Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 12 năm 2024,
Việt Nam - Ba Lan hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao
Hưng Anh - 08/11/2024 10:37
 
Là quốc gia nằm ở Trung Âu với điều kiện kinh tế phát triển trên nền giáo dục lâu đời, Ba Lan là sự lựa chọn của hơn 4.000 người Việt đến học tập. Nhiều chương trình được ký kết, hứa hẹn càng đông sinh viên Việt Nam đến đây.

Hơn 4.000 người Việt đã từng được đào tạo tại Ba Lan

Nhằm mục đích tăng cường hợp tác giáo dục và hỗ trợ công tác giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Ba Lan. Chuyến thăm cũng nhằm hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ba Lan.

Tại đây, đoàn đã thăm và làm việc với Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Ba Lan, thăm và làm việc với một số cơ sở đào tạo của Ba Lan và trường dạy tiếng Việt tại Ba Lan.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng với ông Andrzej Szeptycki, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Ba Lan

Tại hội đàm song phương giữa Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng với ông Andrzej Szeptycki, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Ba Lan, ông Andrzej Szeptycki nhiệt liệt chào mừng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT Việt Nam và đánh giá cao quan hệ hợp tác truyền thống lâu đời giữa hai nước trong suốt 74 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Trong nhiều năm qua, hợp tác giáo dục và đào tạo luôn là điểm sáng trong mối quan hệ giữa hai nước. Hiện nay có 326 lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Ba Lan. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Ba Lan đánh giá cao lưu học sinh Việt Nam về tinh thần, thái độ học tập, khả năng thích ứng và đóng góp vào đời sống xã hội ở Ba Lan.   

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đồng thời cảm ơn Chính phủ và nhân dân Ba Lan đã hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Với hơn 4.000 người đã từng được đào tạo tại Ba Lan, rất nhiều người trong số đó đã và đang giữ những trọng trách quan trọng tại các cơ quan quản lý và doanh nghiệp của Việt Nam, đóng góp vào phát triển kinh tế -  xã hội của Việt Nam.

Mong muốn ký kết văn bản triển khai 50 suất học bổng/ năm do Ba Lan tài trợ

Hai Thứ trưởng thống nhất sẽ cố gắng sớm hoàn tất đàm phán để tiến tới ký kết văn bản hợp tác triển khai 50 suất học bổng/năm do Ba Lan cấp cho Việt Nam để cử sinh viên đi đào tạo các trình độ tại Ba Lan. Hiện nay, căn cứ văn bản ký kết giữa hai Bộ năm 2017, mỗi năm, Ba Lan cấp cho Việt Nam 20 suất học bổng để cử lưu học sinh đến học tại Ba Lan.

Cũng tại buổi hội đàm, ông Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội (HANU) cho biết, tại Trường Đại học Hà Nội hiện có 12 du học sinh Ba Lan đang theo học. Nhà trường có lớp dạy về ngôn ngữ và văn hóa Ba Lan. HANU mong muốn thời gian tới sẽ tiếp nhận được nhiều hơn du học sinh Ba Lan sang học tập và có thể mở rộng các hình thức hợp tác với các đối tác Ba Lan.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị HANU và các trường đại học tham dự toạ đàm tăng cường hợp tác và mở rộng các hình thức hợp tác với các cơ sở đào tạo của Ba Lan, như thông qua các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên và liên kết đào tạo.

Tăng cường hỗ trợ dạy tiếng Việt cho người Việt Nam tại Ba Lan

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng thông báo, mục đích của đoàn trong chuyến công tác này còn muốn tăng cường hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam tại Ba Lan. Thứ trưởng nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu này, ngoài sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, của các cơ sở giáo dục còn cần đến sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Ba Lan. Từ đó, đề nghị Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Ba Lan hỗ trợ việc dạy tiếng Việt tại Ba Lan và xem xét đưa tiếng Việt thành một môn ngoại ngữ lựa chọn tại một số cơ sở giáo dục của Ba Lan.

Đáp lại đề nghị này của phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Ba Lan cho biết, sẵn sàng hỗ trợ và khuyến khích ý tưởng hợp tác và đào tạo của các trường đại học, trong đó có việc dạy tiếng Việt và sẽ trao đổi thêm với Bộ Giáo dục quốc gia Ba Lan để có thể tìm ra những hình thức hỗ trợ phù hợp.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đoàn công tác đã đến thăm và làm viêc tại Trường Đại học Adam Mickiewicz (AMU), đây là trường đại học duy nhất tại Ba Lan và số ít ở Châu Âu có khoa Việt Nam học

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Ba Lan, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đoàn công tác đã đến thăm và làm viêc tại Trường Đại học Adam Mickiewicz (AMU). Đây là trường đại học duy nhất tại Ba Lan và số ít ở Châu Âu có khoa Việt Nam học. Hiện nay tại Khoa có 40 sinh viên Ba Lan đang theo học trình độ đại học, 22 thạc sỹ và 1 tiến sỹ.

Cảm ơn Việt Nam đã cấp 10 học bổng cho sinh viên ngành Việt Nam học sang theo học ngắn hạn tại Trường Đại học Hà Nội, bà Bogumila Kaniewska, Hiệu trưởng AMU nhấn mạnh mong muốn hợp tác với các cơ sở đào tạo của Việt Nam thực hiện các chương trình liên kết đào tạo các trình độ đại học và thạc sĩ ngành Việt Nam học và giảng dạy tiếng Việt, mở rộng phạm vi hợp tác sang các ngành quản trị, du lịch, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp… Trước mắt, trong thời gian gần, AMU và các trường đại học có thể cùng phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn, hội thảo giới thiệu về giáo dục, văn hóa và con người của Việt Nam tại Ba Lan và ngược lại.

Với mục đích tìm hiểu tình hình dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Trường tiếng Việt Lạc Long Quân. Đây là trường dạy tiếng Việt đã được thành lập 25 năm. Trải qua rất nhiều thăng trầm với nhiều khó khăn, hiện nay trường đã ổn định việc dạy và học tiếng Việt với số lượng 150-200 học sinh đến học vào cuối tuần. Trường tự biên soạn được cuốn sách “Em học tiếng Việt” và dạy đủ các trình độ từ sơ cấp đến nâng cao (từ trình độ A đến E). Đặc biệt trường nhận học sinh từ nhiều nước trong khu vực Đông Âu và từ những thành phố rất xa Ba Lan đến học.

Đại diện nhà trường cho biết nhu cầu học tiếng Việt tại Ba Lan ngày càng nhiều, nhưng điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp và tài liệu còn rất hạn chế, do đó nhà trường mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT và các cơ sở đào tạo tiếng Việt trong nước về tài liệu giảng dạy, sách báo và giúp bồi dưỡng phương pháp, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên.

Trao đổi khi tới thăm Trường tiếng Việt Lạc Long Quân, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và hoan nghênh những cố gắng mà bà con cộng đồng đã thực hiện trong việc duy trì và phát triển tiếng Việt tại Ba Lan, đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị của Bộ GD&ĐT cùng các cơ sở đào tạo có phương án hỗ trợ công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan và người Ba Lan muốn học tiếng Việt.

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có các buổi làm việc với Trường Đại học Warsaw, Cơ quan trao đổi học thuật quốc gia Ba Lan để trao đổi văn bản hợp tác, thúc đẩy các hợp tác song phương về đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.

Thu hút cơ sở giáo dục đại học Australia thành lập phân hiệu tại Việt Nam
Hiện tại có hơn 200.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài. Vì thế việc mở các phân hiệu của các cơ sở đại học tại nước ta...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư