Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vì đâu người nông dân bị móc túi
Mạnh Bôn - 20/07/2013 10:20
 
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang bị thiệt khi giá đầu vào tăng cao, giá đầu ra giảm mạnh, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu không tổ chức được chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua hệ thống HTX, thì cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng đều bị móc túi. >>> Làm thị trường kiểu… nông dân
TIN LIÊN QUAN

Sản xuất nông nghiệp vốn rất khó khăn, nhưng chưa bao giờ lại gặp khó như năm nay?

Chỉ cần nhìn vào con số thống kê hàng tháng, hàng quý của các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã thấy, chưa bao giờ sản xuất nông nghiệp khó khăn như năm nay. Cụ thể, giá hàng nông sản xuất khẩu rớt thảm hại (so với tháng 6/2012, giá cao su giảm 19,3%; giá hạt điều giảm 14,8%; giá gạo giảm 12,8%...) Trong khi đó, giá đầu vào của sản xuất, chăn nuôi lại tăng cao.

Ở thị trường trong nước, giá đầu ra của hàng nông sản trong 6 tháng đầu năm giảm 2,23%, nhưng các mặt hàng thiết yếu nông dân phải sử dụng lại tăng giá như thuốc và dịch vụ y tế tăng tới 13,88%; thiết bị gia đình tăng 2,46%; hàng may mặc, giày dép… tăng 3,85%.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa

Có thể nói, người sản xuất nông nghiệp không chỉ bị thiệt kép mà họ bị thiệt tới 3 lần. Điều đáng nói là, họ đang bị lỗ, giá bán sản phẩm tại ruộng, vườn, ao rất thấp, nhiều khi thấp hơn giá thành, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua lương thực, thực phẩm với giá cao, có khi gấp 2-3 lần giá người sản xuất bán ra. Người sản xuất bị ép giá xuống, người tiêu dùng bị đẩy giá lên. Toàn bộ lợi nhuận đã bị rơi vào khâu lưu thông. Đây là nghịch lý tồn tại từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Nghịch lý kể trên, theo nhiều chuyên gia kinh tế là do nền kinh tế chưa xây dựng được chuỗi phân phối từ sản xuất đến tiêu dùng?

Trước đây, Việt Nam đã xây dựng được chuỗi phân phối từ sản xuất đến tận tay người tiêu dùng thông qua hệ thống HTX mua bán. Hệ thống này đã bị xóa sổ vì không phù hợp với cơ chế thị trường. Chỉ tiếc là, sau đó, chúng ta phó mặc cho thị trường điều tiết và hệ quả của sự buông lỏng này là vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… phải qua 3-4 cầu mới đến được người sản xuất và qua mỗi cầu như vậy, giá bị đội lên 10-20%. Giá nông sản cũng phải đi qua 3-4 cầu mới đến được người tiêu dùng và qua mỗi cầu, giá lại đội lên 30-40%.

Nếu không xây dựng được chuỗi phân phối từ sản xuất đến tiêu dùng thì khâu trung gian ép cả giá mua lẫn giá bán, ép cả đầu vào lẫn đầu ra và sản xuất nông nghiệp không bao giờ thoát khỏi khó khăn.

Luật HTX năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 có nhiều chính sách khuyến khích thành lập HTX để chủ động trong sản xuất, phân phối, giảm giá thành, tăng hiệu quả sản xuất, thưa ông?

Tôi đã từng đi nghiên cứu nhiều nước và thấy rằng, để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, người ta xây dựng chuỗi phân phối từ sản xuất tới tiêu dùng. Tham gia chuỗi này chủ yếu là HTX, liên hiệp HTX do chính người sản xuất nông nghiệp thành lập và quản lý.

Thông qua HTX, liên hiệp HTX, người sản xuất không chỉ đưa sản phẩm trực tiếp đến siêu thị, cửa hàng, người tiêu dùng, mà họ còn trực tiếp tham gia xuất khẩu sản phẩm do mình làm ra. Người nông dân cũng trực tiếp mua đầu vào của sản xuất nông nghiệp thông qua HTX của mình, chứ không qua bất cứ cầu cảng nào, nên họ được tối đa hóa lợi nhuận, trong khi người tiêu dùng cũng được hưởng mức giá nông sản hợp lý.

Luật HTX 2012 cũng hướng sản xuất nông nghiệp theo mô hình trên, chỉ có điều, do Luật mới có hiệu lực, nên việc triển khai chắc đang ở giai đoạn… nghiên cứu để làm thí điểm. Nếu Luật HTX năm 2012 thực sự đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề nhức nhối lâu nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư