Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thu hút cơ sở giáo dục đại học Australia thành lập phân hiệu tại Việt Nam
Hưng Anh - 27/09/2024 16:14
 
Hiện tại có hơn 200.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài. Vì thế việc mở các phân hiệu của các cơ sở đại học tại nước ta sẽ rất tiềm năng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Ngày 27/9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Phúc có buổi làm việc với Đại sứ Australia tại Việt Nam và Bộ Giáo dục Australia về việc thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học Australia thành lập phân hiệu tại Việt Nam.

Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: Đầu năm 2024, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia đã thống nhất nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện, nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn. Trong đó, giáo dục và đào tạo chính là trọng tâm của hợp tác.

Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: Đầu năm 2024, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia đã thống nhất nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

“Tôi rất hào hứng và mong chờ sự hợp tác sâu sắc hơn nữa giữa hai nước, nhất là thành lập phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học Australia tại Việt Nam”, ngài Đại sứ chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh sự nỗ lực của Australia trong giải quyết các vướng mắc, thấu hiểu hơn giữa hai nước.

Bà Karen Sandercock, Cục trưởng Cục Giáo dục quốc tế, Bộ Giáo dục Australia cho biết: Australia đã có nhiều kinh nghiệm trong việc mở phân hiệu các cơ sở giáo dục đại học tại châu Á và nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, buổi làm việc hôm nay là cơ hội để các chuyên gia Australia có thể chia sẻ, tìm hiểu thông tin, nắm bắt các các điểm chung để có được nhiều cơ hội hợp tác, mang đến lợi ích cho giới trẻ Việt Nam trong tương lai.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết giáo dục là trọng tâm của hợp tác và cũng nhấn mạnh: Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước; khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam. Thu hút các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới mở phân hiệu tại Việt Nam.   

Việt Nam có khoảng 200.000 du học sinh đang học tập tại nước ngoài, do vậy, việc mở các phân hiệu của các cơ sở đại học tại Việt Nam sẽ rất tiềm năng.

Chính vì vậy, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của sự phát triển giáo dục, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là những lĩnh vực công nghệ cao, ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng… 

Nhấn mạnh trong tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước có đề cập: Hai bên cam kết hợp tác để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam và tìm kiếm các cơ hội tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo thông qua đối thoại, cơ chế hợp tác, liên kết thể chế. Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam để hỗ trợ các trường đại học Australia mở phân hiệu tại Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, Việt Nam có khoảng 200.000 du học sinh đang học tập tại nước ngoài, do vậy, việc mở các phân hiệu của các cơ sở đại học tại Việt Nam sẽ rất tiềm năng, để thu hút sinh viên Việt Nam học tập trong nước, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ hỗ trợ, đẩy nhanh thực hiện các công việc để sớm nhất đạt được những thỏa thuận chung, mang đến kết quả tốt nhất.

Các cơ sở giáo dục New South Wales tham gia triển lãm du học lớn tại Việt Nam
Chính quyền bang New South Wales công bố Tuần lễ Du học tại Việt Nam với hai triển lãm tại Hà Nội vào ngày 10/9 và TP.HCM vào ngày 14/9/2024.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư