Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
VCCI lại lo ngại có sự can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp
Khánh Linh - 25/01/2024 06:43
 
Còn nhiều ý kiến doanh nghiệp không đồng tình với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Trong văn bản vừa gửi Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản ánh của doanh nghiệp đối với Dự thảo và các quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

“Các doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP”, VCCI nhấn mạnh trong văn bản trên.

Theo quy định, xe hợp đồng không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký. Ảnh minh họa

Đây là quy định về kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng, trong đó quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết. 

Xe hợp đồng không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.

Khoản 3 điều 7 cũng quy định hình thức vận tải theo hợp đồng không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh;

Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Trong phiên bản thẩm định tháng 11/2023, điểm a khoản 3 Điều 2 Dự thảo quy định, đơn vị kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP “không được đón, trả khách từ 03 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong một tháng tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác”.

VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp đánh giá các quy định trên là không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, VCCI giải trình, hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp không thể kiểm soát/dự đoán được nhu cầu của khách hàng về các điểm đón, trả khách, vì vậy yêu cầu “trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị” là quá cứng nhắc, gây khó khăn cho hoạt động, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (khi phải từ chối các yêu cầu của khách nếu vượt quá tần suất chuyến theo quy định). Yêu cầu “chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe)” khiến cho doanh nghiệp không tối ưu trong việc khai thác tài sản để đáp ứng nhu cầu của khách hàng (muốn đi ghép để chia sẻ chi phí).

Quy định này vừa khó quản lý trên thực tế, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. VCCI phân tích, nhu cầu của khách hàng là rất đa dạng, việc khống chế đơn vị vận tải về tỷ lệ không vượt quá 30% tổng số chuyến trong một tháng ở cùng một địa điểm, sẽ không được tự do lựa chọn đơn vị vận tải mà phải lựa chọn đơn vị vận tải khác, loại hình vận tải khác khi muốn di chuyển.

“Yêu cầu “chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe)” có thể khiến khách hàng không thể chia sẻ chi phí với người khác và gây ra lãng phí về nguồn lực xã hội”, văn bản của VCCI viết.

VCCI cho rằng, việc thiết kế cơ chế quản lý bằng cách can thiệp trực tiếp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp dường như chưa thật phù hợp và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng phải nói thêm, mặc dù đã có văn bản góp ý từ Dự thảo tại thời điểm lấy ý kiến và tham gia ý kiến tại cuộc họp thẩm định vào tháng 11/2023 tại Bộ Tư pháp, nhưng vì còn ý kiến của doanh nghiệp, nên VCCI tiếp tục gửi kiến nghị.

“Đây là văn bản quy phạm pháp luật nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô”, VCCI lý giải.

Cũng trong văn bản này, VCCI cũng kiến nghị cân nhắc, xem xét lại việc bổ sung hai trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh trong Dự thảo. Vì đây là chế tài tác động rất lớn đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh.
Việc bổ sung trường hợp "không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và pháp luật khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền”, theo VCCI, là quy định chưa đủ rõ ràng, cụ thể về xác định hành vi vi phạm và phạm vi quá rộng.
Điều này có thể tạo ra nguy cơ cho các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh, VCCI bày tỏ lo ngại.
Bộ Giao thông Vận tải lập 4 đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Các đoàn kiểm tra sẽ đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; xử lý tồn tại, vi phạm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư