Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vicem đạt mục tiêu tăng trưởng “kép”
Hải Yến - 23/06/2021 17:34
 
Vừa lo đảm bảo sản xuất - kinh doanh, vừa lo phòng chống dịch, Vicem đã mang về kết quả kinh doanh ấn tượng, khi sản xuất, tiêu thụ và lợi nhuận tăng trưởng dương 5 tháng đầu năm 2021.
Hoạt động sản xuất của Vicem
Hoạt động sản xuất của Vicem

Sản xuất - kinh doanh tăng trưởng ấn tượng

Ảnh hưởng của Covid-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay đã khiến Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) thường xuyên trong trạng thái kích hoạt nhiệm vụ ổn định sản xuất - kinh doanh và phòng chống dịch. Nhờ đó, kết quả sản xuất - kinh doanh đạt được sau chặng đường 5 tháng đầu năm 2021 khá ấn tượng.

Theo báo cáo của Vicem, sản xuất clinker 5 tháng đạt 8,92 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ; sản lượng xi măng ghi nhận mức tăng 9%, đạt 10,41 triệu tấn. Kết quả sản xuất này có được trong bối cảnh Covid-19 đợt 3 diễn ra tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng tác động trực tiếp đến các công ty Xi măng Hoàng Thạch và Hải Phòng (trong đó, Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch và thị trấn Mạo Khê bị phong tỏa).

Trong 5 tháng đầu năm 2021, sản xuất - kinh doanh của Vicem bị tác động lớn bởi Covid-19, song với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất - kinh doanh và quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng dịch, kết quả sản xuất - kinh doanh của Vicem vẫn tăng trưởng tốt, với sản lượng clinker đạt 8,92 triệu tấn (tăng 1,7%), sản xuất xi măng đạt 10,41 triệu tấn (tăng 9%), tiêu thụ đạt 12,35 triệu tấn (tăng 7,7%), lợi nhuận trước thuế đạt 1.023,5 tỷ đồng (tăng 26,9%).

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối sản xuất - kinh doanh ở những vùng có dịch, Vicem yêu cầu các công ty sản xuất xi măng bố trí bộ phận vận hành trung tâm cách ly tập trung tại khu vực của Nhà máy.

Tại các khu vực đang thi công công trường hoặc sửa chữa thiết bị cần huy động nhiều lao động tiếp tục duy trì theo tiến độ, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; kiểm soát chặt người ra vào khu vực công trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống Covid-19.

Nhờ chỉ đạo và theo dõi sát sao, nắm bắt tình hình từ Tổng công ty tới các doanh nghiệp thành viên, hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn được duy trì ổn định, bám sát được mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Sản xuất được duy trì và có tăng trưởng về sản lượng. Đi kèm với đó là khâu tiêu thụ tiếp tục được đảm bảo thông suốt, không xảy ra tình trạng ùn ứ, làm khó cho các nhà máy sản xuất trực tiếp. Điều này thể hiện ở chỉ số tiêu thụ 5 tháng với 12,75 triệu tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó tiêu thụ xi măng (tính cả xuất khẩu) đạt 10,48 triệu tấn, tăng 9,4%.

Lợi nhuận trước thuế tháng 5/2021 của Vicem (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) đạt 337,4 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, lợi nhuận của các công ty sản xuất xi măng đạt 208 tỷ đồng, tăng 3,3%. Lũy kế 5 tháng đầu năm, toàn Vicem đạt 1.023,5 tỷ đồng, tăng 26,9%, trong đó lợi nhuận của các công ty sản xuất xi măng đạt 617,6 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ.

Như vậy, qua 5 tháng đầu năm, Vicem đã thực hiện được hơn 44% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp suốt nhiều tháng qua, tác động trực tiếp đến nhiều địa bàn có nhà máy sản xuất của Vicem, kết quả sản xuất và tiêu thụ nêu trên là một nỗ lực lớn của Ban lãnh đạo và người lao động, thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ là vừa sản xuất - kinh doanh, vừa phòng chống dịch.

Thông tin thêm về các giải pháp phòng chống Covid-19, bảo vệ thành trì sản xuất tại các nhà máy, đặc biệt là “Phòng điều hành trung tâm”, ông Khánh cho biết, rút kinh nghiệm từ đợt dịch năm 2020, Vicem và các doanh nghiệp thành viên, điển hình là Vicem Hoàng Thạch, đã cắt cử đội ngũ túc trực ngay tại doanh nghiệp, giữ bằng được Phòng điều hành trong mọi tình huống.

Phòng Vận hành trung tâm Công ty Xi măng Hải Phòng
Phòng Vận hành trung tâm Công ty Xi măng Hải Phòng

Tối ưu hóa sản xuất, tiêu thụ

Ngành xi măng vẫn đang trong cảnh dư cung gần 40 triệu tấn, do đó, áp lực tiêu thụ với các doanh nghiệp sản xuất vốn đã lớn, nay càng lớn thêm, bởi ảnh hưởng của Covid-19.

Số liệu do Bộ Xây dựng công bố gần nhất cho thấy, tổng sản lượng clinker và xi măng sản xuất năm 2020 của ngành đạt khoảng 104 triệu tấn, tổng sản lượng xi măng và clinker tiêu thụ năm 2020 khoảng 100 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước 62 triệu tấn, xuất khẩu 38 triệu tấn.

Do đó, kể cả doanh nghiệp lớn, nắm giữ 35% thị phần như Vicem cũng đứng trước áp lực tiêu thụ. Để tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh, Ban lãnh đạo Vicem đã chỉ đạo các đơn vị duy trì thiết bị hoạt động ổn định với năng suất cao nhất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới. Tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm tiêu hao trong sản xuất (đặc biệt là giảm tiêu hao nhiệt).

Về tiêu thụ, các công ty thành viên chủ động xây dựng các kịch bản trong điều hành để tối ưu hóa công tác tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, hợp lý hóa các khâu trong giao nhận để thực hiện việc xuất hàng nhanh nhất ở trong nhà máy và các điểm giao hàng.

Trong sản xuất - kinh doanh, lãnh đạo Vicem chỉ đạo nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tập trung đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Tiếp tục triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo: chương trình đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp tục triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn, tập trung nghiên cứu, đánh giá kết quả để tiếp tục áp dụng chương trình đốt rác thải, bùn thải thay thế nguyên liệu trong sản xuất xi măng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho Vicem, đồng thời chung tay góp phần giải quyết vấn đề môi trường cho đất nước.

Được biết, trong 5 năm qua, các chương trình đổi mới sản xuất, xử lý nút thắt công nghệ đã giúp Vicem đã tăng quy mô thêm 3 triệu tấn clinker, mà cơ bản không phải bỏ thêm chi phí, tiết kiệm gần 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư, góp phần làm lợi nhuận tăng gần 700 tỷ đồng/năm.

Vicem nhận định, năm 2021 sẽ có những thuận lợi như Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA); lãi suất ngân hàng ngày càng giảm; các gói kích cầu của chính phủ sẽ kích thích kinh tế, trong đó có ngành xây dựng.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu xi măng từ Philippines, Trung Quốc và các nước khu vực Nam Mỹ dự kiến tương đương năm 2020 hoặc cao hơn, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh, cũng là yếu tố thuận lợi với Vicem.

Tuy nhiên, đại dịch dự kiến kéo dài cả năm 2021, nên xu hướng chuyển dịch từ xi măng bao sang xi măng rời sẽ làm giảm lợi thế của Vicem và khả năng xây dựng dân dụng khó phục hồi trong năm nay sẽ là thử thách đối với Công ty. Cùng với đó là chính sách bảo hộ sản xuất trong nước từ nguồn nhập khẩu chính là Philippines vẫn chưa có dấu hiện thay đổi, khiến doanh nghiệp phải hết sức linh hoạt trong điều hành sản xuất và có chiến lược tiêu thụ hợp lý, phù hợp với từng thị trường.

Với những kinh nghiệm điều hành sản xuất trong bối cảnh đại dịch, năm 2021, Vicem đặt mục tiêu sản xuất khoảng 22 triệu tấn clinker, tăng 1% so với năm trước; sản xuất xi măng trên 26 triệu tấn, tăng 8%, tổng sản phẩm tiêu thụ trên 30 triệu tấn, tăng 5%. Mục tiêu doanh thu trên 35.000 tỷ đồng, tăng 7% so với kết quả năm 2020 và lợi nhuận trước thuế khoảng 2.300 tỷ đồng, tăng 13%.

Vicem Hà Tiên 1: Doanh thu, lợi nhuận 9 tháng 2020 sụt giảm mạnh
Kinh doanh gặp khó, 9 tháng 2020, Vicem Hà Tiên 1 (HT1) đạt doanh thu thu 5.751 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 462 tỷ đồng, giảm lần lượt 12,3% và 12,8%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư