Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VEPR: Cảnh giác về bong bóng tài sản, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần thực chất hơn
T.L - 20/04/2021 16:02
 
Tại buổi Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý I/2021 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) sáng 20/4, các chuyên gia cũng đề nghị tiếp tục chính sách lãi suất, tỷ giá ổn định.
TIN LIÊN QUAN
f

Bong bóng tài sản hình thành, điều hành chính sách tiền tệ sẽ khó khăn hơn

 Theo cảnh báo của VEPR, tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản hiện đang ở mức đáng lưu ý.

Năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể do trở thành nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Tuy nhiên, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn. Ngoài ra, vốn rẻ năm 2020 đã khiến dòng tín dụng không đi trực tiếp vào nền sản xuất mà chủ yếu đi vào các kênh tiêu dùng hàng nhập khẩu và giao dịch tài sản như chứng khoán, bất động sản.  

Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải (wealth effect) thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu. Điều này dẫn tới sự lan tỏa của sự tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng, dù chậm chạp, nhưng có thể cảm nhận được.
Đây cũng là một biểu hiện của hiện tượng tăng giá khi chính sách nới lỏng tiền tệ được theo đuổi trong thời gian đủ dài.

“Đây là thời điểm khó khăn trong chính sách tiền tệ vì việc thắt chặt trở lại trong bối cảnh nền sản xuất vẫn chưa có cải thiện ở cấp độ căn bản, sẽ dẫn tới khó khăn hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp thực”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định.

Mặc dù vậy, theo chuyên gia này, trong mọi tình huống, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định, là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.

GDP có thể tăng 6,3%, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải thực chất hơn

VEPR dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 6,0-6,3%. Dù lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa vĩ mô, rủi ro đang tiếp tục tích lũy.

Ngoài cảnh báo thận trọng về bong bóng tài sản, VEPR cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai, bên cạnh đó cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành.

Trong trường hợp có các ý tưởng chính sách để hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cụ thể, thì các chính sách này cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hãng, thay vì tài trợ trực tiếp cho hãng.

“Chúng tôi cho rằng việc giãn/giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế TNDN, vì giảm thuế TNDN chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Từ đó, việc giảm thuế TNDN còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch”, báo cáo của VEPR nêu rõ.

Trái phiếu doanh nghiệp giảm nhiệt

Theo nghiên cứu của VEPR, trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có dấu hiệu giảm nhiệt sau khi khung pháp lý có nhiều thay đổi quan trọng theo hướng siết chặt.   

Luỹ kế đến tháng 2/2021, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 15.562 tỷ đồng, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 11.428 tỷ đồng.

Nguyên nhân đến từ những thay đổi theo Nghị định số 81/2020/NĐ-CP về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2018 quy định về phát hành TPDN”, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/09/2020.

Cụ thể, trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trừ trường đặc biệt. Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác.

Nghị định này được ban hành giúp lành mạnh hóa và giảm rủi ro khi nhà đầu tư tham gia, gia tăng đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời kiểm soát sự tăng trưởng nóng của thị trường TPDN, tránh ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường trái phiếu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư