Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
VBF 2020: Doanh nghiệp Hàn Quốc "than" khó đầu tư dự án quy mô lớn
Lê Quân - 22/12/2020 14:40
 
Việc cấp phép một số dự án quy mô lớn của Hàn Quốc tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh bị chậm trễ do thiếu hướng dẫn pháp lý rõ ràng, gây khó khăn trong hoạt động đầu tư.
Đại diện Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) kiến nghị tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020. Ảnh: Dũng Minh
Đại diện Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) kiến nghị tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020. Ảnh: Dũng Minh

Đại diện Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) phản ánh bất cập này tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức sáng nay 22/12.

Ông Kim HanYong, Chủ tịch KoCham cho hay, gần đây Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt thỏa thuận về việc doanh nhân tới Việt Nam dưới 14 ngày với mục đích kinh doanh sẽ được miễn cách ly bắt buộc, với điều kiện phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn về cách ly theo quy định của cơ quan chức năng trong thời gian lưu trú tại Việt Nam. "Hành động thiện chí này sẽ rất hữu ích trong việc thúc đẩy nền kinh tế của cả Hàn Quốc và Việt Nam trong tình hình Covid-19", đại diện KoCham đánh giá, đồng thời hy vọng các chuyến bay thương mại thường xuyên giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ sớm được nối lại trong tương lai gần.

Liên quan đến những bất cập về giấy phép của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim HanYong cho biết: "Tôi đã được nghe về những khó khăn của doanh nghiệp Hàn Quốc khi xin giấy phép tại Việt Nam".

Giữa Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với tình hình kinh tế thời dịch. Tuy nhiên, việc cấp phép cho một số dự án quy mô lớn của Hàn Quốc tại Hà Nội và TP. HCM đã bị chậm trễ do thiếu hướng dẫn pháp lý rõ ràng, và điều này gây nhiều khó khăn trong hoạt động đầu tư.

Do vậy, KoCham mong rằng tình trạng này sẽ được xem xét và phía Việt Nam cần có hướng dẫn rõ ràng về việc thực hiện quy định để chính quyền địa phương nắm rõ. Điều này sẽ giúp chính quyền địa phương kịp thời cấp giấy phép cho các dự án bị chậm tiến độ.

Về phát triển năng lượng, đại diện KoCham khuyến nghị, để hỗ trợ tăng trưởng bền vững, nguồn cung cấp điện ổn định là vấn đề quan trọng mà Chính phủ Việt Nam cần xem xét. Chính phủ Việt Nam cân nhắc việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Được biết Bộ Công Thương Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (Quy hoạch điện VIII) giai đoạn 2021-2030. "Việc mở rộng các nguồn năng lượng mới và tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời sẽ là ưu tiên hàng đầu mà chính phủ Việt Nam theo đuổi, và chúng tôi đều nhất trí với nghị trình này", ông Kim HanYong nói.

Các nhà máy điện chịu tải chính trong lưới điện với năng lực sản xuất điện ổn định không bị gián đoạn sẽ đóng vai trò thiết yếu đối với Quy hoạch điện 8. "Để hướng đến mục tiêu này, hiện nay là thời điểm vô cùng thích hợp để Việt Nam cân nhắc phát triển điện hạt nhân, vốn đã bị ngưng lại trước đây trong quy hoạch trung - dài hạn", đại diện KoCham nêu.

"Chúng tôi sẽ có thể hợp tác với Chính phủ Việt Nam để cung cấp điện ổn định trong tương lai vì Hàn Quốc đã có rất nhiều kinh nghiệm và bí quyết trong vận hành sản xuất của nhà máy điện hạt nhân", ông Kim HanYong nói thêm.

Phản hồi ý kiến của phía KoCham, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết: "Bộ Công thương đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Theo đó, sau năm 2035, chúng ta sẽ xem xét đến vấn đề điện hạt nhân".

Diễn đàn VBF: Vai trò của cộng đồng FDI trong phát triển nhanh và bền vững
"Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững” là chủ đề của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư