Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 26 tháng 06 năm 2024,
Vì sao giải ngân vốn đầu tư công Cần Thơ những tháng đầu năm 2024 chưa đạt yêu cầu?
Trúc Giang - 17/06/2024 09:43
 
Giải ngân vốn đầu tư công của Cần Thơ những tháng đầu năm 2024 mặc dù có tăng so với các năm trước về giá trị nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn phải điều chỉnh, điều chuyển vốn so với kế hoạch đầu năm.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của TP. Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ giao là 10.468,095 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/5/2024, thành phố đã giao chi tiết kế hoạch vốn là 8.849,780 tỷ đồng.

Theo UBND TP. Cần Thơ, qua tổng hợp kết quả giải ngân chi tiết theo số liệu Kho bạc nhà nước Cần Thơ, đến ngày 7/6/2024, số vốn đã giải ngân là 2.574,529 tỷ đồng, đạt gần 29,09% kế hoạch vốn được HĐND thành phố giao chi tiết và đạt 24,59% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng 1,13 lần về giá trị và tăng 1,19% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2023.

Dự án kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ

Cụ thể, có 5 nguồn vốn giải ngân trên 20% gồm: Nguồn vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước) đạt 56,7%; nguồn xổ số kiến thiết đạt 27,2%; nguồn cân đối ngân sách địa phương đạt 27,02%; bội chi ngân sách địa phương (nguồn Chính phủ vay về cho vay lại) đạt 24,9%; nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 đạt 24,5%.

Có 2 nguồn vốn giải ngân từ 10- 20% gồm: Nguồn tiền sử dụng đất đạt 14,5%; nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương đạt 13,5%.

Có 1 nguồn vốn giải ngân dưới 10% là nguồn vốn ngân sách trung ương (vốn nước ngoài) đạt 2,11%.

Phân chia theo cấp quản lý, cấp thành phố có 23 chủ đầu tư thực hiện 79 dự án giải ngân 1.832,626/5.860,400 tỷ đồng, đạt 31,27% kế hoạch giao. Trong đó, có 11 chủ đầu tư giải ngân đạt tỷ lệ trên 20%; 4 chủ đầu tư giải ngân đạt tỷ lệ từ 10- 20%; 8 chủ đầu tư giải ngân đạt tỷ lệ dưới 10% (trong số này, có 6 chủ đầu tư chưa giải ngân được vốn).

Cấp quận, huyện giải ngân 676,903/2.924,380 tỷ đồng, đạt 23,1% kế hoạch. Trong đó, có 6 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân trên 20% kế hoạch vốn gồm: huyện Cờ Đỏ (37%), huyện Thới Lai (34,1%), quận Ô Môn (31,7%), quận thốt Nốt (29%), quận Ninh Kiều (27,6%), huyện Phong Điền (26,7%).

Ba quận, huyện có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch vốn gồm: quận Bình Thủy (17,8%), quận Cái Răng (17%), huyện Vĩnh Thạnh (7,75).

Ước giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công của TP. Cần Thơ đến ngày 30/6/2024 là 3.100 tỷ đồng, đạt 29,61% kế hoạch Thủ tướng giao và đạt 35,03% kế hoạch HĐND thành phố giao.

Theo UBND TP. Cần Thơ, kết quả giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công những tháng đầu năm 2024 mặc dù có tăng so với các năm trước về giá trị nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn phải điều chỉnh, điều chuyển vốn so với kế hoạch đầu năm qua rà soát.

Vẫn khó khăn cũ

UBND TP. Cần Thơ chỉ ra nguyên nhân khách quan chủ yếu dẫn đến kết quả giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công chưa đạt yêu cầu là do công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp khó khăn, người dân vẫn còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư; khan hiếm nguyên vật liệu cát để san lấp, đắp nền đường đối với các công trình lớn.

Về chủ quan, một số nguyên nhân chậm được khắc phục như: Công tác khảo sát, thu thập số liệu để lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư chưa chuẩn xác, đặc biệt là việc khái toán kinh phí hỗ trợ, bồi thường và tái định cư còn thấp so với giá thị trường, dẫn đến khi triển khai thực hiện rất nhiều dự án có kinh phí bồi thường thực tế tăng rất nhiều so với quyết định đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và làm vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Từ đó, phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến quá trình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; đồng thời, đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc cân đối vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố.

Một số chủ đầu tư chưa lường được hết các vướng mắc trong khâu lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, dẫn đến chậm phê duyệt dự án, đấu thầu không kịp theo kế hoạch đã được duyệt.

Tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng một số dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án có sử dụng vốn ODA.

Bên cạnh đó, các dự án khởi công mới vào cuối năm 2023 được tạm ứng hợp đồng thi công đầu năm 2024 theo quy định (tỷ lệ giá trị tạm ứng chiếm hơn 50% tổng giá trị giải ngân), nên những tháng đầu năm khối lượng hoàn thành tích lũy chỉ được thanh toán một phần sau khi thực hiện hoàn tạm ứng theo quy định dẫn đến số vốn giải ngân chưa cao.

Ngoài ra, diễn biến phức tạp của thị trường vật liệu xây dựng khó có thể dự báo trước và có thể ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp (tính đến ngày 7/6/2024):

Dự án kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền do Chi Cục thủy lợi TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư, vốn kế hoạch năm 2024 là 44 tỷ đồng, nhưng đến ngày 7/6/2024 chưa giải ngân được vốn.

Dự án đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS) TP. Cần Thơ giai đoạn 1 (triển khai các hạng mục: Tủ tín hiệu, đèn tín hiệu, camera quan sát, trung tâm điều khiển…) do Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư, vốn kế hoạch năm 2024 là 34 tỷ đồng, nhưng đến ngày 7/6/2024 chưa giải ngân được vốn.

Dự án đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 đến Quốc lộ 61C) do Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư, vốn kế hoạch năm 2024 là 310 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 7/6/2024 đạt tỷ lệ 1,52%.

Dự án Đường tỉnh 918 TP. Cần Thơ (xây dựng và nâng cấp giai đoạn 1 từ điểm giao giữa Đường tỉnh 918 và Đường tỉnh 923 đến cầu Lộ Bức) do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư, vốn kế hoạch năm 2024 là 79 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 7/6/2024 đạt tỷ lệ 4,43%.
Đội vốn đầu tư, 2 dự án giao thông trọng điểm ở Cần Thơ gặp khó
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, tổng mức đầu tư thực tế đã tăng so với tổng mức đầu tư được duyệt, nên cần phải điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư