Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Ba chiến lược thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài trong ngành giáo dục
Hưng Anh - 26/09/2024 17:54
 
Có 605 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng vốn lên tới trên 4,57 tỷ USD.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia

Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho rằng, hợp tác quốc tế luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết Việt Nam đã thu hút được 605 dự án đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,57 tỉ USD

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh hợp tác và đầu tư với nước ngoài trong giáo dục. Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế và khu vực như UNESCO, SEAMEO, ASEAN, ASEM, APEC…

Tính đến ngày 30/6/2024, Việt Nam thu hút được 605 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng vốn đầu tư lên tới trên 4,57 tỷ USD; khoảng 430 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài được triển khai tại 65 cơ sở giáo dục đại học trong nước; có 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Ba chiến lược thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài

Ba chiến lược ưu tiên trong thu hút hợp tác và đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam được Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh. Đó là, thu hút các trường đại học nước ngoài uy tín thành lập phân hiệu tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với các cơ sở đại học uy tín nước ngoài; tăng cường trao đổi học sinh sinh viên và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Minh, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện nay, có gần 22.000 sinh viên nước ngoài đang học tập ở Việt Nam, cao nhất 9 năm qua. Các trường đại học Việt Nam tích cực thu hút và tạo điều kiện học tập tốt nhất cho lưu học sinh nước ngoài. Việc trao đổi học sinh, sinh viên giúp thúc đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật và góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị với các nước, hội nhập quốc tế.

Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho rằng, cần có khung chính sách hiệu quả, tạo ra môi trường mang tính kiến tạo để khuyến khích tương tác quốc tế.

Những sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo chính là nền móng vững chắc, thể hiện sự quan tâm của Việt Nam trong hội nhập giáo dục toàn cầu. Việt Nam chào đón và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, các đối tác đến hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, không chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, mà còn nhiều điểm đến tiềm năng khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương…

Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, điểm giao thương quốc tế của miền Bắc. Trong nhiều năm qua, Hải Phòng luôn chú trọng đẩy mạnh tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Là một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng thí sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế, Hải Phòng xác định mục tiêu trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo. Từ nay đến năm 2025, Hải Phòng đặt mục tiêu xây dựng một phân hiệu trường đại học quốc tế tại Việt Nam, vì vậy, rất nhiều cơ chế đột phá được đưa ra nhằm thu hút, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.

Theo đại diện Thành phố Đà Nẵng, địa phương này cũng đã quy hoạch và dành nhiều diện tích đất để phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư cho giáo dục chất lượng cao. Các nhà đầu tư quốc tế đến Đà Nẵng đều được chia sẻ bản đồ quy hoạch và thăm quan thực địa, cùng nhiều chính sách hỗ trợ của địa phương để hợp tác, phối hợp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo hiệu quả nhất.

Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho rằng, cần có khung chính sách hiệu quả, tạo ra môi trường mang tính kiến tạo để khuyến khích tương tác quốc tế, mang đến những trải nghiệm tích cực, để sinh viên, giáo viên, các nhà quản lý, nhà đầu tư cảm thấy phù hợp. Đồng thời, để trở thành điểm đến toàn cầu, cần rất nhiều yếu tố phải chuẩn bị như vị trí địa lý phù hợp, cách tiếp cận phù hợp, chính sách hiệu quả và đồng đều trên toàn quốc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư