Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Vệt xước” tại hai dự án cao tốc Bắc - Nam
Bảo Như - 29/10/2022 08:19
 
Không có sai sót, vi phạm lớn được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận trong quá trình triển khai Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Dự án BT xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan...
Thi công tại Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn 	Ảnh: A.M
Thi công tại Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn.      Ảnh: A.M

Tuy nhiên, vẫn có những “vệt xước” tại các dự án này, như tiến độ công trình không được đảm bảo như kế hoạch đề ra.

Vỡ tiến độ nhiều lần

Theo thông tin của Báo Đầu tư, sau hơn 3 tháng triển khai liên tục, Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Thông báo số 566/TB-KTNN thông báo kết quả kiểm toán Dự án thành phần đầu tư xây dựng thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (đoạn Cam Lộ - La Sơn) và Dự án Phân kỳ đầu tư giai đoạn I - Xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng) theo hình thức hợp đồng BT.

Đây là hai dự án nằm trong tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông - Vận tải) thực hiện vai trò đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Dự án La Sơn - Túy Loan) và chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước (Dự án Cam Lộ - La Sơn).

Điểm nhấn nổi bật nhất trong Thông báo số 566/TB-KTNN là việc Kiểm toán Nhà nước đã không phải dùng cụm từ “sai phạm” một lần nào. Bên cạnh đó, những kiến nghị đối với cơ quan quản lý Dự án cũng chỉ ở mức kiểm điểm, rút kinh nghiệm cho những sai sót được phát hiện.

Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có tổng chiều dài xây dựng là 98,35 km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.675 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Giai đoạn đầu, Dự án được đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12 m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc này sẽ có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan giai đoạn I có chiều dài 77,5 km, với quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12 m (trước mắt chỉ đầu tư 66 km đoạn La Sơn - Hòa Liên; 11,5 km đoạn Hòa Liên - Túy Loan giữ nguyên đường hiện trạng đang khai thác, chưa đầu tư mở rộng), tổng mức đầu tư là 11.485 tỷ đồng. Dự án triển khai theo hình thức BT, vay vốn ngân hàng Nhật Bản có bảo lãnh Chính phủ (510 triệu USD).

Theo một số chuyên gia, với quy mô vốn đầu tư cả hai dự án lên tới 18.161 tỷ đồng, có độ phức tạp cao về mặt kỹ thuật, địa bàn trải dài qua nhiều địa phương, tổng số tiền bị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu xử lý tài chính chỉ khoảng 4,6 tỷ đồng, thì ở chừng mực nào đó, công tác quản lý, triển khai Dự án Cam Lộ - La Sơn và Dự án La Sơn - Túy Loan đã triển khai tương đối tốt.

Cũng cần phải nói thêm rằng, cả 2 dự án nói trên đều đã ít nhất một lần được Kiểm toán Nhà nước “soi” với hàng loạt kiến nghị giúp quá trình triển khai công trình đi đúng hướng.

Mặc dù vậy, tại Thông báo số 566/TB-KTNN, Kiểm toán Nhà nước vẫn chỉ ra một số sai sót làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công trình. Cụ thể, “vết xước” lớn nhất tại 2 dự án này là tiến độ công trình không được đảm bảo như kế hoạch đề ra.

Cụ thể, Dự án Cam Lộ - La Sơn khởi công năm 2019, dự kiến hoàn thành năm 2021. Tuy nhiên, Dự án phải gia hạn đến ngày 31/10/2022. Đến cuối tháng 10/2022, do khối lượng còn lại tại đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 99 km, quy mô 2 làn xe đi qua Quảng Trị và Thừa Thiên Huế này vẫn còn khá nhiều, nên khả năng mốc tiến độ hoàn thành vào ngày 31/10/2022 sẽ tiếp tục phải điều chỉnh.

Đối với Dự án La Sơn - Túy Loan, tiến độ triển khai thi công còn nhiều trắc trở hơn. Dự án này được khởi công năm 2015, dự kiến hoàn thành năm 2018, tiến độ dự án được gia hạn đến ngày 30/6/2022.

Dự án được nghiệm thu và bàn giao từng gói thầu cho đơn vị quản lý vào tháng 12/2021; được thông xe đưa vào sử dụng có điều kiện vào tháng 4/2022. Đến thời điểm kiểm toán, các gói thầu đã cơ bản hoàn thành theo tiến độ điều chỉnh, ngoại trừ Gói thầu XL31 thuộc đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan (đoạn tuyến được tách ra, đầu tư bằng nguồn vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông - Vận tải) và điểm sụt trượt tại Km46+800-Km47+50 của Gói thầu XL12 do được giao mặt bằng để xử lý khắc phục.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ hai dự án chủ yếu do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; ảnh hưởng bão lụt năm 2020 gây sụt trượt một số đoạn, ngập lụt, chia cắt đường công vụ; ảnh hưởng của dịch Covid-19; một số địa phương yêu cầu cách ly đối với người ở và đi qua vùng dịch, nên ảnh hưởng lớn đến việc huy động máy móc, thiết bị, nhân công; giá cả vật liệu, nhiên liệu năm 2022 biến động lớn...

“Ngoài ra, tại Dự án Cam Lộ - La Sơn, tại một số thời điểm, một số nhà thầu chưa huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực; biện pháp tổ chức thi công chưa phù hợp...; thiết kế một số hạng mục chưa phù hợp, phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện. Hạn chế này thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá.

Cần phải nói thêm, nếu được hoàn thành đúng tiến độ, Dự án Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan kết hợp với đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ góp phần “đóng mạch” tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài hơn 310 km, nối Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi, tạo xung lực lớn trong phát triển kinh tế cho toàn bộ khu vực Nam Trung Bộ.

“Nợ” kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

Liên quan công tác khảo sát, thiết kế, dự toán và điều chỉnh thiết kế, dự toán, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận, tại Dự án La Sơn - Túy Loan, công tác lập dự toán còn một số sai sót dẫn đến giá trị dự toán được duyệt chưa chính xác, như sai khối lượng quét nhựa đường cống tròn, tính thừa khối lượng vận chuyển và san ủi bãi thải đất cấp 3, cấp 4 (theo phân cấp đất xây dựng) đổ đi tại một số hạng mục, chưa kịp thời cập nhật định mức lắp dựng dầm cầu trên cạn đối với phần cầu bổ sung giai đoạn II... Các sai sót làm tăng giá trị dự toán của các gói thầu 4,66 tỷ đồng.

Tại Dự án Cam Lộ - La Sơn, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, công tác khảo sát mỏ vật liệu đất chưa phù hợp với thực tế hiện trường, quá trình triển khai phải điều chỉnh, thay đổi ở một số gói thầu. Cũng tại dự án này, phương án tận dụng đất tại Gói thầu XL7 chưa đảm bảo tối ưu về hiệu quả kinh tế. Thiết kế, dự toán ban đầu chưa nghiên cứu, tính toán phương án tận dụng đất cấp 4 trong điều kiện khan hiếm nguồn vật liệu đắp để tiết kiệm nguồn tài nguyên và giảm chi phí triển khai gói thầu.

“Chủ đầu tư phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và tăng cường quản lý các công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán, quản lý tiến độ, quản lý chi phí đầu tư, nghiệm thu thanh quyết toán để đảm bảo dự án triển khai đạt hiệu quả, tiết kiệm”, bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó tổng kiểm toán Nhà nước yêu cầu.

Một hạn chế khác tại hai dự án được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại các cuộc kiểm toán trước chưa rốt ráo.

Cụ thể, tại Dự án Cam Lộ - La Sơn, các đơn vị liên quan mới thực hiện số liệu kiến nghị xử lý tài chính 211,641 triệu đồng, số còn lại chưa thực hiện là 297 triệu đồng; số kiến nghị xử lý khác chưa thực hiện là 11,37 tỷ đồng. Nguyên nhân được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận là do nhà đầu tư BT đang trong thời gian tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại Dự án La Sơn - Túy Loan, các đơn vị liên quan đã thực hiện 100% số liệu kiến nghị kiểm toán của cuộc kiểm toán niên độ 2018, 2020; tổng số kiến nghị niên độ 2016 còn lại chưa thực hiện 4,6 tỷ đồng (tại Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án trọng điểm huyện Phú Lộc; Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng; UBND TP.Đà Nẵng). Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do các hộ dân chưa nộp trả lại tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Kiểm toán Nhà nước khẳng định, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của đơn vị; chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, viên chức và người lao động. Do đó, đối với các tồn tại mà Kiểm toán Nhà nước đã nêu, trong phạm vi quyền hạn và nhiệm vụ được giao, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu đơn vị qua từng thời kỳ.

Tại Thông báo số 566/TB-KTNN, Tổng kiểm toán Nhà nước yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Công ty TNHH đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Bộ Giao thông - Vận tải cần sớm chấn chỉnh, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân còn để xảy ra sai sót trong công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán.

“Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo đơn vị thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo Báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán tại các đơn vị và báo cáo kết quả thực hiện về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 31/12/2022”, Thông báo số 566/TB-KTNN nêu rõ.

[Infographic] Toàn cảnh cao tốc La Sơn - Túy Loan
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Túy Loan là dự án giao thông quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của TP. Đà Nẵng, tỉnh Thừa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư