Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
Viễn thông Việt Nam “ghi điểm”
Hữu Tuấn - 02/03/2019 09:21
 
Hạ tầng viễn thông Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ lớn lao là đảm bảo hoạt động thông suốt với tốc độ cao phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai.
30 trạm phát sóng 4G, 3G và 2G đã được lắp đặt ở Trung tâm Báo chí quốc tế phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên.
30 trạm phát sóng 4G, 3G và 2G đã được lắp đặt ở Trung tâm Báo chí quốc tế phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên.

Đảm bảo hoạt động thông tin, viễn thông thông suốt

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đăng ký tác nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai có tới hơn 200 hãng thông tấn, báo chí từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 3.000 phóng viên quốc tế. Cùng với đó là hơn 550 phóng viên trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có 10 ngày để chuẩn bị sự kiện này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thách thức lớn nhất là đảm bảo mạng không bị nghẽn. Tại Trung tâm Báo chí quốc tế phục vụ Hội nghị, nếu tất cả phóng viên đều sử dụng wifi, đường truyền vẫn đáp ứng đủ và cung cấp tốc độ tối thiểu là 5 Mbs. Đường truyền quốc tế cũng sẽ được đảm bảo ở mức thấp nhất là 3 Mbs.

30 trạm phát sóng 4G, 3G và 2G cũng đã được lắp đặt ở Trung tâm Báo chí quốc tế để đảm bảo cho hàng ngàn người có thể sử dụng điện thoại di động tại cùng một thời điểm. Mạng di động sẽ không bị nghẽn ngay cả khi tất cả mọi người cùng dùng điện thoại.

“Chúng tôi đảm bảo các kênh truyền hình vệ tinh trực tiếp từ đây ra quốc tế. Có 14 hãng thông tấn, truyền hình quốc tế đã thuê 14 kênh, nhưng dung lượng vẫn còn đủ để đáp ứng các nhu cầu truyền hình qua vệ tinh khác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Theo Cục Bưu điện Trung ương, tổng dung lượng băng thông Internet của cả 2 nhà mạng VNPT và Viettel tại Trung tâm Báo chí là 80Gbs. Trong đó, mỗi bên cung cấp 40Gbs dung lượng băng thông Internet. So với Trung tâm Báo chí phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ nhất tại Singapore, năng lực hạ tầng của Trung tâm Báo chí tại Hà Nội được đánh giá là gấp từ 1,5 tới gần 2 lần.

Để phục vụ sự kiện này, Viettel và VNPT đã cùng làm việc liên tục trong 10 ngày, lắp đặt xong toàn bộ các thiết bị phát sóng wifi tại tất cả các khu vực cần phủ sóng theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao. Đã có tổng cộng 115 thiết bị phát sóng wifi và 1.299 đầu chờ Internet có dây đã được triển khai. Cả 3 nhà mạng là Viettel, VinaPhone và MobiFone đều đã lắp đặt sẵn các xe BTS lưu động để tăng cường sóng di động tại Trung tâm Báo chí quốc tế.

Truyền thông quốc tế ấn tượng

Trong những ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội, gần như tất cả các phóng viên được hỏi đều tỏ ra rất hài lòng với công tác chuẩn bị, phục vụ tác nghiệp cho báo chí. Họ đặc biệt ấn tượng về chất lượng, tốc độ đường truyền Internet và tín hiệu truyền hình của Việt Nam.

Nữ phóng viên trẻ Pan Mengqi  của Nhật báo China Daily (Trung Quốc) đã thực hiện các video livestream truyền tin ngay trên một chiếc xích lô tại trung tâm Hà Nội. Chỉ ít phút sau, cô cũng đã thực hiện thành công phóng sự trực tuyến về không khí ở khách sạn Melia và các khu vực xung quanh khi chuẩn bị đón Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ Lạng Sơn về Hà Nội trong bối cảnh có hàng ngàn phóng viên tác nghiệp và người dân livestream trên Facebook. “Hạ tầng viễn thông Việt Nam thật tuyệt vời”, Pan Mengqi nói.

Ông Lee Sangho, Giám đốc Gobal News (Hàn Quốc) cho biết: “Chúng tôi là kênh tin tức phát sóng trên Internet, nên chất lượng đường truyền là mối quan tâm lớn nhất. Thật ngạc nhiên là wifi tuyệt vời. Cơ sở vật chất khác cũng rất tốt. Tôi nghĩ, hơn 3.000 phóng viên tới đây cũng ấn tượng với những gì Hà Nội, Việt Nam đã làm”.

Nữ phóng viên Park Jisun của Đài Korea TV (Hàn Quốc) cũng cho biết: “Chúng tôi đã phát sóng trực tiếp và Internet ở đây rất tốt, không hề có trục trặc nào trong bản tin. Đây rõ ràng là điểm mạnh về cơ sở vật chất mà Việt Nam đã chuẩn bị”.

Theo nhà báo kỳ cựu Eldad Beck của tờ Israel Hayom (Israel), Trung tâm Báo chí quốc tế đã giúp ông rất nhiều trong quá trình làm việc. “Đặc biệt, đường truyền Internet, mạng wifi dùng để truy cập mạng rất nhanh và mạnh”, ông Eldad Beck nói.

Ngành công nghệ thông tin - viễn thông không chỉ đóng góp một phần công sức cho thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, mà còn chứng minh cho cả thế giới rằng, Việt Nam có đầy đủ năng lực, điều kiện để trở thành một quốc gia đi đầu trong cách mạng 4.0.

Hoàn thành nhiệm vụ quan trọng

Viettel và VNPT đã tăng cường chất lượng phủ sóng 2G, 3G, 4G trên toàn Hà Nội, đặc biệt là tại khu vực Trung tâm Báo chí quốc tế phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai. VNPT và Viettel cũng xây dựng hệ thống tường lửa, hệ thống chống tấn công DDoS, hệ thống chủ động phát hiện tấn công mạng, tiến hành diễn tập giả lập tấn công vào hệ thống Trung tâm Báo chí quốc tế. VNPT còn đảm nhận dịch vụ thu phát sóng tín hiệu truyền hình quốc tế qua mạng lưới cáp quang quốc tế, thu phát sóng trực tiếp qua vệ tinh và cung cấp thiết bị thu phát sóng truyền hình qua vệ tinh..., đáp ứng toàn bộ nhu cầu truyền dẫn tín hiệu truyền hình của tất cả các hãng thông tấn báo chí quốc tế phục vụ đưa tin, truyền hình về sự kiện.

Hé lộ mức thu nhập tại 3 ông lớn ngành viễn thông
Những hé lộ về mức thu nhập bình quân của nhân viên Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) đang làm náo động cộng đồng mạng, nhưng đây chưa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư