Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VCCI đề nghị có Sách trắng về các giải pháp gỡ bỏ rào cản với hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ của Việt Nam 2017-2019
Khánh An - 20/08/2019 11:48
 
Đề xuất này được đưa ra trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về giải pháp ứng phó các tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, vừa được Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc ký gửi Thủ tướng Chính phủ.

VCCI cho rằng, đây là một trong những giải pháp tốt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Trên thực tế, Chính phủ đã triển khai liên tục việc giảm bớt các rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ, tăng cường sở hữu trí tuệ  và đã có những kết quả ban đầu tích cực.

Có thể nhắc đến các hành động cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại trong xuất nhập khẩu (đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu); các đợt rà soát cắt giảm và minh bạch hóa các điều kiện kinh doanh; chủ động mở cửa cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài rộng hơn so với cam kết (ví dụ phân phối bán lẻ, dịch vụ chuyên môn, vận tải biển ven bờ…) cũng như việc sửa Luật Sở hữu trí tuệ, các hoạt động nhằm tăng cường hiệu quả thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

“Tuy nhiên, việc này chưa được tổng hợp đầy đủ, chưa được truyền thông rõ ràng ra bên ngoài. Việc có Sách trắng về các giải pháp gỡ bỏ rào cản với hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ của Việt Nam 2017-2019 là kênh thông tin chính thức về các nỗ lực của Việt Nam liên quan đến các vấn đề trên”, ông Vũ Tiến Lộc lý giải.

Nội dung của Sách trắng cần tập trung vào những khía cạnh, lĩnh vực, vấn đề mà phía Mỹ quan tâm hoặc có lợi ích, chính thức làm rõ các thông tin liên quan đến Chính phủ Mỹ và các lực lượng khác có khả năng tác động tới chính sách thương mại của Mỹ với Việt Nam. 

Liên quan đến nhóm các giải pháp nội bộ Việt Nam, VCCI nhấn mạnh đến các giải pháp chống gian lận thương mại, ngăn chặn hàng hóa nước khác lấy danh Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ, khiến thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bị thổi phồng một cách giả tạo.

Các biện pháp chống gian lận xuất xứ cần tập trung vào các nguồn có nguy cơ cao, cần được thực hiện một cách quyết liệt, với sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan liên quan.

VCCI cũng kiến nghị cần có giải pháp tuyên truyền tích cực kịp thời. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang bị thiệt hại chứ không phải đang được hưởng lợi từ cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về giải pháp ứng phó các tác động từ căn thẳng thương mại Mỹ - Trung tới xuất khẩu và FDI Việt Nam, VCCI đã đưa ra cảnh báo tác động tiêu cực dựa trên các số liệu về xuất khẩu và thu hút đầu tư FDI nửa đầu năm 2019, trong so sánh với các số liệu tương tự của cùng kỳ 2018 (giai đoạn liền trước thời điểm cuộc căng thẳng thương mại trên bùng phát).

Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang bị giảm tốc nghiêm trọng. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam là 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2018. Kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng, nhưng chỉ bằng một nửa tốc độ tăng nửa đầu năm 2018 (16%).

Xét theo từng thị trường, hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn đều chứng kiến sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019 so với nửa đầu năm 2018. Thị trường Nhật Bản giảm tốc khoảng ¼, ASEAN giảm gần 2/3, Hàn Quốc giảm 4/5; cá biệt, thị trường Trung Quốc có mức giảm tốc tới 28 lần so với nửa đầu 2018 (từ 28% xuống chỉ còn 1%). Thị trường EU thậm chí còn tăng trưởng âm (-0.4%).

 Về thu hút FDI, vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đang giảm nhanh từ tất cả các nguồn chính. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN là 18,47 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ 2018.

Đáng chú ý là FDI từ tất cả các nguồn chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ 2018 (ví dụ FDI từ Nhật Bản giảm 70%, từ Hàn Quốc giảm 46%, từ Thái Lan giảm 35%, từ Mỹ giảm 9%, từ Singapore giảm 8%...) ngoại trừ Trung Quốc và các nguồn có liên quan tới Trung Quốc (Hồng Kông, Đài Loan).

Điều này hầu như trái ngược hoàn toàn với nhiều nhận định lý thuyết, rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ đón dòng vốn FDI chuyển hướng từ Trung Quốc.

“Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của căng thẳng thương mại này, bên cạnh những nỗ lực đã và đang rất hiệu quả, trong thời gian tới có thể Chính phủ sẽ phải cân nhắc thêm một số biện pháp bổ sung để đối phó trực tiếp với tình hình này, qua đó nỗ lực giảm thiểu các tác động bất lợi cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tới  Việt Nam, ít nhất là từ góc độ xuất khẩu và thu hút FDI”, ông Vũ Tiến Lộc viết trong kiến nghị gửi Thủ tướng.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội với đầu tư, nhưng khó lường với thương mại
Trong khi cơ hội thu hút đầu tư đối với Việt Nam là khá rõ, thì với thương mại, tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại được xem là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư