Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Viễn thông truyền thống đang co hẹp
Tú Ân - 26/12/2023 09:06
 
Doanh thu, lợi nhuận từ dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại, SMS sụt giảm khiến doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đau đầu.

Mảnh chăn đang co hẹp

Cuối tuần trước, tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023 của VNPT, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT cho biết, năm 2023, lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 4.468 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch, bằng 100,7% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT ở mức 6%.

Điểm đáng chú ý là, năm 2023, mảng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất, lĩnh vực cốt lõi nhất của tập đoàn này là dịch vụ di động chỉ chiếm 34,6% doanh thu. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các nhà mạng chủ chốt, trong đó có VNPT chưa đi trước trong đầu tư xây dựng hạ tầng số để tạo nền tảng cho phát triển đất nước, phát triển kinh tế - xã hội. 

“Nếu không có không gian mới, thì VNPT sẽ nguy hiểm”, Bộ trưởng nói.

Ở MobiFone, ông Bùi Sơn Nam, Tổng giám đốc MobiFone cũng cho biết, doanh thu từ dịch vụ viễn thông truyền thống tiếp tục đà suy giảm. 

Đây là thực tế chung của các nhà mạng khi các dịch vụ thoại và SMS bị suy giảm doanh thu mạnh mẽ trên từng thuê bao, cũng như toàn hệ thống. Trong 5 năm qua, Chỉ số doanh thu trung binình (ARPU) trên thuê bao di động đang hoạt động, chỉ từ 59.000 - 63.000 đồng/thuê bao/tháng, thuộc vào nhóm thấp nhất khu vực châu Á.

Còn tại Viettel, năm 2023 chứng kiến sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu doanh thu và thuê bao, tỷ trọng thuê bao 4G/tổng thuê bao di động lên đến mức trên 80%. Tốc độ tăng trưởng data của Viettel từ 2020 trở lại đây luôn ở mức 2 con số, tăng trưởng trung bình 16%/năm giúp cho tỷ trọng doanh thu data/tổng doanh thu dịch vụ di động cũng có bước tiến lớn. Cơ cấu tiêu dùng data đã tăng thêm 8% trong năm 2023 và vượt qua tỷ trọng các dịch vụ truyền thống thoại/SMS.

Theo đánh giá của ông Phan Văn Việt, Trưởng ban Ban nghiên cứu 4.0 Litbi Research, một trong hai nguyên nhân chính khiến hiệu quả ngành viễn thông giảm sụt giảm là do cấu trúc ngành thay đổi toàn diện khi bước vào kỷ nguyên 4.0. Giờ đây, điện thoại không chỉ dùng để nhắn tin, nghe - gọi đơn thuần, mà còn dùng để quay, ghi hình, mua bán, sáng tạo nội dung, xử lý công việc… miễn phí. Nghĩa là, cấu trúc ngành viễn thông (sản phẩm mới, nhà cung cấp mới, người chơi mới, công nghệ mới) đã thay đổi toàn chuỗi và nhanh hơn sự đổi mới của ngành...

Tạo không gian tăng trưởng mới

Các nhà mạng đã nhận ra vấn đề này từ 5-7 năm trước và đã bắt tay vào việc chuyển đổi xu hướng cung cấp dịch vụ số, giải pháp số.

Như VNPT, năm 2023 có điểm sáng là dịch vụ cáp quang - chiếm doanh thu lên 29,5% và dịch vụ MyTV - chiếm 14,5% tổng doanh thu. Đây cũng là năm đầu tiên, doanh thu băng rộng và truyền hình của VNPT vượt qua doanh thu của dịch vụ di động. Dịch vụ số của VNPT năm 2023 cũng tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn giới hạn và chưa chiếm doanh thu nhiều của VNPT.

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐTV VNPT cho biết, với chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ, VNPT đã và đang tập trung phát triển hạ tầng số, danh mục các dịch vụ số đặc biệt thông qua đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực CNTT. VNPT đã và đang làm chủ công nghệ mới như AI, bigdata, blockchain… vốn là sân chơi của các tập đoàn công nghệ mới. Trong thời gian tới, VNPT sẽ tiếp tục mở rộng không gian mới này để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ cho Tập đoàn.

Còn MobiFone cho biết, MobiFone đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển nhanh chóng các sản phẩm dịch vụ số mới ngoài viễn thông như: kinh doanh hạ tầng số, cung cấp các nền tảng/giải pháp số - nội dung số; xây dựng hệ sinh thái số MobiFone ngày càng hoàn chỉnh.  Doanh nghiệp này đang dành một phần lợi nhuận hàng năm cho nghiên cứu và phát triển (R&D), tập trung vào việc phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ chất lượng cao, cung cấp cho khách hàng các giải pháp hiệu quả, tiện ích và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dự kiến, các dịch vụ số mới sẽ chiếm 27% tổng doanh thu vào năm 2025 như Thương hiệu giới trẻ, Nội dung số, Thanh toán số, Quảng cáo số, Trò chơi trực tuyến, Y tế số, Dịch vụ Cloud, An ninh, an toàn thông tin, Giáo dục số, IoT. Trong đó, các lĩnh vực Giáo dục số và Y tế số sẽ có xu hướng đóng góp doanh thu ngày càng lớn.

Theo ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch HĐTV MobiFone, MobiFone sẽ thực hiện kế hoạch triển khai sáng kiến nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển mở ra không gian mới, tránh phụ thuộc vào viễn thông truyền thống.

“Chủ đề năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thônglà phổ cập hạ tầng số, sáng tạo, ứng dụng số để phát triển kinh tế số, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Vậy ai sẽ làm việc này? Đó phải là các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải là người sáng tạo ra các ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và chỉ ra không gian phát triển mới của các nhà mạng.

Nhiều cơ hội kinh doanh mới từ Luật Viễn thông sửa đổi
Luật Viễn thông sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2023 kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi, mang lại những cơ hội mới cho doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư