Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Vì sao bệnh đục thủy tinh thể không còn đáng sợ?
Như Loan - 15/12/2020 11:41
 
Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, đục thủy tinh thể là bệnh lý về mắt mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa hiện nay.

Tuy nhiên, bệnh đục thủy tinh thể không còn quá đáng sợ nhờ những tiến bộ vượt bậc về y khoa gần đây. 

Bệnh đục thủy tinh thể thường gặp ở người trên 50 tuổi. Bệnh diễn tiến từ từ, biểu hiện ban đầu là giảm độ kính lão do xuất hiện cận thị chiết xuất; khi ra ánh sáng, mắt sẽ khó chịu nhưng không bị đau nhức. Sau đó, bệnh nặng hơn, mắt như nhìn qua một lớp kính mờ, thấy một điểm đen cố định trên nền mắt sáng; dần dần bệnh nhân không còn nhìn thấy gì.

Để giải quyết tình trạng bệnh lý này, người bệnh đục thủy tinh thể sẽ được điều trị bằng phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo (hay còn gọi là Intraocular lens – IOL). Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng thị giác của bệnh nhân sau phẫu thuật. Bản chất của IOL là 1 thấu kính nội nhãn rất nhỏ, được chế tạo phù hợp với mắt người, nhằm thay thế cho thủy tinh thể tự nhiên bị đục đã được tán nhuyễn và hút ra ngoài trong phẫu thuật thay thủy tinh thể để hỗ trợ cải thiện thị lực cho người bệnh.

Phẫu thuật Femtocataract điều trị đục thể thủy tinh
Phẫu thuật Femtocataract điều trị đục thể thủy tinh

Nếu như trước đây chỉ có một loại thể thủy tinh nhân tạo đơn tiêu cự thì ngày nay với sự phát triển của y học hiện đại đã có rất nhiều loại thể thủy tinh nhân tạo đa tiêu cự xuất hiện.

Chẳng hạn, thể thủy tinh nhân tạo phi cầu giúp giảm bớt cầu sai cho hệ thống quang học của mắt. Thông thường giác mạc có cầu sai dương được bù trừ bằng cầu sai âm của thể thủy tinh khi tuổi còn trẻ. Tuy nhiên thể thủy tinh tự nhiên sẽ biến đổi dần độ cong theo tuổi và cầu sai dần trở về 0 và chuyển thành cầu sai dương.

Thể thủy tinh nhân tạo cầu bình thường làm tăng quang sai cầu của hệ kính (tăng cầu sai dương), chính vì thế các nhà khoa học đã thiết kế ra các loại thể thủy tinh nhân tạo có cầu sai âm để làm giảm bớt độ quang sai dương sẵn có.

Bên cạnh đó còn có thể thủy tinh nhân tạo điều chỉnh loạn thị. Các loại kính điều chỉnh loạn thị thường được đánh dấu trục và đo đạc hết sức chính xác. Việc đặt kính trụ trong túi bao cần đúng trục do cứ lệch trục 10 sẽ làm giảm đi 3% hiệu quả của công suất trụ.

Hay thể thủy tinh nhân tạo điều chỉnh lão thị: Kính điều chỉnh lão thị được sản xuất dựa trên công nghệ đổi vùng khúc xạ, công nghệ nhiễu xạ hoặc kết hợp công nghệ nhiễu – khúc xạ.

Kính đa tiêu khúc xạ vùng: Người ta tạo các vùng khác nhau trên bề mặt kính (5 vùng). Việc điều chỉnh nhìn xa hay gần tùy thuộc độ co hay dãn của đồng tử. Vùng trung tâm được thiết kế để nhìn xa, vùng kế tiếp để nhìn gần, sau đó lần lượt là các vùng nhìn xa, nhìn gần và nhìn xa ở ngoài cùng.

Kính đa tiêu nhiễu xạ được thiết kế các thành bậc giúp công suất kính ở trung tâm cao hơn giúp nhìn gần. Tùy theo độ cao của các bậc trên kính nhiễu xạ, các tia sáng bị gãy khúc và tập trung vào các tiêu cự khác nhau. Dựa vào nguyên lý này, người ta có thể phân chia các tia sáng vào 2 hoặc 3 tiêu cự định sẵn tương ứng với khoảng nhìn xa, nhìn gần và khoảng trung gian.

Kết quả ứng dụng các kính đa tiêu trên lâm sàng thường rất khả quan. Từ 2007 tới nay, các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiến hành phẫu thuật đặt thể thủy tinh nhân tạo đa tiêu cự. Họ nhận thấy, chỉ còn khoảng 5,5% trường hợp thỉnh thoảng cần đeo kính hỗ trợ sau mổ, các trường hợp khác hoàn toàn không cần dùng kính. Ngoài ra các kính đa tiêu hiện có thường có biên độ điều tiết tương đối rộng khoảng 54 - 55 cm. Với những kết quả tốt và không phụ thuộc kính đeo ngoài nên tỷ lệ lựa chọn đặt thủy tinh thể đa tiêu cự ngày càng tăng.

Gần đây, công nghệ EDOF (Extened Depth of focus) được một số nhà sản xuất đưa vào áp dụng trong sản xuất IOL điều chỉnh lão thị. Công nghệ này cho phép điều chỉnh độ cong bề mắt IOL giúp cho kéo dài tiêu điểm của kính, nhờ đó người bệnh có thể nhìn được với khoảng nhìn rõ lớn hơn trước.

Như vậy, có thể thấy cùng với sự tiến bộ về phương pháp phẫu thuật, các loại thể thủy tinh nhân tạo cũng được cải tiến không ngừng. Nhiều loại thể thủy tinh nhân tạo mới ra đời đã góp phần cải thiện đáng kể thị lực của bệnh nhân, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tốt hơn rất nhiều. Với những mẫu thể thủy tinh nhân tạo hiện đại, các biến chứng đã giảm đi đáng kể, đặc biệt là biến chứng sai lệch thủy tinh nhân tạo.

Bệnh viện TW Huế thực hiện thành công ca ghép tim xuyên Việt đặc biệt
Điều đặc biệt của ca ghép tim xuyên Việt lần này là tạng hiến không ở các thành phố lớn, không thuận tiện cho việc vận chuyển mà ở Bệnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư