Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thiếu quỹ đất - điểm nghẽn cản trở thu hút FDI vào TP.HCM
Lê Quân - 19/05/2024 10:28
 
Thiếu quỹ đất đang là điểm nghẽn lớn nhất khiến TP.HCM không thu hút được các dự án lớn và dòng vốn FDI vào Thành phố liên tục sụt giảm trong những năm gần đây.
Nếu tháo gỡ được giá thuê đất tại Khu công nghiệp Hiệp Phước sớm, thì TP.HCM sẽ có thêm quỹ đất để thu hút nhà đầu tư.

Vốn FDI rót vào TP.HCM 4 tháng đầu năm 2024 chủ yếu là mua cổ phần

Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố đạt 915 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ. Điểm đáng chú ý là, vốn đầu tư nước ngoài thu hút được phần lớn nhờ vào hình thức góp vốn, mua cổ phần, với tổng số vốn lên đến 713 triệu USD. Trong khi đó, có đến 357 dự án FDI được cấp mới (tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023), nhưng tổng vốn đầu tư chỉ đạt 129 triệu USD (giảm 24,3 % so với cùng kỳ).

Theo báo cáo nghiên cứu của Trường đại học Ngân hàng TP.HCM công bố năm 2023, trong vài năm trở lại đây, tỷ trọng vốn FDI của TP.HCM trong tổng vốn FDI của cả nước đã giảm từ 22% trong năm 2019, xuống còn 11% trong năm 2023. Không chỉ suy giảm khả năng thu hút FDI, TP.HCM cũng không thu hút được các dự án lớn. 

Không khó lý giải sự giảm sút của dòng vốn FDI vào TP.HCM, bởi quỹ đất công nghiệp của Thành phố ngày càng cạn kiệt. Hiện nay, tại Khu công nghệ cao TP.HCM, quỹ đất để thu hút các dự án thuộc lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn chỉ khoảng 0,5 - 3 ha cho mỗi dự án. Còn tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2023, chỉ có tổng cộng 46 ha đất “sạch” để thu hút đầu tư, nhưng nằm rải rác ở nhiều quận, huyện.

Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM cho rằng, “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay trong thu hút đầu tư tại TP.HCM là thiếu quỹ đất. Ông Đức dẫn chứng, tại các khu công nghiệp có một số khu đất “sạch”, song nằm rải rác, chứ không tập trung. Ngoài ra, TP.HCM vẫn còn đất ở các khu công nghiệp, nhưng chưa được tháo gỡ vướng mắc, như Khu công nghiệp Hiệp Phước còn 320 ha; Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi còn hơn 100 ha.

Theo ông Đức, làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước sang Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Ông ví những nhà đầu tư này như “đại bàng”, nhưng TP.HCM hiện tại chỉ có tổ của “chim sẻ”, không đủ sức thu hút và giữ “đại bàng” ở lại. Vì vậy, Thành phố không thể kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào đầu tư. “Nếu chúng ta không xử lý được điểm nghẽn về đất, thì khó có thể phát triển công nghiệp, không có đất thì không thể thu hút đầu tư”, ông Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh vấn đề thiếu quỹ đất, thì môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là thủ tục hành chính còn nhiều rào cản cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư quay lưng với Thành phố. Theo Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 vừa được công bố ngày 9/5, TP.HCM đứng ở vị trí 27, cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự được cải thiện. Ngoài ra, hiện có khá nhiều dự án của nhà đầu tư nước ngoài tại TP.HCM gặp vướng mắc nhưng chậm được giải quyết, khiến nhà đầu tư “nản lòng”.

Chờ đợi các khu công nghiệp mới

Theo số liệu của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), Thành phố được quy hoạch gần 6.000 ha đất công nghiệp, nhưng có tới 1.500 ha vướng mắc về pháp lý hoặc giải phóng mặt bằng.

Số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho thấy, trong giai đoạn 2017 - 2022, TP.HCM chỉ thu hút được 3 dự án có quy mô 300 - 841 triệu USD. Trong khi đó, các địa phương lân cận như Bình Dương, Long An đều thu hút được các dự án có tổng vốn đăng ký 1 - 3 tỷ USD.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza thừa nhận,  TP.HCM thiếu quỹ đất lớn phục vụ nhà đầu tư có nhu cầu xây nhà máy lớn. Trong khi các khu công nghiệp hiện hữu đã dần lấp đầy, hoặc chưa ký được hợp đồng thuê đất với Nhà nước cho diện tích đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và diện tích đang bồi thường, nên quỹ đất còn lại vẫn chưa đưa vào sử dụng.

Hepza đang đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục chuẩn bị đầu tư Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I (379 ha) và Phạm Văn Hai II (289 ha) tại huyện Bình Chánh để có quỹ đất thu hút các dự án lớn. Ngoài ra, nếu tháo gỡ được giá thuê đất tại Khu công nghiệp Hiệp Phước sớm, thì TP.HCM sẽ có thêm quỹ đất để thu hút nhà đầu tư.

Mới đây, một doanh nghiệp trong nước được sự ủy nhiệm của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đề xuất UBND TP.HCM thành lập khu công nghệ đổi mới sáng tạo có diện tích 350 - 400 ha chuyên sản xuất, kiểm định chip. Tuy nhiên, với quỹ đất hạn hẹp như hiện nay, Thành phố chưa tìm được khu công nghiệp nào có diện tích đủ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Do tình hình thiếu quỹ đất để thu hút nhà đầu tư, ngày 7/5 vừa qua, Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM đã gửi văn bản kiến nghị UBND Thành phố cho phép tiếp tục xây dựng các nhà xưởng thông minh cao tầng tại Khu công nghệ cao nhằm tối ưu hoá việc khai thác và sử dụng đất đai một cách hiệu quả trong bối cảnh quỹ đất tại đây không còn nhiều.

Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM cho rằng, đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng có vai trò quan trọng trong việc thu hút nhà đầu tư công nghệ có quy mô vừa và nhỏ, vì khi đến đầu tư, doanh nghiệp có nhà xưởng ngay để triển khai dự án.

Thu hút FDI vào TP.HCM trong 9 tháng: Bất động sản chiếm tỷ trọng cao
Trong 9 tháng qua, bất động sản chiếm tới 40,7% tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký mới và 20,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư