Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Việc tính toán vấn đề tăng dân số phải được đặt trong tương quan phát triển TP.HCM
Trọng Tín - 19/05/2024 13:18
 
Đó là phản hồi của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi sau khi nhiều đại biểu phân tích những bất cập trong việc tính toán quy mô dân số tại Đồ án Quy hoạch chung Thành phố.

Tại kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP.HCM, Ban đô thị HĐND Thành phố đã chỉ ra một số bất cập trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Cụ thể, sau khi đối chiếu nội dung Tờ trình của UNND Thành phố với hồ sơ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố, Ban đô thị nhận thấy có sự thiếu thống nhất, thiếu sót về nội dung: cách phân vùng, tên gọi các vùng/phân vùng, tiểu vùng, diện tích và quy mô dân số của mỗi vùng, vùng bao gồm những quận, huyện nào.

Trong đó, quy mô dân số là một trong những vấn đề nhận được quan tâm lớn. Bởi đây là cơ sở để cân đối, phân bổ cho các đơn vị hành chính trực thuộc Thành phố để tính toán nhu cầu hạ tầng và cũng là căn cứ để xem xét, nghiên cứu các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

TP.HCM cần rà soát lại việc tính toán quy mô dân số và rà soát toàn bộ các chỉ tiêu đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho toàn thành phố theo quy mô dân số đã được Thủ tướng Chính phủ việc phê. Ảnh: Trọng Tín

Theo đánh giá của Ban đô thị HĐND Thành phố, theo Quyết định Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố, quy mô dân số dự kiến đến năm 2040 khoảng 13 – 14 triệu người.

Trong khi, Thuyết minh điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố lại dự báo đến năm 2040 là khoảng 13 triệu người – tăng trưởng trung bình 1,68%/năm trong giai đoạn 2030 – 2040.

Dự báo tổng dân số tính toán của thành phố, bao gồm dân số chính thức và dân số tiềm năng theo khả năng dung nạp của các khu vực đô thị chưa được lấp đầy tại mỗi thời điểm/giai đoạn quy hoạch đến năm 2030 là khoảng 13,7 triệu người, đến năm 2040 là khoảng 16,5 triệu người.

Như vậy, quy mô dân số tính toán trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố có sự khác biệt với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chọn kịch bản dân số giai đoạn 2021 – 2030 là 11 triệu người, giai đoạn 2031 – 2050 là 14,5 triệu người là dân số chính thức từ đó lựa chọn kịch bản phát triển kinh tế và phương án phát triển phù hợp với quy mô dân số chính thức, không tính dân số tạm trú quy đổi.

Trong nội dung quy hoạch này, có đề cập định hướng phát triển các đô thị gồm Đô thị trung tâm gồm 16 quận là đô thị hạt nhân của hệ thống đô thị với dự báo dân số chính thức đến năm 2030 là 6,3 – 6,6 triệu người.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng việc tính toán vấn đề tăng dân số phải được đặt trong tương quan phát triển TP.HCM. Ảnh: Thành Nhân

TP. Thủ Đức là đô thị song hành với dự báo dân số chính thức đến năm 2030 là 1,3 1,6 triệu người, giữ vai trò là cực tăng trưởng mới; các đô thị vệ tinh bao gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ là các đô thị vệ tinh kiểu mới, cửa ngõ của thành phố với dự báo dân số chính thức đến năm 2030 là 2,9 - 3,2 triệu người.

Trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến định hướng chỉnh trang và phát triển đô thị, phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, định hướng sử dụng đất, phương án sử dụng vùng liên huyện, vùng huyện, phương án bảo vệ môi trường được tính toán trên quy mô dân số chính thức không tính tạm trú.

Như vậy, Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có sự khác biệt với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Tại kỳ họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng phản hồi ý kiến của các đại biểu về sự phù hợp trong cách tính toán dân số. Theo ông Mãi, dân số Thành phố đang là 12 - 13 triệu người, nhưng số liệu chính thức chỉ gần 10 triệu người do có sự chênh lệch là số dân vãng lai. Trong 10 năm qua, tỷ lệ chênh lệch dân số vãng lai khoảng 25 - 30%.

Theo dự báo, quy mô dân số toàn Thành phố đến năm 2030 là 11 triệu người, đến năm 2040 là 13 triệu người, đến năm 2050 là 14,5 triệu người và đến năm 2060 là 16 triệu người. Ông Mãi cho biết các số liệu này phải cộng thêm 25 - 30% dân số vãng lai đã nêu.

Mặt khác, việc tính toán vấn đề tăng dân số phải được đặt trong tương quan phát triển Thành phố. Ông Mãi cho rằng tỷ lệ 25 - 30% dân vãng lai sắp tới sẽ có sự thay đổi khi các địa phương trong vùng, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với Thành phố tốt hơn.

Do đó cần tính toán có chừng mực để tránh đầu tư hạ tầng lớn nhưng hiệu quả phục vụ không cao, trong bối cảnh Thành phố sẽ không tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, đất đai mà tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, sau kỳ họp thứ 15 của HĐND Thành phố, ngay trong chiều nay (19/5), ông Mãi cho biết sẽ có cuộc họp với các bên liên quan để tính toán lại quy mô dân số theo ý kiến của các đại biểu.

Tại kỳ họp, các đại biểu đề nghị UBND Thành phố rà soát lại việc tính toán quy mô dân số và rà soát toàn bộ các chỉ tiêu đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho toàn thành phố theo quy mô dân số đã được Thủ tướng Chính phủ việc phê.

Trong trường hợp có đủ cơ sở xác định quy mô dân số tính toán nêu tại thuyết minh là phù hợp, đề nghị báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét việc điều chỉnh Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố, đồng thời cần có sự thống nhất với quy mô dân số tính toán trong Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phân vùng đô thị trung tâm “bỏ quên” nhiều quận

Ban đô thị HĐND Thành phố đánh giá tại Tờ trình của UBND Thành phố, phân vùng đô thị trung tâm thiếu quận 10, 11, Tân Phú; phân vùng 4 thiếu quận Bình Tân, phân vùng 5 thiếu 1 phần quận 8 so với thuyết minh.

Tại Thuyết minh tóm tắt, đô thị sân bay - thuộc các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú nhưng phân chia tiểu vùng lại bao gồm Quận 12 và Gò Vấp, không có quận Tân Phú.

Chưa kể, việc phân vùng và tên gọi các vùng, tiểu vùng trong định hướng phát triển không gian đô thị chưa thể hiện được cơ sở, phương pháp và cách thức.

Ví dụ, quận 8 được phân chia thành 3 vùng có đặc điểm khác nhau sẽ gây khó khăn cho quá trình triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quá trình thực hiện, quản lý theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Về định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm chưa thể hiện đầy đủ các nội dung về hướng phát triển, mở rộng đô thị; xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng; các khu chuyển đổi chức năng; khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo, khu cần bảo tồn, tôn tạo; khu phát triển mới; khu cấm xây dựng; các khu dự trữ phát triển.

Do đó, HĐND Thành phố yêu cầu định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm cần thể hiện đầy đủ các nội dung về hướng phát triển, mở rộng đô thị; về xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng, các khu chuyển đổi chức năng, khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo, khu cần bảo tồn, tôn tạo, khu phát triển mới, khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển.
Ngày 19/5, HĐND TP.HCM họp kỳ chuyên đề, cho ý kiến về quy hoạch chung Thành phố
HĐND TP.HCM sẽ nghe UBND Thành phố báo cáo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đồng thời làm công tác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư