Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vicem đã sẵn sàng cho IPO
Thế Hải - 06/01/2016 07:41
 
Năm 2015 đã qua đi, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), một trong những “ông lớn” trong ngành xi măng đã lỡ lẹn cổ phần hóa. Nhưng, sự lỡ hẹn này không phải bắt nguồn từ lý do chủ quan của Vicem, mà từ một nguyên nhân khác, khi Vicem nhận trách nhiệm tái cơ cấu nợ 2 doanh nghiệp ngành xi măng thua lỗ nặng nề, ở trong tình cảnh mất vốn là Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao.

Lùi lại một bước trong công tác cổ phần hóa, nhưng năm 2015 lại là một năm ghi dấu ấn thành công của Vicem, khi lần đầu tiên, trong báo cáo tài chính cuối năm, con số lợi nhuận trước thuế đã vọt lên tới 3.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với mức lợi nhuận đạt được của năm 2014.

Cần phải nói thêm, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014 với 1.500 tỷ đồng lợi nhuận, đã là con số tăng trưởng vượt bậc so với năm 2013, là kỳ tích của Vicem trong bối cảnh ngành xi măng đang dư cung.

Từ kết quả khả quan của năm 2014, năm 2015, dù thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, Vicem chỉ đạt được 60% mục tiêu xuất khẩu, nhưng nhờ điều tiết thị trường nội địa, nên tổng sản lượng tiêu thụ vẫn gia tăng 8% so với cùng kỳ.

.
.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem cho rằng, lợi nhuận của năm 2014, đặc biệt là năm 2015 mà Vicem có được là kết quả của 2 năm 2013 - 2014 tập trung xử lý các vấn đề lớn liên quan đến tổ chức và đặc biệt là xử lý tài chính.

Từ đầu năm 2013, Vicem đã rà soát toàn bộ lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên, điều chuyển cán bộ quản lý đúng người, đúng việc, hội tụ được đội ngũ lãnh đạo nhiệt huyết điều hành các doanh nghiệp thành viên.

Yếu tố quan trọng hơn cả là quá trình xử lý vốn, cơ cấu lại vốn, đảo nợ đối với các khoản vay đầu tư xây dựng. “Chỉ riêng việc xử lý tài chính, thanh toán được ổn định khoản nợ của những năm trước, khiến chi phí tài chính giảm khoảng 700 tỷ đồng. Khâu cải tạo hệ thống phân phối, logistic, phân vùng, giảm cạnh tranh nội bộ cũng giúp tiết kiệm 200 tỷ đồng và khâu xử lý năng lượng hiệu quả trong sản xuất clinker đã đem lại cho Vicem thêm 600 tỷ đồng nữa”, ông Khải cho biết thêm.

Điểm sáng của năm 2015 là không một doanh nghiệp thành viên nào của Vicem bị thua lỗ. Đơn cử như Vicem Tam Điệp, năm 2014 kết quả kinh doanh bị thua lỗ, thì năm 2015 đã có lợi nhuận trên 10 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm, từ năm 2013, trong kế hoạch hàng năm của mình, Vicem đều thực hiện đúng chủ trương “không đầu tư thêm, chỉ tập trung cho ngành nghề chính là xi măng”.

Trên thực tế, việc tập trung cho ngành nghề chính của Vicem đã phát huy tác dụng tức thì, với kết quả kinh doanh ấn tượng khi tất cả các doanh nghiệp đều không thua lỗ. Thị phần của Vicem đã tăng từ 32% năm 2012 lên 34,5% vào năm 2014.

Tính đến thời điểm này, “điểm nghẽn” lớn nhất làm lùi tiến độ cổ phần hóa Vicem chính là việc Vicem nhận nhiệm vụ tái cơ cấu Xi măng Hạ Long và Sông Thao. “Hiện, chúng tôi vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về phương án xử lý nợ của 2 doanh nghiệp này, sau đó tiến hành đánh giá lại giá trị doanh nghiệp để hoàn thiện nốt các khâu còn lại trong chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần”, theo Vicem.

Theo kế hoạch, sau khi cổ phần hóa, Vicem sẽ thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tổ chức bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, tổng hợp kết quả bán cổ phần… vào cuối năm 2016.

Mặc dù năm 2014 - 2015, không ít thương vụ IPO của các doanh nghiệp ngành xây dựng không thành công do  khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược quan tâm mua cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, về điểm này, Vicem khá lạc quan.

Nhận định về thời điểm IPO vào cuối năm 2016, ông Khải cho rằng, không quá lo ngại, bởi Vicem đã đi qua chặng đường khó khăn nhất và mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đi vào quỹ đạo ổn định, vững chắc, với các chỉ số lợi nhuận ổn định,  nên khi IPO, Vicem tự tin khẳng định, giá trị của Vicem là giá trị thật, và chính những cái thật đó sẽ là sức hút với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước tìm đến.

Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 đầy khả quan, được bồi đắp thêm bởi 2 năm thực hiện tái cơ cấu đồng bộ, Vicem đang có những nền tảng tốt để hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2016, trong đó, nhiệm vụ lớn là hoàn thiện công tác cổ phần hóa.

Dù khá lạc quan về “giá trị thực” mà Vicem đã gây dựng được, nhưng năm 2016 không phải là đã hết khó khăn, khi dự báo ngành xi măng còn chật vật trong tiêu thụ, bởi kênh xuất khẩu sẽ tiếp tục đà giảm về sản lượng lẫn về giá, thị trường nội địa không tăng nhiều, trong khi nguồn cung tiếp tục được bổ sung.

Vicem đã đi qua được chặng đường khó khăn nhất, nhưng bức tranh kinh doanh trong năm 2016 của Vicem tốt dần lên hay không tiếp tục phụ thuộc vào đội ngũ chèo lái của Vicem.

Tái cơ cấu Xi măng Hạ Long, Xi măng Sông Thao vì thua lỗ kéo dài
Nhà máy Xi măng Hạ Long và Nhà máy Xi măng Sông Thao là 2 đơn vị đang được Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) thực hiện tái cơ cấu sau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư