, ngay trong khoảng nửa giờ giao dịch đầu tiên, giá vàng tăng mạnh và ghi nhận mức đỉnh kỷ lục mới tại 2.148 USD/ounce rồi sau đó điều chỉnh nhẹ.

Gareth Soloway, Giám đốc chiến lược tại InTheMoneyStocks.com nhận định, sự bùng nổ trên thị trường vàng được tạo ra nhờ kỳ vọng lãi suất sẽ sớm được giảm trong năm 2024, tiền sẽ được các ngân hàng trung ương tung ra ngoài nhiều hơn và các yếu tố kỹ thuật. Dự kiến trong năm 2024, giá vàng có thể bứt phá lên cột mốc 2.534 USD/ounce (tính toán theo mô hình vai đầu vai ngược).

Kim loại quý vẫn luôn được giới đầu tư ưa chuộng, tìm đến giống như một phương thức an toàn cổ điển để bảo vệ khỏi tác động của lạm phát, suy thoái kinh tế...

Mặc dù chính sách tiền tệ của Fed vẫn gây rủi ro cho vàng, nhưng một số chuyên gia phân tích cho rằng nền kinh tế đang chậm lại đồng nghĩa với động thái tiếp theo của Fed sẽ là cắt giảm lãi suất, có thể sớm hơn dự kiến.

Không chỉ thế, nguy cơ cuộc chiến Israel-Hamas có thể mở rộng thành một cuộc xung đột rộng hơn với ba tàu thương mại bị tấn công ở phía nam Biển Đỏ cũng trực tiếp tác động đến giá vàng.

Mặc dù đa số quan điểm vẫn duy trì sự lạc quan, nhưng một số chuyên gia phân tích khuyến nghị các nhà đầu tư nên thận trọng với vàng ở mức giá hiện tại và không nên "đuổi theo thị trường".

Ông Barbara Lambrecht - Chuyên gia phân tích hàng hóa tại Commerzbank cho rằng giá vàng có thể bị hạn chế đà tăng sau khi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu (8/12) tới.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng 0,21% lên 103,51 điểm.

Đồng USD đã tăng mạnh trong tháng 10 sau đợt bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, sức nóng của đồng USD đã nhanh chóng bị hạ nhiệt trong giai đoạn nửa cuối tháng 11 khi kỳ vọng về các đợt giảm lãi suất có thể diễn ra trong năm 2024. Giới phân tích cho rằng, sự suy yếu của đồng Euro sau báo cáo lạm phát ảm đạm ở khu vực đồng Euro cũng phần nào giúp thúc đẩy đồng bạc xanh.

Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 4/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.939 đồng/USD, tăng 16 đồng so với tuần trước.

Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.743 - 25.135 đồng/USD.

Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.020 đồng/USD (mua vào) và 24.390 đồng/USD (bán ra), giảm 60 đồng mỗi USD.

Đơn đặt hàng mới vẫn giảm vì cầu yếu
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm từ 49,6 trong tháng 10 xuống 47,3 trong tháng 11, dưới 50 điểm trong tháng thứ ba liên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư