Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vào diện kiểm soát đặc biệt, chuyện gì đã xảy ra với Chứng khoán Kenanga Việt Nam?
Tùng Linh - 22/05/2022 09:18
 
Chứng khoán Kenanga Việt Nam hiện không phải thành viên giao dịch tại cả hai sở giao dịch chứng khoán.

Ngày 19/5/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 326/QĐ-UBCK về việc đặt Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Thời hạn kiểm soát đặc biệt từ ngày 19/5/2022 đến ngày 18/9/2022.

Công ty cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam thành lập năm 2007 với quy mô vốn điều lệ đến nay là 135 tỷ đồng. Tháng 11/2008, K&N Kenanga Holdings Berhad góp vốn vào công ty trong đợt tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 135 tỷ đồng với số cổ phần chuyển nhượng là 4,05 triệu đơn vị, tương đương 30% vốn điều lệ.

Giá nhận chuyển nhượng khi đó là 20.000 đồng/cổ phiếu. Theo danh sách cổ đông cập nhật tại thời điểm cuối năm 2014, cổ đông lớn nhất của Chứng khoán Kenanga là K&N Kenanga Holdings Berhad trực thuộc Tập đoàn K&N Kenanga. Nhà đầu tư từ Malaysia trên góp vốn 66,15 tỷ đồng theo giá trị mệnh giá, tương đương nắm giữ 49% vốn. 

.
Cơ cấu cổ đông Chứng khoán Kenanga Việt Nam cuối năm 2014

Hiện tại, Chứng khoán Kenanga Việt Nam không phải thành viên giao dịch tại cả hai sở giao dịch chứng khoán. Theo báo cáo tài chính gần nhất công bố vào năm 2014, ý kiến của đơn vị kiểm toán (Công ty Kiểm toán và định giá Thăng Long) cho biết Chứng khoán Kenanga Việt Nam đã làm thủ tục chấm dứt tư cách thành viên giao dịch tại hai Sở giao dịch chứng khoán trong các năm 2013 và 2014. Thời điểm đó, công ty có sự thay đổi lớn về nhân sự, chưa đề ra kế hoạch kinh doanh hay kế hoạch nhân sự tương lai.

Tháng 9/2015, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã có quyết định ngừng cung cấp hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán đối với Chứng khoán Kenanga Việt Nam do Sở Giao dịch chứng khoán đã chấm dứt tư cách thành viên giao dịch.

Theo cập nhật từ cơ quan thuế, Chứng khoán Kenanga Việt Nam vẫn đang hoạt động với người đại diện pháp luật là ông Cao Văn Sơn. Ông Sơn sở hữu trực tiếp 8,89% vốn của công ty. Ông còn được biết đến là một trong số ít người từng nhập khẩu và sở hữu máy bay loại 2 chỗ ngồi thông qua Công ty cổ phần Hàng không Hành tinh Xanh - công ty do ông Sơn là người đại diện pháp luật cho đến tháng 9/2020.

Nội bộ cổ đông tại Chứng khoán Kenanga Việt Nam đã có mâu thuẫn lớn trong gần chục năm qua. Từng có cuộc họp hội đồng quản trị bầu chủ tịch HĐQT mới thay thế ông Cao Văn Sơn nhưng hai thành viên HĐQT gồm ông Cao Văn Sơn và con gái (bà Cao Khánh Phương) không ký vào biên bản cuộc họp. Cổ đông ngoại cũng có đơn thư tố cáo ông Cao Văn Sơn cố tình chiếm giữ con dấu, tài khoản, tài sản của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam.

Đến cuối năm 2014, quy mô tài sản của công ty chứng khoán này xấp xỉ 97,5 tỷ đồng, tập trung ở hai tài sản chính của công ty gồm 41 tỷ đồng tiền (chủ yếu là tiền gửi ngân hàng) và 45,6 tỷ đồng đầu tư tài chính. Trong đó, một khoản đầu tư tài chính hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty Ngọc Linh với số tiền góp hợp tác là 19 tỷ đồng đã được hoàn trả phần lớn vào đầu năm 2015. Một khoản đầu tư khác là vào hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư với công ty bất động sản Đông Á (22 tỷ đồng) với mục đích hợp tác đầu tư nhằm hoàn thiện và đưa vào kinh doanh dự án “Khu resort cầu Hoà Bình, Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hoá”. 

Chứng khoán Kenanga Việt Nam không vay nợ ngân hàng. Nguồn vốn của công ty phần lớn đến từ vốn tự có gồm vốn góp của các cổ đông trừ đi phần lỗ luỹ kế do kinh doanh thua lỗ các năm trước đó. 

Điều 16, Thông tư 91/2020/TT-BTC 

1. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau:

a) Tỷ lệ vốn khả dụng do công ty tự tính hoặc đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận dưới 120%;

b) Không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời hạn mười hai (12) tháng quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư này;

c) Không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong hai (02) kỳ báo cáo liên tiếp, hoặc không thực hiện kiểm toán hoặc soát xét báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính hoặc không công bố thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư này;

d) Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số các chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%.

2. Thời hạn kiểm soát đặc biệt không quá bốn (04) tháng, kể từ ngày tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Nỗ lực minh bạch thông tin
Loạt biện pháp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng các sở giao dịch chứng khoán đang được triển khai để gia tăng tính minh bạch thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư