Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
​​Vì mục tiêu xây dựng ASEAN bền vững
Hoàng Anh - 16/11/2021 13:00
 
Chương trình Thanh niên Bằng hữu ASEAN (AYF) năm 2021 đã truyền cảm hứng cho Katherine, Trúc và hơn 30 nhà lãnh đạo trẻ khác chung tay kiểm chứng tương lai khu vực bằng các giải pháp bền vững.

Đỗ Lưu Như Ngọc (Katherine) và Đặng Thái Thanh Trúc là hai nữ lãnh đạo trẻ đến từ Việt Nam được đề cử tham gia AYF 2021 - chương trình phát triển năng lực lãnh đạo do Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) và Hội đồng Thanh niên Quốc gia Singapore (NYC) tổ chức, mang đến cho những người tham gia cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các mối quan hệ và trở thành một phần của mạng lưới các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN.

Đỗ Lưu Như Ngọc (Katherine)

Được đề cử là nhà hai trong số các lãnh đạo trẻ xuất sắc của ASEAN, các bạn ý thức như thế nào về vai trò của mình trong việc thúc đẩy một tương lai bền vững?

Katherine: Là một nhà tư vấn từng có cơ hội được làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân tại Việt Nam, tôi thấu hiểu những thách thức và khó khăn để đạt được tính bền vững trong một tương lai nhiều biến động. Việc cân bằng các mục tiêu kinh doanh và phát triển bền vững là thách thức không nhỏ, nhưng cũng là chìa khóa cho sự phát triển mạnh mẽ. Do đó, khát khao của tôi là nâng cao năng lực vận hành cho các công ty Việt Nam, giúp họ bắt kịp xu thế và nắm bắt cơ hội trong tương lai.

Trúc: Tôi rất hào hứng được tham gia chương trình và tìm hiểu thêm về các hoạt động và ý tưởng của các đại diện khác trong khuôn khổ chủ đề “Cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững” tại AYF năm nay. Cá nhân tôi cũng đã được truyền cảm hứng từ một số quan điểm được đưa ra trong chương trình, điển hình là quan điểm đưa ra bởi một diễn giả: “The truth will make you sexy” (“Sự thật khiến bạn hấp dẫn hơn”). "Tính xác thực" cũng chính là giá trị mà tôi hướng đến.

Đặng Thái Thanh Trúc

Trải nghiệm với AYF 2021 giúp củng cố các mục tiêu và kế hoạch trong tương lai của bạn như thế nào, đặc biệt là trong các hoạt động kinh doanh hoặc thói quen hướng tới sự bền vững?

Katherine: Tôi đã được gặp gỡ và trao đổi với những người bạn cùng chung chí hướng khắp ASEAN. Tôi đặc biệt tâm đắc với những kiến thức mới về hệ sinh vật biển và cách để bảo vệ chúng, qua buổi trao đổi của Neo Mei Lin, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Biển Nhiệt đới Singapore. Tôi cũng rất hào hứng được tham gia một cuộc thảo luận tuy ngắn nhưng cực kỳ hiệu quả liên quan đến mục tiêu không rác thải, với gần 200 ý tưởng xuất sắc được đưa ra. Những trải nghiệm này truyền cảm hứng để tôi tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn, học hỏi thêm nhiều mô hình kinh doanh bền vững ở Singapore và các quốc gia ASEAN khác, từ đó rút ra kinh nghiệm phù hợp cho Việt Nam.

Trúc: Tôi cũng đã có rất nhiều kỉ niệm đẹp từ chương trình. Bên cạnh các phiên thảo luận, chúng tôi có cơ hội được tham quan học tập thực tế. Chúng tôi đã có cơ hội ghé thăm nhà máy tái chế chất thải điện tử ERW2 và Phòng thí nghiệm Sống Bền vững SL2, nơi chúng tôi học được cách tạo ra giá trị từ rác thải, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Quan trọng hơn, trải nghiệm dạy cho chúng tôi về ý nghĩa của việc rời xa “lối sống thải-bỏ” thông qua sửa chữa, tái chế và tái tạo công năng, giúp bảo vệ môi trường.

Bạn đúc rút được thông điệp gì quý giá từ AYF 2021, và đã có kế hoạch cụ thể cho dự án nào tại Việt Nam?

Katherine: Đối với tôi, phiên đối thoại về bản sắc của ASEAN với Phó tổng thư ký ASEAN, ông Trần Đức Bình, mang lại nhiều thông tin hữu ích. Ở góc độ kinh doanh, ASEAN được đánh giá kinh tế giàu tiềm năng phát triển, cần xác định rõ bản sắc ASEAN với các đặc điểm và đặc tính cạnh tranh riêng. Tôi mong muốn thiết lập một chương trình cố vấn cho thanh niên Việt Nam khi quay trở lại làm việc trong lĩnh vực tư vấn và hỗ trợ các công ty trong nước và quốc tế với mục tiêu kinh doanh bền vững tại Việt Nam. Tôi muốn được chia sẻ những bài học thành công đến từ các mô hình kinh doanh hàng đầu trong khu vực ASEAN, cũng như kết nối các nhà khởi nghiệp và các lãnh đạo doanh nghiệp khác nhằm chia sẻ kiến thức và thúc đẩy quan hệ đối tác.

Trúc: Với tư cách một người làm truyền thông, tôi mong muốn thúc đẩy đối thoại với các đơn vị liên quan, tạo điều kiện tổ chức các hội nghị hoặc sân chơi phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, cần phải hỗ trợ và phát triển mạng lưới trực tuyến, cung cấp những thông tin đúng đắn và tăng cường nhận thức về các vấn đề môi trường trong giới trẻ. Là thành viên của mạng lưới AYF, tôi có thêm động lực để lan tỏa tinh thần lãnh đạo tới các bạn trẻ Việt Nam, khuyến khích họ học tập và làm việc với tư duy bền vững.

Là một nhà tư vấn kinh doanh sắc bén với 5 năm “chinh chiến” qua nhiều dự án lớn nhỏ trong lĩnh vực tái cấu trúc doanh nghiệp, Katherine hiện đang lấy bằng Thạc sỹ MBA tại Trường Kinh doanh NUS. Trong khi đó, Trúc đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Truyền thông của Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore, giúp kết nối và phát triển cơ hội cho thanh niên Việt Nam tại nước bạn. Hai nữ lãnh đạo trẻ đã chia sẻ trải nghiệm của mình, quan điểm riêng về tính bền vững cũng như vai trò của người trẻ trong việc kiến tạo một tương lai bền vững cho đất nước và khu vực.
Phê duyệt Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN
Ngày 18/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 131/NQ-CP ngày 18/10/2021 phê duyệt Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư