Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Vay trả góp: Cách tính lãi suất nào có lợi cho người lao động?
Như Loan - 05/07/2023 08:15
 
Đa số người lao động khi vay tiêu dùng đều chỉ nhận được thông báo mỗi chu kỳ phải trả bao nhiêu mà không biết cách các ngân hàng, tổ chức tín dụng tính ra số lãi đó, cũng không biết cách tính lãi đó có lợi cho mình không.

Năm 2023, anh Trung quyết định vay tiền mua xe ô tô để làm tài xế công nghệ. Một ngân hàng có hội sở tại TP.HCM duyệt vay và thông báo mỗi tháng, anh cần trả gần 10 triệu đồng/tháng, bao gồm cả gốc lẫn lãi cho khoản vay 400 triệu đồng trong 5 năm (60 tháng), lãi suất dự kiến là 8,4%/năm (0,7%/tháng). Tất nhiên, anh đồng ý vay để mưu sinh, nhưng không khỏi thắc mắc có mấy cách tính lãi và cách tính nào thì có lợi nhất.

f
Cách tính lãi nào có lợi nhất là thắc mắc của nhiều người tiêu dùng.

Hai cách tính lãi suất vay trả góp

Khoản vay mà anh Trung thực hiện là khoản vay trả góp, tức là ngân hàng sẽ chia số tiền 400 triệu thành 60 kỳ trả góp khác nhau. Mỗi kỳ trả góp đó, ngoài khoản tiền gốc, anh Trung phải trả thêm tiền lãi suất.

Hiện các ngân hàng thường áp dụng hai hình thức lãi suất khác nhau. Lãi suất cố định là khoản lãi lặp đi lặp lại, được ấn định vào thời điểm bắt đầu vay và không thay đổi trong suốt thời gian vay. Lãi suất thả nổi, hay lãi suất linh hoạt, là mức lãi suất có thể thay đổi vào những khoảng thời gian nhất định (3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng) trong suốt quá trình vay, tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng. Căn cứ thay đổi lãi suất thả nổi là sự biến động của thị trường, chính sách điều hành của ngân hàng trung ương và tỷ lệ lam phát.

Ngoài hai hình thức lãi suất trên, các ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng đang áp dụng hai cách tính lãi suất trả góp là tính trên dư nợ gốc và tính trên dư nợ giảm dần.

Dư nợ gốc là số tiền ngân hàng cho vay, là số tiền 400 triệu đồng mà anh Trung vay được. Tính lãi trên dư nợ gốc, số tiền anh Trung phải trả hàng tháng sẽ gồm Tiền gốc hàng tháng (400 triệu đồng/60 tháng = 6.666.667 đồng) + Lãi cố định hàng tháng (400 triệu x 0,7% = 2.800.000 đồng). Như vậy, số tiền bắt buộc phải trả hàng tháng sẽ là 9.466.667 đồng. Số tiền này sẽ không thay đổi trong suốt chu kỳ vay, tức là tháng thứ nhất, anh Trung vẫn phải trả 9.466.667 đồng và đến tháng thứ 59, anh vẫn phải trả 9.466.667 đồng trong đó có 6.666.667 đồng tiền gốc. Số tiền gốc này cũng sẽ không thay đổi trong cả hai cách tính dựa trên dư nợ gốc hay dựa trên dư nợ giảm dần.

Trong cách tính theo dư nợ giảm dần, Tiền gốc hàng tháng vẫn cố định, nhưng Tiền lãi thì tính trên tiền gốc còn lại. Cụ thể, Lãi trên tiền gốc còn lại sẽ bằng Tiền gốc còn lại x Lãi suất vay. Theo đó, số tiền anh Trung phải trả trong tháng đầu là 6.666.667 đồng + (400 triệu x 0,7% = 2.800.000 đồng) = 9.466.667 đồng. Tuy nhiên, từ tháng thứ 2, số tiền phải trả sẽ giảm xuống, chỉ bằng 6.666.667 đồng + (393.666.667 đồng x 0,7%) = 9.420.000 đồng. Tháng thứ 3 số tiền sẽ chỉ còn 9.373.333 đồng. Càng ngày số tiền phải trả sẽ ngày càng ít dần.       

                                            Bảng so sánh lãi trên dư nợ gốc và lãi trên dư nợ giảm dần

Tính lãi trên dư nợ gốc

Tính lãi trên dư nợ giảm dần

Số tiền phải trả hàng tháng = Gốc hàng tháng + Lãi suất trên dư nợ gốc

Số tiền phải trả hàng tháng = Gốc hàng tháng + Lãi suất trên dư nợ giảm dần

Tháng thứ nhất phải trả: 9.466.667 đồng

Tháng thứ nhất phải trả: 9.466.667 đồng

Tháng thứ hai phải trả: 9.466.667 đồng

Tháng thứ hai phải trả: 9.420.000 đồng

Tháng thứ ba phải trả: 9.466.667 đồng

Tháng thứ ba phải trả: 9.373.333 đồng

Đâu là cách tính có lợi cho người lao động nhất?

Thoạt nhìn, cách tính lãi trên dư nợ ban gốc sẽ dễ hiểu hơn so với cách tính lãi trên dư nợ giảm dần. Nhưng những người am hiểu thì cho rằng, trên thực tế, các tổ chức tín dụng sẽ có cách điều chỉnh khéo léo nhằm đảm bảo lợi nhuận. Cụ thể và dễ nhận biết hơn cả là việc có thể quy định mức lãi trên dư nợ giảm dần sẽ cao hơn một chút so với mức lãi trên dư nợ gốc, từ đó cân bằng tổng mức lợi nhuận của cả hai cách tính. 

f
Với khoản vay tiêu dùng ngắn hạn, việc tính lãi trên dư nợ ban đầu có lợi hơn khi người vay có thể thu xếp trả nợ trong thời gian ngắn.

Mỗi cách tính lãi suất lại có một ưu điểm riêng. Lãi trên dư nợ giảm dần sẽ có lợi cho những người vay tiền để mua ô tô, nhà đất và thời gian trả nợ từ 5 năm trở lên. Khi đó, gánh nặng trả nợ sẽ được chia nhỏ và giãn dần vào giai đoạn cuối. Cộng với việc các tài sản trên có thể tạo thêm thu nhập cho người vay thì việc trả nợ sẽ không còn quá nặng nề. Còn với các khoản vay có thời gian ngắn hơn, chủ yếu là vay tiêu dùng thì việc tính lãi trên dư nợ ban đầu lại có lợi hơn khi người vay có thể chủ động sắp xếp tài chính trong một thời gian ngắn, với những khoản nợ cố định hàng tháng.

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng đều ưu tiên cho vay theo lãi trên dư nợ giảm dần nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thể lựa chọn các gói vay dài hạn, qua đó gián tiếp hạ thấp số tiền phải trả hàng tháng. Tuy nhiên, quyền quyết định lựa chọn gói vay nào, cách tính lãi như thế nào vẫn thuộc về khách hàng và khách hàng cần căn cứ vào nhu cầu thực tế cũng như tình hình tài chính của mình để đưa ra quyết định cuối cùng.

Cho vay trả góp: Thêm minh bạch để bớt phiền hà
Việc tạo điều kiện để các công ty tài chính (CTTC) có tư cách pháp nhân rõ ràng mở rộng hoạt động và đảm bảo sự minh bạch là một giải pháp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư