Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Vì sao lãi suất tiết kiệm bị nhấn chìm sâu, tiền gửi vẫn không rời ngân hàng?
Vân Linh - 04/02/2024 08:23
 
Lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng giảm xuống mức thấp, nhất là những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, song lượng tiền gửi tiết kiệm tăng cao kỷ lục trong bối cảnh tín dụng khó sớm cải thiện. 

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục bị nhấn chìm

Trong tháng 1, hàng loạt ngân hàng giảm lãi huy động khi tín dụng chưa mấy sáng sủa. Vì thế, chỉ trong tháng đầu năm, đã có hơn 30 ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi gồm: Techcombank, BaoViet Bank, GPBank, Eximbank, SHB, Bac A Bank, KienLong Bank, LPBank, OCB, VIB, TPBank, ABBank, NCB, Viet A Bank, Vietcombank, PVCombank, SCB, HDBank, VietBank, Agribank, BIDV, VietinBank, VPBank, SeABank, MSB, Nam A Bank, MB, BVBank, Sacombank, OceanBank. Mức giảm mà các nhà băng điều chỉnh từ 0,1 - 1%/năm tùy theo kỳ hạn.

Techcombank mới đây giảm thêm lãi suất tiết kiệm 0,2%/năm so với tháng 1. Lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng còn 2,5%/năm, 3 - 5 tháng còn 5,8%, 6 - 8 tháng còn 3,8%, 9 - 11 tháng còn 3,85%, 12 tháng trở lên còn 4,9%. Eximbank giảm từ 0,2 - 0,3%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng còn 3,1%/năm, 3 tháng còn 3,4%, 6 tháng còn 4,3%, 12 tháng 4,8% và mức cao nhất là 5,2%/năm thuộc kỳ hạn 60 tháng…

Mức lãi suất tiết kiệm thấp nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Vietcombank và SCB với 1,7%/năm, mức cao nhất là 4,7%/năm. Tại một số nhà băng nhỏ như: BaoVietBank với 1,08% kỳ hạn 36 tháng, giảm 0,85% kỳ hạn 24 tháng xuống còn 4,72% và 4,95%/năm. Hiện mức cao nhất ở ngân hàng này là 5,5%/năm kỳ hạn 24 - 36 tháng online. OCB giảm mạnh 0,8% kỳ hạn 1 - 3 tháng xuống còn 2,9-3,1%/năm.

Hiện mức cao nhất ở ngân hàng này là 6%/năm kỳ hạn 36 tháng tại quầy và online. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của các ngân hàng dao động từ 4 - 5,8%/năm. SHB, NCB, VietA Bank và KienLong Bank thậm chí đã giảm lãi suất tới 3 lần.

Lãi siết tiền gửi tiết kiệm bằng VND cao nhất trên thị trường hiện nay còn khoảng 5% kể cả với kỳ hạn dài.

Qua đó có thể thấy được rằng, mức lãi suất huy động hiện tại đã giảm xuống sâu hơn giai đoạn Covid-19 và thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là điều kiện quan trọng để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Thế nhưng, tín dụng vẫn khó tăng trưởng, nhất là quý đầu năm, do đó mặt bằng lãi suất huy động vốn tiếp tục chứng kiến sóng giảm mạnh và toàn diện. Chênh lệch giữa lãi suất kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài (12 tháng và 6 tháng) cũng có xu hướng thu hẹp mạnh từ mức 0,6%/năm thời điểm đầu năm 2023 về mức 0,4%/năm hiện tại.

PGS TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đưa ra nhận định, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đi xuống cho thấy, các ngân hàng vẫn đang dư thừa vốn, tình hình cho vay khó khăn.

Vì thế, theo dự báo của ông Huân, mức lãi suất tiết kiệm sẽ còn giảm nhẹ và xoay quanh vùng đáy hiện nay. Bởi các kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản…) chưa thực sự sáng lên và dự báo còn khó khăn trong năm nay trước bối cảnh chung của nền kinh tế.

Khi kỳ vọng kinh tế không mấy sáng sủa, mọi người sẽ đề phòng, chi tiêu tiết kiệm cho những khó khăn sắp tới. Điều này càng làm sức cầu yếu đi và tạo thành vòng xoáy suy giảm tổng cầu.

Tâm lý của người dân không dám chi tiêu dẫn đến tỷ lệ tiết kiệm gia tăng, trong khi tỷ lệ tiêu dùng và đầu tư lại giảm nên tiết kiệm lớn hơn đầu tư dẫn đến nguồn vốn ứ đọng.

Dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro.

Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thời gian qua giảm mạnh nhưng lượng tiền gửi vẫn tăng cao cho thấy dòng tiền vẫn còn thận trọng trong việc dịch chuyển sang các kênh khác như bất động sản hay chứng khoán...

Tiền gửi kỷ lục, tín dụng khó tăng cao

Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 15/1 cho thấy tính đến tháng 11/2023, lượng tiền gửi vào các hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục 12,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 6,384 triệu tỷ đồng, tiền gửi của dân cư đạt 6,471 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý là khi lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng giai đoạn cuối năm 2023 là khoảng 3,9%/năm và tiếp tục giảm thêm đầu năm 2023. Mặc dù đây là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với trước thời điểm COVID-19, nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng kỷ lục.

Thực tế, không có ngân hàng nào ghi nhận số dư tiền gửi giảm trong năm qua. HDBank tiếp tục là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi mạnh mẽ nhất, cao hơn đầu năm 71,8% và lên mức 371.000 tỷ đồng vào cuối quý IV/2023. Xét về quy mô tăng trưởng, HDBank cũng đứng vị trí thứ ba, chỉ sau hai ông lớn là BIDV và VietinBank.

Ngoài ra, còn có 9 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi trên 20%, bao gồm MB, Techcombank, SHB, VPBank, SeABank, OCB, Bac A Bank, VietABank và BaoViet Bank.

Xét về số dư tuyệt đối, BIDV tạm thời dẫn đầu về lượng tiền gửi, đạt 1,7 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng 15,7% so với đầu năm. Agribank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2023, tuy nhiên theo báo cáo bán niên, tiền gửi vào cuối tháng 6 của ông lớn này đạt hơn 1,69 triệu tỷ đồng.

Hai thành viên còn lại trong nhóm Big4 là VietinBank và Vietcombank lần lượt nắm giữ hai vị trí tiếp theo, với số dư tiền gửi lầ lượt ở mức 1,41 triệu tỷ đồng và 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 12,9% và 12,2% so với đầu năm.

Còn trong nhóm cổ phần, MB đã vượt qua Sacombank để trở thành nhà băng nhận nhiều tiền gửi nhất, với số dư đạt 567.500 tỷ đồng, tăng 27,9% so với đầu năm. Những vị trí còn lại trong Top 10 ngân hàng có nhiều tiền gửi nhất là ACB, Techcombank, SHB, VPBank và HDBank.

Đáng chú ý, MB duy trì tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) trên 40%, tỷ lệ CASA năm 2023 đạt gần 40,1%. Tiền gửi của khách hàng đạt 569.640 tỷ đồng, tăng 27,3% so với đầu năm. Số dư CASA năm 2023 cũng tăng trưởng gần 27% so với năm 2022.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản vẫn có nhiều rủi ro. Các nhà phân tích tài chính nhận định, người dân và doanh nghiệp vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn, sau hàng loạt các vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán khiến niềm tin bị sụt giảm.

Đặc biệt trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 dự báo là vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp; nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng…

Trên thế giới, xung đột địa chính trị thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường cũng như môi trường kinh doanh còn nhiều bất ổn. Do đó, dù lãi suất tiền gửi thấp nhưng người dân vẫn hướng dòng tiền vào kênh tiết kiệm nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh rõ ràng hơn.

Trong khi đó, tín dụng vẫn được đánh giá chưa thể tăng cao. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý I/2024 do Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố, các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 2,6% trong quý I và tăng 12,1% trong năm 2024, tương đương mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước.

Lãi suất tiết kiệm giảm sâu, tiền nhàn rỗi có chảy khỏi ngân hàng?
Lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm sâu so với đầu năm nay, với mức giảm từ 3-4%, mức cao nhất xuống dưới 7%/năm, song tiền nhàn rỗi vẫn chảy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư